Sau khi KCNA công bố video và hình ảnh về vụ phóng tên lửa hôm 18/11, mọi ánh mắt đổ dồn về bé gái xuất hiện bên cạnh ông Kim Jong Un tại bãi phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Cô bé này được KCNA giới thiệu là con gái nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Trước nhiều đồn đoán nổi lên, ông Ken Gause - chuyên gia cao cấp về Triều Tiên tại tổ chức nghiên cứu CNA (Mỹ) - nhận định cần phải chờ liệu thông điệp Bình Nhưỡng muốn truyền tải thực sự là gì, khi thông tin về cô bé còn khá mơ hồ.
“Chúng ta cần chờ xem điều Triều Tiên thực sự truyền tải là gì, trong những ngày tới, tuần tới, thậm chí là tháng”, ông nói với Zing.
Ông Ken Gause là giám đốc Nhóm Quan hệ Quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của tổ chức CNA. Ông là nhà phân tích cấp cao về lãnh đạo nước ngoài của CNA và chuyên gia về Triều Tiên. Ông Gause đã xuất bản 3 cuốn sách về nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: AUSA. |
Ngoài ra, dù không rõ động thái này có phải là sự thay đổi lớn trong giới truyền thông của Triều Tiên hay không, ông Gause chắc chắn đây là sự kết hợp của nhiều thông điệp với nhau.
Bình Nhưỡng muốn phô diễn “năng lực quân sự ngày càng tăng, và dư luận cần chú ý tới họ, ‘bởi chúng tôi sẽ trở thành cái gai trong mắt nếu bạn không làm vậy’. Ngoài ra, đó còn là thông điệp về việc đừng quên gia đình ông Kim”, ông nói thêm.
Trong khi đó, ông Michael Madden - chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Mỹ - nói Bình Nhưỡng dường như nhận thấy chỉ công khai về tên lửa đã không còn thu hút được sự chú ý của thế giới nhiều như trước đây, bên cạnh những câu hỏi về tính xác thực từ các thông tin mà truyền thông nước này công bố.
Đặc biệt, ông Madden cho rằng việc đưa con gái tới bãi phóng tên lửa đã làm lu mờ những gì diễn ra tại sự kiện đó. “Do có quá ít thông tin về gia đình ông Kim Jong Un, sự hiện diện của cô bé lập tức khiến vụ thử tên lửa không còn được chú ý nhiều nữa”, ông nói.
“Việc cô con gái xuất hiện trong những bức ảnh chắc chắn đã khiến tin tức Triều Tiên thử thành công ICBM Hwasong-17 bùng nổ. Mức độ chú ý vào động thái này có thể sẽ chỉ như những vụ phóng khác nếu cô bé không xuất hiện”, ông nói.
Mọi người có xu hướng quan tâm đến tin đồn và đời sống cá nhân hơn là các vụ thử vũ khí hủy diệt hàng loạt, giống như việc phải lựa chọn xem chương trình truyền hình về người nổi tiếng hoặc nhân vật chính trị và chương trình về các nhà khoa học tên lửa vậy, vị chuyên gia giải thích thêm.
Hình ảnh người cha
Cơ quan tình báo Hàn Quốc hôm 22/11 tiết lộ đó là con gái thứ hai của ông. Tuy nhiên, ông Gause chỉ ra rằng không thể biết đây liệu có đúng là cô con gái thứ 2 không, trước những thông tin khá mơ hồ về gia đình nhà lãnh đạo này.
“Tất cả thông tin chúng ta biết về con cái ông Kim là từ cựu ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman trong chuyến thăm tới Triều Tiên vào năm 2013”, ông nói. Sau chuyến thăm Bình Nhưỡng, ông Rodman chia sẻ với Guardian rằng ông đã có “thời gian thư giãn bên bờ biển” với gia đình nhà lãnh đạo Triều Tiên và bế cô bé Ju Ae.
Cùng chung nhận định, ông Madden cho biết vẫn chưa có thông tin chính xác và đáng tin cậy về những người con của ông Kim Jong Un.
“Nhiều thông tin về gia đình nhà lãnh đạo này là trái ngược nhau và chỉ mang tính suy đoán, được Hàn Quốc tổng hợp từ thông tin cũ và chưa thể xác thực. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc và các nhà phân tích đã sử dụng những thông tin tốt nhất mà họ có”, ông nói.
Sự xuất hiện của con gái ông Kim trong vụ phóng ICBM hôm 18/11 đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về thế hệ lãnh đạo kế cận ở Triều Tiên.
Ông Kim dắt tay con gái tại bãi phóng ICBM. Ảnh: Reuters. |
“Nếu giả sử đúng đây là con gái thứ 2 của ông Kim, thì điều chúng ta cần bàn luận rất thú vị”, ông nói. Ông Kim Jong Un không phải là con trai lớn của ông Kim Jong Il, thậm chí cũng không phải là con trai của người vợ đầu. Do đó, có thể thấy việc lựa chọn người kế cận phụ thuộc vào quyền quyết định của riêng ông Kim, vị chuyên gia nhận định.
