Trong tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi do Bộ Tài chính gửi Chính phủ, một trong những đề xuất đáng chú ý được đưa ra là bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng như: Đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn...
Thực tế, đây không phải lần đầu cơ quan này muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng đồ uống có đường. Năm 2014, đề xuất này cũng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều cơ quan, bộ ngành.
Thời điểm và mức độ đánh thuế phù hợp
Ở góc độ chuyên gia kinh tế - tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, vấn đề là thời điểm và mức độ, cách đánh thuế sao cho phù hợp.
Trên thế giới, các quốc gia phát triển và có tỷ lệ béo phì cao đều đang dần thực hiện việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
"Nếu năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia đánh thuế đối với đồ uống có đường, đến nay đã có 56 quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt; 9 quốc gia áp thuế nhập khẩu; 2 quốc gia áp thuế hàng hóa và dịch vụ. Trong đó, gồm các quốc gia phát triển và đang phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc...", ông nói với Zing.
Năm 2020, sản lượng nước giải khát và nước ngọt có ga đạt khoảng 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít. Ảnh: Grupaeurocash. |
Hơn nữa, vị chuyên gia cho biết từ 2018 đến nay sản lượng sản xuất và tiêu thụ đồ uống có đường tăng mạnh, trung bình 4,15-5%/năm. "Riêng năm 2022 sản xuất và tiêu thụ hơn 10 tỷ lít với mức tăng hơn 5% so với 2021. Xuất khẩu nước giải khát cũng tăng mạnh", ông phân tích.
Theo ông Thịnh, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, sản lượng có thể suy giảm trong một vài năm đầu tiên, nhưng sau đó sẽ phục hồi và có thể tiếp tục tăng.
"Hơn nữa, về bản chất thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào người tiêu dùng nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ là người nộp hộ thuế cho người tiêu dùng, nên ngoài mức suy giảm trong một thời gian ngắn về sản lượng, thì các doanh nghiệp trong ngành ít chịu các tác động khác", ông đánh giá.
Tương tự, nhìn từ góc độ y tế, tại một hội thảo mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 lên 19% năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn (từ 11% năm 2002 lên 18% năm 2016).
"Căn nguyên gây nên bệnh béo phì và một số bệnh không lây nhiễm rất phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng gia tăng tiêu thụ đường tự do, đặc biệt là từ đồ uống có đường ở cả trẻ em và người lớn", ông nhận định.
Theo Thứ trưởng, mức tiêu thụ đồ uống có đường gia tăng nhanh là yếu tố quan trọng góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân béo phì ở Việt Nam. Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết để giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, từ đó góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe trẻ em.
Doanh thu ngành đồ uống sẽ giảm gần 4.000 tỷ đồng
Hiện nay, ngành nước giải khát ở Việt Nam đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư, với sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Công ty TNHH Red Bull, Coca-Cola Việt Nam, Suntory Pesico…
Theo thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), doanh thu của ngành mỗi năm đạt tới trên 200.000 tỷ đồng, đóng góp gần 60.000 tỷ đồng hàng năm cho ngân sách Nhà nước.
Đối với đồ uống có đường, trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho rằng đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này chưa phù hợp với điều kiện tại Việt Nam, chưa có cơ sở khoa học hợp lý, không khả thi và có thể gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội.
Cụ thể, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là không hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ mắc các bệnh thừa cân béo phì, tiểu đường. Trong khi đó lại tạo nên một chính sách mang tính phân biệt đối với một loại thực phẩm có chứa đường trong số những loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo lớn khác.
Chuyên gia cho rằng chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì. Ảnh: Eat This. |
"Các khảo sát thực tế cho thấy đồ uống có đường cũng không phải là nguồn cung cấp năng lượng và calo lớn nhất cho cơ thể. Có rất nhiều loại thực phẩm có hàm lượng calo cao và việc tiêu thụ thường xuyên những loại thực phẩm này cùng với việc thiếu vận động thể chất cũng có thể gây ra thừa cân béo phì và tiểu đường", ông dẫn chứng.
Hơn nữa, theo lãnh đạo VBA, trong số 193 nước trên thế giới, chỉ có 54 nước, tức khoảng 1/4 số quốc gia trên thế giới, đánh thuế lên nước giải khát bổ sung đường (chứ không phải là đồ uống có đường), 3/4 các quốc gia không đánh thuế.
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường còn gây ra những hệ luỵ đối với nhiều ngành kinh tế có liên quan cũng như cả nền kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA)
"Mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam, đặc biệt là nước giải khát không cao so với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước có mức tiêu thụ các sản phẩm này cao hơn Việt Nam rất nhiều cũng không áp thuế đối với các sản phẩm này", ông Việt dẫn chứng.
Theo hiệp hội, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường còn gây ra những hệ luỵ đối với nhiều ngành kinh tế có liên quan cũng như cả nền kinh tế.
Một nghiên cứu do Viện quản lý kinh tế Trung ương tiến hành vào năm 2018 cho thấy nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với đồ uống có đường, doanh thu của ngành đồ uống sẽ giảm 3.928 tỷ đồng, trong khi mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước chỉ đạt 1.526 tỷ đồng.
"Đồng thời chính sách thuế này nếu áp dụng sẽ kéo theo tác động lan tỏa đến nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng như toàn bộ nền kinh tế", lãnh đạo VBA nhấn mạnh.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...