Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Yao Ming - vua bóng rổ Trung Quốc với chiều cao 2,29 m

Yao Ming là biểu tượng và niềm kiêu hãnh của người Trung Quốc sau những thành tựu đạt được trong sự nghiệp bóng rổ đỉnh cao.

Yao Ming được xem là công thần khi nhắc đến sự thành công của bóng rổ Trung Quốc. Kể từ khi Yao Ming bắt đầu thi đấu ở NBA vào năm 2002, bóng rổ ngày càng phổ biến và vươn lên trở thành môn thể thao được yêu thích hàng đầu ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Yao Ming dù chỉ thi đấu 8 mùa giải ở NBA, nhưng huyền thoại 39 tuổi gặt hái vô số thành công, mà không cầu thủ châu Á nào có được.

Con nhà nòi bóng rổ

Chiều cao 2,29 m của Yao Ming là sự thừa hưởng có được từ bố mẹ. Bố của Yao Ming, Yao Zhiyuan và người mẹ Fang Fengdi từng là cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp ở Trung Quốc.

Ông Zhiyuan, cao 2,01 m, từng thi đấu cho một đội bóng rổ ở Thượng Hải và là người đàn ông cao nhất Trung Quốc thời đó. Bà Fengdi, cao 1,88 m, thi đấu cho đội tuyển bóng rổ nữ Trung Quốc vào đầu những năm 70. Mẹ Yao Ming được ghi nhận là cầu thủ bóng rổ nữ cao nhất Trung Quốc khi còn thi đấu.

bong ro anh 1

Yao Ming sở hữu thân hình đồ sộ, áp đảo đồng nghiệp ở Mỹ.

Những điều này tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa Yao Ming và bóng rổ. Yao Ming bắt đầu tập luyện bóng rổ vào năm 9 tuổi và đạt ngưỡng chiều cao 1,7 m khi học lớp 3.

Yao Ming sớm tập luyện với đội trẻ của Shanghai Sharks (đội bóng thuộc Giải Bóng rổ Nhà nghề Trung Quốc, CBA) khi 13 tuổi. Tại đây, anh dành khoảng 10 tiếng tập luyện mỗi ngày để hoàn thiện các kỹ năng bóng rổ.

Yao Ming tiến bộ thần tốc sau 4 năm thi đấu đội trẻ và được Shanghai Sharks đưa lên đội hình một để thi đấu ở CBA. Yao Ming sớm trở thành ngôi sao ở Shanghai Sharks và bóng rổ Trung Quốc khi 17 tuổi. Trong 5 mùa giải ở CBA, Yao Ming ghi trung bình 32,4 điểm và 15,4 rebounds (bắt bóng bật bảng).

Tin tức về một cầu thủ bóng rổ Trung Quốc cao 2,29 m, sở hữu kỹ năng tốt, đặc biệt là các cú ném tầm trung đến tai nhiều tuyển trạch viên ở Mỹ. Yao Ming dự kỳ NBA Draft 2002 và được Houston Rockets lựa chọn ở vị trí đầu tiên. Anh là cầu thủ đầu tiên không thuộc quốc tịch Mỹ được chọn ở vị trí số 1 trong kỳ NBA Draft, mà không cần thi đấu cấp Đại học ở xứ cờ hoa.

Điều quan trọng khiến Yao Ming vươn tầm ngôi sao NBA nằm ở tư duy chơi bóng. Trong tấn công, Yao Ming tận dụng triệt để lợi thế về chiều cao để ghi điểm bằng những cú ném tầm trung và khả năng xoay xở linh hoạt ở khu vực dưới rổ. Về mặt phòng thủ, Yao Ming tận dụng chiều cao vượt trội cùng khả năng giữ vị trí để gây áp lực cho các đối thủ có ý định ghi điểm gần rổ.

Yao Ming chỉ thi đấu 8 mùa giải ở NBA trước khi giải nghệ vào năm 2011 do mắc nhiều chấn thương. Anh kết thúc sự nghiệp với trung bình 19 điểm và 9,2 rebounds sau 486 trận đấu, cùng 8 lần góp mặt các trận đấu All-Star. Năm 2016, Yao Ming được điền tên vào ngôi đền huyền thoại NBA.