“Điều thú vị là người ông Kim công bố là con gái. Văn hóa Triều Tiên là nền văn hóa gia trưởng, và cần thời gian để vai trò của thế hệ kế vị thứ 4 trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là với phụ nữ trong trường hợp đó là điều ông Kim suy xét”, ông Gause nói.
“Dù không rõ ý định của ông Kim ra sao, nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn thì ông sẽ bắt đầu sớm và cần nhiều năm để thực hiện. Đó là lý do chúng ta thấy cô bé vào lúc này”, ông nói thêm.
Dẫu vậy, ông Gause cho rằng vẫn cần phải chờ xem mục đích thực sự của Triều Tiên là gì.
“Cần phải chờ xem liệu cô bé còn xuất hiện trong các vụ phóng tên lửa khác hay không để biết liệu động thái này ám chỉ người kế cận, hay chỉ để nhằm thể hiện gia đình ông Kim vẫn ổn định, cho thế giới thấy Triều Tiên ổn định. Triều Tiên có xu hướng công bố hình ảnh vợ ông Kim để thể hiện sự ổn định nội bộ”, ông Gause nói.
Trong khi đó, ông Madden đã chỉ ra một số hàm ý của Triều Tiên liên quan đến sự xuất hiện của con gái ông Kim trong vụ phóng ICBM gần nhất. Đầu tiên, động thái này nhấn mạnh hệ tư tưởng của Triều Tiên, trong đó nhà lãnh đạo được coi là người cha của đất nước.
“Một người cha bảo vệ con mình, và bằng việc đưa con gái vào những bức ảnh này, ông Kim Jong Un vẽ ra mối liên hệ trong tiềm thức giữa vai trò là người cha chính trị và tinh thần, với người cha thực sự”, ông Madden nhận định. Theo Triều Tiên, ICBM là biện pháp phòng thủ và phương tiện bảo vệ đất nước, ông nói.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện đó còn mang hàm ý thể hiện nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng là như nhiều người cha bình thường khác.
Michael Madden là học giả tại Trung tâm Stimson và là nhà phân tích cho 38 North. Ông Madden là người sáng lập NK Leadership Watch - trang web thu thập thông tin tình báo tập trung vào Triều Tiên. Ảnh: Michael Madden. |
Sau sự xuất hiện của Ju Ae, ông Madden nhận định rằng hệ thống và văn hóa chính trị, với nhà lãnh đạo mạnh mẽ đứng đầu, sẽ không sớm thay đổi. “Triều Tiên có thể sửa đổi các chính sách kinh tế và nền kinh tế, nhưng hệ thống chính trị sẽ giữ nguyên”, ông nhấn mạnh.
Về vấn đề này, chuyên gia Gause cho rằng nếu là cách đây vài tháng, việc phụ nữ giữ chức vụ cao ở Triều Tiên sẽ gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, nếu nhìn vào động thái của ông Kim từ năm 2016 trở lại đây, có thể nhận thấy sự thay đổi trong nội bộ.
“Nhiều vị trí chủ chốt và không kém phần quan trọng do phụ nữ nắm giữ, ví dụ chức ngoại trưởng Triều Tiên hay em gái ông Kim cũng có tên trong Bộ Chính trị. Có một số phụ nữ khác cũng rất thân thiết với nhà lãnh đạo này”, vị chuyên gia từ CNA nói.
Lý giải về điều này, ông Gause cho rằng có thể phụ nữ không tác động trực tiếp tới vị trí của ông Kim so với nam giới. Ngoài ra, đây cũng có thể là sự chuyển biến trong cách thức điều hành truyền thống tại Triều Tiên, khi phụ nữ đóng vai trò ngày càng quan trọng.
“Do đó, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu giả thuyết này là đúng. Nếu là vậy, ông Kim sẽ lựa chọn người con mà ông yêu quý nhất là người kế thừa di sản của cha”, ông Gause nói.
Đáp trả qua lại
Ngoài ra, ông Gause cho rằng việc cả vợ và con gái ông Kim cùng xuất hiện trong lần phóng Hwasong-17 cho thấy đây là vụ phóng quan trọng.
Triều Tiên cho biết quả tên lửa được phóng vào hôm 17/11 tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng là loại ICBM Hwasong-17, vũ khí được nhận định có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân vươn đến mọi khu vực của nước Mỹ, CNN đưa tin.
“Đây là lần phóng thử thành công đầu tiên của Hwasong-17. Tôi cho rằng các vụ phóng thử trước đó đều thất bại, bên cạnh những câu hỏi liệu Triều Tiên đã thực sự phóng Hwasong-17 chưa”, ông Madden nói.
Dẫn giải về lý do Triều Tiên quyết định phóng Hwasong-17 vào thời điểm này, ông nhận thấy Bình Nhưỡng thường xuyên gắn các vụ phóng tên lửa với 2 điều.
“Đầu tiên, họ quyết định hành động khi thế giới không chú ý tới để khiến vụ phóng thành sự kiện mang tính bất ngờ. Thứ hai, Bình Nhưỡng cũng muốn vụ phóng gắn với các sự kiện đặc biệt diễn ra ở cả nước này lẫn trong khu vực”, ông nói.
“Thời điểm đó, khu vực diễn ra Hội nghị APEC. Do đó, đây chính là cơ hội thích hợp cho Triều Tiên, và họ cảm thấy tự tin có thể phóng thành công tên lửa đúng vào lúc này”, ông nói thêm.
Một ICBM được phóng đi tại Triều Tiên. Ảnh: KCNA. |
Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang bước vào chu kỳ liên tục thử nghiệm tên lửa.
“Tất nhiên, Triều Tiên phóng tên lửa vì muốn cải tiến khả năng phát triển vũ khí. Tuy nhiên, nước này cũng tin nếu họ tiếp tục phóng thử, Mỹ sẽ chú ý tới. Nước này cho rằng mình không thể tự giải quyết các lợi ích lớn hơn”, ông giải thích.
"Các quyền lợi hợp tình hợp lý này có thể về mặt kinh tế. (Những vụ phóng) cho phép Bình Nhưỡng lôi kéo Mỹ, can dự với Hàn Quốc, giúp họ có nguồn lực cần thiết để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước", ông nói thêm.
Ngay sau khi Triều Tiên phóng ICBM, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đang tham dự hội nghị APEC tại Thái Lan đã ngay lập tức họp khẩn về vấn đề này. Họ lên án mạnh mẽ động thái trên của Triều Tiên.
Theo chuyên gia Madden, những phản ứng từ các quốc gia trong khu vực không ảnh hưởng tới việc Triều Tiên ra quyết định. “Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục chu kỳ phóng tên lửa và tập trận tên lửa cho đến khi đạt được mục tiêu phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân và/hoặc tên lửa đạn đạo khiến nước này yên tâm”, ông nói.
Trong khi đó, ông Gause cho rằng việc gây thêm áp lực cho Triều Tiên là rất khó ở thời điểm hiện tại, khi nước này được Nga và Trung Quốc - hai thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - ủng hộ.
“Chúng ta không còn ở năm 2016 nữa, khi Mỹ và Trung Quốc thực sự đồng quan điểm trong việc gây áp lực lên Triều Tiên. Bình Nhưỡng hiện cũng biết họ có thể tận dụng điều đó để cố gắng gây áp lực với Mỹ”, ông Gause nói.
“Bạn có thể hét lên với Triều Tiên tất cả những gì bạn muốn, nhưng họ sẽ không lắng nghe vì lợi ích chiến lược của họ. Họ tin họ cần chương trình này cho cả mục đích chính đang nội bộ, nhưng cũng là biện pháp răn đe”, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra việc lên án mạnh mẽ Triều Tiên không mang đến nhiều hiệu quả. Điều này chỉ có hiệu quả nếu Mỹ và Hàn Quốc nhượng bộ trước tiên, ông nói.
Theo chuyên gia Gause, chính quyền Bình Nhưỡng không muốn chỉ giao dịch với Trung Quốc, mà còn muốn hợp tác với Hàn Quốc - điều ông coi là quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông cho biết Triều Tiên không thể làm điều đó trừ khi Mỹ tham gia.
Ông nhận định Triều Tiên sẽ không phi hạt nhân hóa vào thời điểm này. Điều lớn nhất có thể hy vọng nhằm đạt được thỏa thuận với Triều Tiên là lời khẳng định “sẵn sàng giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt và cung cấp đảm bảo an ninh”.
“Đổi lại, phía Triều Tiên phải dừng thử tên lửa, không phổ biến vũ khí hạt nhân và không có các hành động khiêu khích. Về cơ bản, nếu họ làm điều đó, họ đang đóng băng chương trình của mình”, ông nói.
Theo đó, ông Gause nhận định việc đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên có lẽ là cách tốt nhất ở phía trước. “Và tôi nghĩ đây là điều mà Trung Quốc cũng sẽ sẵn sàng tham gia”, ông nói.
Trong khi đó, ông Madden đánh giá thông điệp răn đe từ Triều Tiên chắc chắn không có tác dụng.
“Tôi cho rằng Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện gần Bán đảo Triều Tiên, đồng thời gia tăng hoạt động tập trận chung giữa Mỹ - Hàn Quốc và Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản. Ngược lại, Triều Tiên sẽ phản ứng bằng cách phóng thêm tên lửa, tập trận tên lửa hoặc tập trận quân sự. Tình hình sẽ trở nên căng thẳng và leo thang”, ông kết luận.
Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách về Triều Tiên có tựa đề "Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi" do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021. Cuốn sách giúp bạn đọc có cách nhìn đầy đủ, rõ nét hơn khi tìm hiểu về đất nước, con người Triều Tiên, cũng như cập nhật những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Triều Tiên hiện nay.