Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp BOT gia hạn thời gian sử dụng vé tháng, vé quý đối với các phương tiện có vé tháng, vé quý mà thời gian hiệu lực trùng với thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chủ trương của Chính phủ.
Theo đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT phải xác định số ngày không được sử dụng vé tháng, vé quý của các chủ phương tiện trong giai đoạn giãn cách xã hội để thực hiện bù vào tháng, quý tiếp theo, sau khi địa phương dỡ bỏ hạn chế di chuyển.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sụt giảm 30 - 50% lưu lượng phương tiện trong những ngày cách ly xã hội. Ảnh minh họa: Ngọc Tân. |
Đối với chủ phương tiện không tiếp tục mua vé tháng, vé quý, Tổng cục yêu cầu doanh nghiệp ghi bổ sung thời gian được gia hạn, đóng dấu giáp lai vào vị trí ghi bổ sung trên vé tháng, vé quý để chủ phương tiện sử dụng.
Theo ghi nhận của Zing chiều 28/4, nhiều doanh nghiệp BOT mới nhận được chỉ đạo của Tổng cục và chưa thống nhất được phương thức miễn giảm.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình cho biết các tài xế, chủ phương tiện sử dụng vé tháng trong giai đoạn cách ly xã hội đang kiến nghị được giảm giá vé trong tháng tiếp theo.
"Chúng tôi đang tổng hợp ý kiến và báo cáo lên Tổng cục Đường bộ. Trường hợp Tổng cục phê duyệt thì sẵn sàng thực hiện để hỗ trợ người dân", vị này cho biết.
Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho biết ngay từ đầu giai đoạn cách ly xã hội, công ty đã khuyến cáo các chủ phương tiện không mua vé tháng. Lượng vé tháng bán ra trong giai đoạn đầu tháng 4 chỉ đạt khoảng 50%.
"Nhiều doanh nghiệp vận tải lỡ mua vé tháng nhưng chưa sử dụng cũng được chúng tôi hỗ trợ hoàn tiền nếu có đơn đề nghị. Với các trường hợp mua vé tháng và đã sử dụng từ 1 lần trở lên thì không được hoàn tiền", ông Oánh nói và cho biết đã nắm chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ nhưng vẫn phải xem xét để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Một số doanh nghiệp như Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng cho biết họ sẽ khó chấp hành được chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ bởi tình trạng sụt giảm doanh thu đang ở mức trầm trọng, bị ngân hàng siết nợ và đứng trước bờ vực phá sản.