"Yao là một cầu thủ có một không hai, cao 2,29 m với những kỹ năng tuyệt vời. Lần đầu tiên đối đầu với Yao, cậu ta block tôi tới 3 lần liên tiếp. Tôi đã tức giận và bắt đầu úp rổ, nhưng bạn không thể cản Yao. Bạn chỉ có thể đứng ở trước mặt Yao và hy vọng cậu ấy ném ra ngoài. Cậu ấy có bóng, nhìn vào bạn và ném trên đầu bạn. Cậu ấy có lẽ là đối thủ khó khăn nhất đời tôi", Shaquille O'Neal nhận xét về Yao Ming.

Cầu nối đưa NBA đến Trung Quốc

Ảnh hưởng của Yao Ming với bóng rổ Trung Quốc là rất lớn. "Yao Ming là biểu tượng toàn cầu của bóng rổ và có ảnh hưởng phi thường đến việc phổ biến NBA ở Trung Quốc. Ông ấy không chỉ là người mà tôi ngưỡng mộ, mà còn là một thần tượng vĩ đại cho những ai yêu thích môn này", Xining He, cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp đang thi đấu ở Trung Quốc chia sẻ với The Culture Trip.

bong ro anh 2

Yao Ming là tượng đài bất tử với bóng rổ Trung Quốc.

Cựu Giám đốc Điều hành Carroll Dawson của Houston Rockets từng chia sẻ cảm nhận về sức ảnh hưởng của Yao Ming ở Trung Quốc. "Đi dạo ở Trung Quốc với Yao Ming giống như đi dạo cùng ban nhạc The Beatles ở New York vậy", Dawson chia sẻ trong video tri ân Yao Ming.

NBA tận dụng tầm ảnh hưởng của Yao Ming để đưa giải đấu tiếp cận với Trung Quốc vào đầu thế kỷ 21. Năm 2004, NBA trở thành Giải đấu Thể thao Chuyên nghiệp đầu tiên của Mỹ đưa các trận đấu đến Trung Quốc.

Cho đến nay, Trung Quốc là địa điểm quen thuộc mà NBA lựa chọn để tổ chức các trận đấu giao hữu trước mùa giải giữa các đội. Ngoài ra, NBA cũng lập kế hoạch mở nhiều học viện bóng rổ ở Trung Quốc. Mỗi học viện sẽ bố trí các huấn luyện viên được đào tạo tại NBA nhằm phát triển và tìm ra những tài năng bóng rổ ở Trung Quốc.

Errick McCollum, cựu cầu thủ Beikong Fly Dragons, khẳng định bóng rổ rất phổ biến ở Trung Quốc. Anh cho biết có nhiều trẻ em chơi bóng rổ trong các công viên và hình ảnh của NBA phủ rộng mọi nơi.

"Điều này thực sự lớn. Đó không chỉ là những trận bóng rổ, mà còn là kinh doanh. Có quá nhiều tiền kiếm được từ các trận đấu, với những vật phẩm, truyền hình và sự xuất hiện của cầu thủ. Nơi nào tốt hơn Trung Quốc? Đây là một thị trường cần được khai thác và đầu tư khôn ngoan. NBA biết điều này. Họ đưa các cầu thủ đi một chuyến bay kéo dài 16 tiếng để chơi các trận đấu giao hữu. Đây là tất cả những suy nghĩ được tính toán", McCollum phân tích với cây viết The Culture Trip.

Một báo cáo gần đây của tập đoàn Tencent (đối tác của ESPN về phát sóng NBA ở Trung Quốc) cho biết gần 500 triệu người đang sử dụng và trải nghiệm các nội dung của NBA ở Trung Quốc). "NBA đã trở thành giải thể thao phổ biến ở Trung Quốc", Shuangfu Li, cây viết NBA kỳ cựu và nhà đồng sáng lập của Lanxiong Sports chia sẻ với ESPN.

Sau Yao Ming, Yi Jianlian, Sun Yue và Zhou Qi là những cầu thủ Trung Quốc tiếp theo thi đấu ở NBA, nhưng đều không thành công. Yi Jianlian có sự nghiệp khả quan hơn Sun Yue và Zhou Qi khi bám trụ ở NBA được 5 mùa giải với trung bình 7,9 điểm sau 272 trận đấu.

Bóng rổ Trung Quốc dù phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, nhưng tìm ra Yao Ming thứ hai là điều mà họ chưa thể có được.

Juzang - tài năng gốc Việt trên đường gia nhập NBA

Johnny Juzang được CĐV biết tới là tài năng bóng rổ gốc Việt. Anh đang từng bước phát triển để có cơ hội xuất hiện tại Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA).

Đăng Khoa

Ảnh: Getty

Bạn có thể quan tâm