Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Yêu cầu dịch vụ điện qua kênh online tăng trưởng mạnh mùa dịch

Trong bối cảnh hạn chế giao dịch trực tiếp để phòng tránh Covid-19, nhiều người dùng chuyển sang kênh online mỗi khi có yêu cầu các dịch vụ ngành điện.

Để tăng cường phòng chống dịch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN chủ trương tiếp nhận yêu cầu dịch vụ từ khách (cấp điện mới, các dịch vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện) qua tất cả kênh, đặc biệt ưu tiên các kênh trực tuyến như Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tổng đài CSKH, website/email/ứng dụng CSKH, Zalo, Facebook...

100% dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử đã được EVN cung cấp kể từ tháng 12/2018. Thực tế triển khai cho thấy, các kênh giao dịch hiện đại trên ngày càng được khách hàng tin dùng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Cụ thể trong tháng 3, các Tổng công ty Điện lực đã tiếp nhận 745.000 yêu cầu dịch vụ điện, trong đó 92,5% (hơn 688.000) yêu cầu được thực hiện online và qua các trung tâm CSKH. Tỷ lệ này tăng gần 30% so với trong tháng 2.

Riêng việc triển khai các dịch vụ điện trực tuyến liên thông với Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), EVN đã đạt kết quả ấn tượng. Ngay khi Cổng DVCQG khai trương ngày 9/12/2019, EVN đã tích hợp 3 dịch vụ trên nền tảng này. Tới ngày 24/12/2019, EVN hoàn thành kết nối 12/12 dịch vụ điện mức độ 4, trở thành doanh nghiệp nhà nước đầu tiên hoàn thành cung cấp tất cả dịch vụ của doanh nghiệp ở mức độ 4 trên Cổng DVCQG.

Từ khi Cổng DVCQG đi vào hoạt động tới đầu tháng 4, có trên 23.000 hồ sơ xử lý thành công trên Cổng DVCQG. Trong đó, số yêu cầu về dịch vụ điện do EVN tiếp nhận, xử lý đã đạt 12.700 hồ sơ, chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số hồ sơ xử lý trên Cổng DVCQG.

EVN anh 3

EVN tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước số hóa các dịch vụ điện.

“Chúng tôi liên tục khuyến khích khách hàng thực hiện giao dịch qua kênh trực tuyến, đồng thời đơn giản hoá giao diện website, ứng dụng CSKH, cải cách thủ tục hành chính... để nâng cao trải nghiệm người dùng. Với các yêu cầu qua Cổng DVCQG, khách hàng còn có thể theo dõi tiến độ xử lý dịch vụ, cũng như đánh giá chất lượng phục vụ”, đại diện EVN cho biết.

Những bước tiến trong việc áp dụng các phương thức giao dịch điện tử của EVN nhiều năm qua đã được ghi nhận. Ngày 6/9/2019, EVN cùng một số đơn vị ngành điện nhận giải “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam 2019” từ Hội Truyền thông số Việt Nam. Ngày 13/3 tại “Hội nghị trực tuyến về công bố dịch vụ công tích hợp trên Cổng DVCQG, sơ kết 3 tháng vận hành Cổng DVCQG”, EVN được Thủ tướng trao bằng khen về nỗ lực triển khai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng.

EVN anh 4

EVN hiện cung cấp 12 dịch vụ điện mức độ 4 trên Cổng DVCQG.

Song song với đẩy mạnh kênh giao dịch trực tuyến, EVN còn chủ động đề xuất giảm giá điện hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, và được Chính phủ phê duyệt tại phiên họp thường kỳ tháng 3.

Theo phương án đề xuất, khách hàng sản xuất và kinh doanh được giảm 10% giá điện ở tất cả khung giá. Khách sử dụng điện sinh hoạt được giảm 10% với các bậc thang giá điện sinh hoạt từ 1 đến 4 (dưới 300 kWh tháng). Các cơ sở lưu trú du lịch được điều chỉnh giảm bằng mức giá điện áp dụng cho các hộ sản xuất. Các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 được giảm 100%. Các cơ sở khám chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 được giảm 20%. Các khách sạn và các cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng để cách ly được giảm 20%.

Ước tính tổng số tiền điện hỗ trợ giảm là hơn 11.000 tỷ đồng, với tổng số thời gian hỗ trợ là 3 tháng (tháng 4, 5 và 6).

Giang Minh Nguyệt

Bình luận

Bạn có thể quan tâm