Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ý đồ mới của ông Kim Jong Un

Chuyên gia cho rằng những đợt thử tên lửa liên tục gần đây của Triều Tiên dường như là nhằm thu hút sự chú ý từ Washington, thay vì với mục đích phát triển vũ khí.

trieu tien thu ten lua anh 1

Các chuyên gia cho hay không giống như suốt nhiều năm qua, những đợt bắn thử tên lửa của Triều Tiên hôm 25/9, 28/9, 29/9, 1/10 và 4/10 không nhằm mục đích phát triển vũ khí. Họ cho rằng tên lửa đạn đạo tầm ngắn vốn đã quá quen thuộc, trong khi dữ liệu sau vụ phóng cũng không gây ấn tượng.

Thời điểm diễn ra những vụ phóng thử trùng với khoảng thời gian Mỹ thực hiện một số chuyến thăm cấp cao. Wall Street Journal nhận định đây chính là dấu hiệu cho thấy chiến thuật của Triều Tiên quay trở lại, sử dụng các vụ phóng thử tên lửa vào thời điểm thích hợp nhằm nỗ lực kích thích phản ứng về chính sách.

Quay lại chiến thuật cũ?

Hôm 25/9, chỉ có duy nhất một vụ phóng tên lửa đạn đạo với tầm bắn ước tính 595 km. Con số này tương đương khoảng cách bãi phóng ở Taechon và thành phố cảng Busan của Hàn Quốc, nơi một tàu chiến Mỹ cập bến phục vụ tập trận hải quân giữa 2 nước vài giờ trước đó.

Hôm 29/9, Bình Nhưỡng bắn tên lửa đạn vài giờ trước khi Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Hàn Quốc, sau đó bắn thêm khi bà rời đi. Vụ phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn hôm 1/10 diễn ra một ngày sau tập trận hàng hải giữa Washington, Seoul và Tokyo.

“Tôi tin chúng ta chứng kiến các kiểu tín hiệu chính trị mà Triều Tiên thường theo đuổi trong các vụ thử tên lửa hồi năm 2016 và 2017 quay trở lại”, Ankit Panda - thành viên cấp cao trong chương trình chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế - nhận định.

Trong thời gian đó, Triều Tiên và Mỹ ở thế đối đầu trực tiếp. Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó cảnh báo Bình Nhưỡng “sẽ chứng kiến bão lửa và cuồng nộ mà thế giới chưa từng thấy” nếu như “tiếp tục đe dọa” Washington.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể đang dùng lại chiến lược áp dụng từ thời ông Trump. Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho rằng nước này có khả năng đang chuẩn bị vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ tháng 9/2017. Vụ thử có thể diễn ra vào khoảng thời gian giữa lúc Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc và đợt bầu cử giữa kỳ Mỹ.

trieu tien thu ten lua anh 2

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại trạm điều hành quân sự ở khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên ở Panmunjom, Hàn Quốc hôm 29/9. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia an ninh nhận định Triều Tiên dường như đã điều chỉnh loạt vụ thử tên lửa đạn đạo trong tuần này để tránh phản ứng dữ dội lan rộng. Các vụ phóng cho thấy khả năng nhắm vào những căn cứ quân sự trong khu vực, thay vì thử nghiệm tầm xa.

“Triều Tiên không muốn leo thang căng thẳng quá mức, dẫn tới phản ứng dữ dội khiến nước này bị áp đặt biện pháp trừng phạt bổ sung, hay cắt đứt hoàn toàn khả năng đàm phán”, Cha Du-hyeong - cựu cố vấn an ninh của tổng thống Hàn Quốc - nhận định.

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên án các vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây. Hôm 26/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng “Triều Tiên rõ ràng đang trong giai đoạn khiêu khích”, Korea Herald đưa tin.

Hôm 30/9, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cho biết chính phủ nước này đang xem xét các lựa chọn khác nhau nhằm tăng cường biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, Yonhap đưa tin. Ông Park nói có nhiều cách để áp đặt trừng phạt bổ sung, bao gồm cả lĩnh vực tài chính và mạng của nước này.

Sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn?

Trong năm nay, Triều Tiên đã tiến hành 23 vụ thử tên lửa, theo New York Times.

Những tháng đầu năm, các vụ thử tập trung vào việc nâng cao năng lực hạt nhân và tên lửa. Sau đó, đợt bùng phát dịch Covid-19 có thể đã khiến nước này hạn chế lại kế hoạch nhằm nhận hỗ trợ kinh tế và y tế từ Trung Quốc, theo Ellen Kim - chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington.

Không chỉ vậy, bà Kim nhận định những vụ phóng trong tuần này cho thấy Triều Tiên dường như sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn từ các hành động khiêu khích.

Bà đưa ra nhận xét này dựa trên thực tế rằng Bình Nhưỡng không đợi cuộc tập trận 3 bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản kết thúc rồi mới phóng thử.

trieu tien thu ten lua anh 3

Theo thống kê của New York Times, Triều Tiên đã tiến hành 22 vụ thử tên lửa trong năm nay. Ảnh: Reuters.

Những chuyên gia theo dõi Triều Tiên cho rằng ngay cả khi Bình Nhưỡng không công khai các vụ phóng, thì người dân vẫn biết được thông tin này, đặc biệt là những vụ phóng từ các tỉnh sâu trong đất liền.

Các chuyên gia cho biết vũ khí tầm ngắn thử nghiệm trong những ngày gần đây có thể là tên lửa đạn đạo KN-23 hoặc KN-24 của Triều Tiên, dựa trên loại Iskander, và phóng lần đầu vào năm 2019.

Triều Tiên thường gọi tên lửa này là “vũ khí chiến thuật dẫn đường kiểu mới”, phát triển nhằm cải thiện khả năng bắn đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường tới các căn cứ quân sự của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ trong khu vực.

Kim Young-jun, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Hàn Quốc, cho rằng 4 vụ phóng gần đây cũng cho phép quân đội Triều Tiên làm quen với bắn tên lửa tầm ngắn vốn ngày càng trở nên quan trọng khi Bình Nhưỡng coi vũ khí hạt nhân chiến thuật là ưu tiên lớn hơn.

“Đối với Triều Tiên, điều này rất hữu ích về mặt hoạt động”, giáo sư Kim - cố vấn chính phủ Hàn Quốc về các vấn đề an ninh quốc gia - cho biết.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo thứ tư trong tuần

Giới chức Hàn Quốc cho biết Triều Tiên ngày 1/10 đã phóng tên lửa đạn đạo về phía bờ biển phía đông, đánh dấu vụ phóng thứ tư của Bình Nhưỡng trong vòng 7 ngày.

Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo

Triều Tiên đã bắn hai tên lửa đạn đạo ngày 29/9, chỉ vài giờ sau khi Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris rời khỏi Hàn Quốc. 

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm