Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Y Ban: Chơi 'phây' nhưng không a dua theo trào lưu của đám đông

Sách mới của Y Ban với những câu chuyện “khi thì quá đỗi riêng tư, tình cảm; lúc lại như tiếng gầm của nàng sư tử cái bị thương” phần nào phác họa con người tác giả.

Y Ban cũng là người rất cá tính khi “chơi phây”. Trên Facebook của mình, chị thẳng thắn bày tỏ nhiều chính kiến và những hình ảnh cá nhân có phần phóng khoáng…

Khi học trò và giáo viên cùng là nạn nhân

- Thưa nhà văn Y Ban, hiện chị đang quan tâm đến điều gì?

- Tôi quan tâm tới tất cả mọi vấn đề của xã hội nhưng tôi không a dua theo trào lưu của đám đông.

- Nhưng đọc Facebook của chị, xem ra câu chuyện về giáo dục vẫn khiến chị day dứt nhất, dù đã nghỉ hưu mấy năm?

- Con trai tôi vẫn đang đi học. Tôi quan tâm trên góc độ phụ huynh chứ không phải là nhà báo của ngành giáo dục như khi đi làm trước đây.

Y Ban va cuoc song huu tri day nang luong anh 1
Nhà văn Y Ban. Ảnh: Hoàng Thu Phố

- Những câu chuyện về bạo lực học đường, thầy giáo quan hệ tình dục với học sinh, rồi “tin đồn” nam sinh lớp 10 làm 4 bạn gái cùng có bầu ở Phú Thọ đang cho thấy điều gì?

- Những câu chuyện này ngày xưa cũng có mà. Học sinh cũng phe nhóm đánh nhau. Thầy giáo quan hệ với học sinh nữ… Nhưng cái thời xa xưa ấy nó không được cập nhật hàng ngày trên phây búc hoặc các mạng xã hội khác. Và cũng chưa có ai làm một việc là điều tra xem tỉ lệ tăng giảm ra sao giữa thời nay và ngày trước.

Tôi tâm đắc nhất lời phát biểu của bà Thủ tướng New Zealand, đại khái là (vì tôi xem vô tuyến nên không nhớ chính xác từng câu từng chữ), chúng ta tuyệt đối không cho chúng (kẻ khủng bố) cơ hội được nổi tiếng. Và bà đã thực hiện đúng điều đã nói, kẻ khủng bố luôn bị trùm kín đầu, không được lộ mặt. Còn chúng ta thì làm điều ngược lại, kẻ tội phạm còn tươi cười như minh tinh màn bạc. Các clip đánh bạn lan truyền nhanh như virus. Liệu đã có ai hỏi rằng chính những cái clip kia đã kích thích bọn trẻ con học theo?

- Theo chị, lỗ hổng hiện thời lớn nhất của ngành giáo dục là gì? Liệu nhiều khi, cộng đồng mạng, rộng ra là xã hội, cứ dồn đổ lỗi hết cho ngành giáo dục có gì đó là quá nặng không?

- Tất cả đều là nạn nhân, học trò là nạn nhân, giáo viên là nạn nhân, nói rộng ra ngành giáo dục cũng là nạn nhân. Học trò và giáo viên cùng là nạn nhân của ngành giáo dục còn ngành giáo dục là nạn nhân của ai thì tôi chưa gọi tên được ra. Có thể là nạn nhân của sự giả dối.

Xã hội thế nào? Điều này được phản ánh trung thực nhất trong ngành giáo dục…

- Thường thì những hiện thực đời sống ấy sẽ đi vào trang viết của chị như thế nào? Nó sẽ được sàng lọc, soi rọi, xoáy sâu ra sao trong “cỗ máy sáng tạo" của nhà văn Y Ban?

- Trong cuốn tiểu thuyết Công viên cứu hộ loài người tôi đã phác thảo ra một công viên để cho con người ẩn nấp khi con người bị diệt vong bởi chính tội ác của mình đang gây ra. Khi đó chỉ một phần loài người được sống sót. Nhưng tôi cũng chưa thể hình dung ra phần loài người sống sót đó là người tốt hay người xấu…

Tôi vẫn sống hồn nhiên như cây cỏ

- Đọc nhiều tập sách của chị, ngay cả tập truyện mới nhất “Có thể có có thể không” (NXB Trẻ, 2019) cũng bắt gặp nhiều hiện thực. Có những câu chuyện giáo dục, có câu chuyện xã hội, và nhiều câu chuyện gia đình. Thậm chí, một số người có thể nhận ra những chi tiết trong gia đình chị cũng được đưa vào. Chị có ngại không?

- Không nên hỏi nhà văn câu hỏi này (cười), hãy hỏi anh ta, chị ta sống rồi hãy viết hay viết rồi hãy sống? Một nhà văn, người ta trải qua cuộc sống gia đình, cuộc sống xã hội… Sự sống của họ sẽ là dữ liệu để cho người ta viết, thế thôi.

- Nghĩa là, theo quan điểm của chị, đời tư không cần giấu kín?

- Đời tư hay đời chung đều là dữ liệu của nhà văn. Khi bạn đọc cầm một cuốn sách của tác giả, họ chỉ đọc câu chuyện hoặc ngôn ngữ nhà văn đó viết để cảm nhận chứ không ai chẻ câu chẻ chữ xem nhà văn này viết về mình hay người khác. Cái sự tọc mạch này chỉ là bệnh của nhà báo chăng (cười).

- Bản thân nhà văn Y Ban, trên trang cá nhân của mình cũng không “màu mè, hoa hòe hoa sói”, mà thẳng tưng, băm bổ; chị cũng sẵn sàng trưng ra những hình ảnh cá nhân có chút “điên rồ phóng khoáng”. Nhà văn Y Ban không sợ bị mất… fan hay sao?

- Òa, Y Ban có fan hay sao? (Cười). Thú thật sắp tròn Hoa giáp chi niên nhưng tôi vẫn sống hồn nhiên như cây cỏ. Tôi không quan tâm đến khen chê. À mà có đấy, phây rất hay, ai không chung quan điểm với tôi, tôi block ngay. Trong văn chương cũng thế, tôi không quan tâm đến khen chê.

Y Ban va cuoc song huu tri day nang luong anh 2
Tập truyện ngắn mới ra mắt của Y Ban. Ảnh: Hoàng Thu Phố

Văn chương, những ngày tháng này, với chị nó ngọt hay nhạt? Các giải thưởng văn chương gần đây cho chị thấy điều gì?

- Trang viết không có gì mới nên câu trả lời cũng cũ mèm. Cách tốt nhất là im lặng.

- Thói quen viết của chị, những ngày tháng còn đang làm công chức, với sau khi nghỉ hưu, có khác nhau như thế nào? Chắc là nhiều điều trước đây chị còn cân nhắc, thì sẽ dễ “bung tỏa” hơn?

- Không hề, tạng của tôi đã đặt bút viết là không cần cân nhắc. Hiện tại tôi còn 3 cuốn tiểu thuyết trong “My Documents”.

- Thế còn sức khỏe, ở tuổi hưu, sức khỏe có ảnh hưởng như thế nào đến việc sáng tác của chị?

- Về hưu ở tuổi 55 rất tuyệt, sức khỏe chưa bị suy giảm. Thích ăn thì ăn thích chơi thì chơi thích viết thì viết. Đi chơi tẹt ga, chữ đầy đầu thì ngồi vào máy tính rồi gõ.

Thơ: Làm chơi, "ăn" thật

- Trở lại với tập “Có thể có có thể không”, một tập sách mỏng, với truyện ngắn, nhưng nặng trĩu nỗi buồn. Chị có thể lý giải vì sao?

- Đầu tiên tôi đặt tên cho tập sách này là “Sách trắng về gia đình”. Trắng ở đây là nói trắng ra, nói ra hết. Là những câu chuyện của một người quá từng trải trong cuộc sống gia đình. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh nhưng thực chất có một nỗi đau chung mang tên gia đình, chính những người thân, máu mủ ruột rà lại là những người thường xuyên làm khổ nhau. Có lẽ đúng như câu các cụ nói, anh em trong nhà oan gia họp mặt.

- Con gái chị có thường đọc sách của Y Ban không?

-Con gái tôi thích đọc văn của mẹ và luôn có phản hồi tích cực. Khi con gái đọc tập sách này xong nhận xét, tập này mẹ viết nặng quá, cảm xúc bị đẩy đến nghẹt thở…

Y Ban va cuoc song huu tri day nang luong anh 3
Y Ban cả ngoài đời lẫn trên "phây" đều thẳng thắn, "sống hồn nhiên như cây cỏ". Ảnh: FBNV

- Thế còn tập thơ đầu tay “Bất kham” ra hồi năm ngoái của chị, với nhiều minh họa do chính tay chị vẽ, nó có ý nghĩa thế nào trong đời văn của chị?

- Tôi tự cho phép mình chơi một cuộc chơi sang trọng. Lần đầu tiên trong nghiệp văn Y Ban đã dám bỏ ra số tiền lớn đến 13.800.000 đồng để in thơ.

- Mượn lời một nhân vật trong tập “Có thể có có thể không” (truyện ngắn “Anh Quảng”) của chị để hỏi chị: Thơ ca là cái gì? Nó có giống tiền không mà chị đau đáu thế?

- Thực ra tôi không hề đau đáu. Nói đến đau đáu phải là văn xuôi. Mỗi tác phẩm tôi viết ra đều đau đáu về nó. Đến nay tôi đã xuất bản bốn tiểu thuyết, ba truyện vừa, 16 tập truyện ngắn mà mỗi lần đặt bút viết một tác phẩm, dù là tiểu thuyết hay một truyện ngắn mi ni tôi đều đặt hết tâm sức vào đó.

Thơ? Tôi làm chơi ăn thật. Chỉ là những “tút” văn vần để tôi chơi “phây” nhưng không ngờ nó lại mang đến cho tôi kết quả ngoài sự tưởng tượng. Chính những bài thơ phây đó tôi đã chiến thắng trong cuộc thi Slam thơ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam (2017). Tôi đã dành được một vé đi Pháp để thi đấu với 23 nhà thơ đến từ nhiều vùng, lãnh thổ. Chỉ thiếu 0,1 điểm nữa thôi tôi đã vào chung kết. 

Y Ban: Thơ ‘phây’ khiến người ta kích thích vô cùng

Thẳng, thật, có phần mạnh mẽ, đáo để, nhà văn Y Ban chia sẻ về xu hướng làm thơ trên mạng xã hội và gian hàng thơ "phây" tại Ngày thơ Việt Nam 2018.




Hoàng Thu Phố

Bạn có thể quan tâm