Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Y Ban: Thơ ‘phây’ khiến người ta kích thích vô cùng

Thẳng, thật, có phần mạnh mẽ, đáo để, nhà văn Y Ban chia sẻ về xu hướng làm thơ trên mạng xã hội và gian hàng thơ "phây" tại Ngày thơ Việt Nam 2018.

Ngày thơ Việt Nam 2018 tại Văn Miếu có một không gian thú vị mang tên “Thi quán”. Đây là nơi dành cho những câu thơ đăng tải trên mạng xã hội Facebook.

Nhà văn Y Ban - người tham gia Thi quán, mà chị gọi là “thơ phây”, đã chia sẻ về việc sáng tác thơ trên mạng xã hội - một hình thức được nhiều tác giả lựa chọn trong thời đại mạng xã hội là một phần tất yếu của cuộc sống.

Lam tho tren mang anh 1
Nhà văn Y Ban bên bài thơ "phây" không dấu của mình trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2018.

- Thi quán thơ “phây” đã được hình thành trên ý tưởng nào?

- Năm nay, tự người của ban tổ chức nghĩ ra ý tưởng này. Người ở ban tổ chức đều là các nhà văn nhà thơ, họ từng đọc thơ trên các nick “phây” có nhiều chia sẻ, nhiều lượt thích, lượt “còm” (comment). Nên người ở ban tổ chức chủ động liên hệ, nói cần làm một gian hàng cho thơ “phây”.

Cũng phải nói thêm, như tôi viết nhiều tác phẩm rồi. Ai cũng biết Y Ban viết văn xuôi, nhưng có ai biết một Y Ban viết thơ không? Năm ngoái tôi thi đấu thơ slam đình đám, cũng do “phây”. Tôi là người làm báo, và thấy tất cả vấn đề làm báo, chuyển tải sang tác phẩm văn học lại chưa “chín” ngay.

Nhưng sự tức thì của thơ trên “phây” lại đến rất nhanh. Chính những bài thơ trên “phây” đã khiến tôi trở thành quán quân năm ngoái, và thi slam ở Pháp, vào rất sâu ở cuộc thi này.

- Các câu thơ trên mạng xã hội được tuyển chọn như thế nào để tập hợp tại Thi quán trong Ngày thơ hôm nay?

- Những câu thơ hay nhất của “phây” không thể nào mà đưa vào hết được. Đây là một cuộc chơi, nên nó cũng có những rào cản nhất định.

Những câu thơ không sách báo nào in được, ngoài “phây”. Ví dụ gần đây, tôi vừa có 4 câu thơ: “Nhạt trò rồi con hát buồn không lên đỉnh/ Hưng phấn nào son tả tơi rơi/ Khép lại màn nhung đi hỡi anh kép chính/ Kẻo thành trò cười mà thẹn với non sông”. Mình nói rất nhiều vấn đề ở đấy, khi tất cả đều nhạt trò rồi thì làm sao cho hay được.

Hoặc có một câu thơ của tôi đang được chia sẻ nhiều, như: “Khi giám khảo là những kẻ đần/ Thì điều tất yếu thơ đần lên ngôi”.

Đây là một cuộc chơi cực kỳ hay. Đất nước mình là đất nước của thơ ca, nên việc những người chơi “phây” làm thơ là điều tất yếu. Thơ là cảm xúc bất chợt, nhưng lại có sức lắng, và nó được ghi chép lại trên những trang “phây” như thế.

- Theo chị, thơ phây có đặc điểm gì riêng?

- Thứ nhất nó tự do. Có nhiều nhà thơ tự kiểm duyệt mình. Vì sao lại tự kiểm duyệt mình? Chế độ in ấn không cho phép ta viết hết mọi thứ, có một nỗi sợ vô hình trói buộc mình. Nên tôi có câu thơ: “Vì ngươi vẫn còn sợ/ Bẻ gãy bút đi và nhắm mắt làm ngơ/ Vì ngươi vẫn còn sợ vô vàn thứ/ Vô vàn thứ vô hình trói buộc ngươi”.

Khi một câu thơ “phọt” ra, đưa lên “phây”, nó không bị tự kiểm duyệt. Và ta chính là nhà thơ, ta chính là nhà xuất bản, ta chính là ta. Thơ “phây” nó hay ở chỗ ấy.

Cái chính nữa là nó trực diện, nó tức thì, nên cảm xúc lúc nào nó cũng nóng hổi. Bình thường, các nhà thơ đi theo vận hành: bộ não, ngôn từ, rồi mới đến các thứ khác, và nhiều khi các nhà thơ đưa vào nhiều thứ kỹ thuật. Thơ “phây” nhiều năng lượng, hồn nhiên, nó rất ít kỹ thuật, là thơ tự do.

- Ở góc độ tương tác với độc giả, thơ “phây” có giúp gì trong việc tiếp cận người đọc?

- Nó làm cho con người ta kích thích vô cùng. Vì sao? Nó cho phép “còm” luôn, chia sẻ, tương tác luôn. Người ta bày tỏ ý kiến luôn. Có người thích, có người không, và có người như được đồng cảm với mình. Nó hay cực kỳ.

Còn theo truyền thống, làm xong rồi phải biên tập, một năm sau mới xuất bản. Mà thơ bây giờ không bán được. Làm ra, mãi mới được giới thiệu, khen nhau là chính, rồi đưa lên các nhà phê bình. Còn ở đây, thơ phây thách thức các nhà phê bình.

Lam tho tren mang anh 2
Thơ "phây" được chọn và đưa vào Thi quán.

- Các nhà thơ trên mạng xã hội có thành lập một nhóm nào đó để cùng sinh hoạt?

- Không hề, làm thơ hoàn toàn tự do mới hay. Khi tôi đưa thơ lên, các bạn vào đọc, người khen, người chê. Ở đây có một sự tự do tương đối trong tâm trí mình.

Thơ "phây" bật ra. Ví dụ hôm đưa tang mẹ tôi, tôi làm những câu thơ đau lòng: “Tôi đã từng thờ ơ nhìn hàng nghìn chiếc xe tang đi ngang cuộc đời/ Bỗng hôm nay trong chiếc xe tang trái tim tôi đau như xé nát/ Một ngày kia trong chiếc xe tang tôi tự do tuyệt đối”. Tôi muốn nói lên thân phận con người. Thơ bật ra. Thơ "phây" là như thế.

- Y Ban nổi tiếng với tác phẩm văn xuôi. Phải chăng mạng xã hội tạo động lực cho chị viết thơ?

- Đúng thế. “Phây” là hàng ngày, hàng giờ, có thể nó chỉ trong giây phút ấy thôi, mình cảm thấy phải chia sẻ. Cảm thấy sau khi chơi thơ trên “phây” rồi, hàng ngày phải tiếp tục cuộc chơi. Nó làm cho mình máu me lắm, khi mà được “còm”, được like, chia sẻ. Nó tạo động lực cho mình viết thơ.

Ngày xưa tôi cũng có vài câu thơ đưa vào tác phẩm, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể viết hoàn chỉnh một bài thơ. Nhưng khi biết đến phây, từ 2012, từ đấy là những dòng thơ đầu tiên, cho đến giờ đã có vài chục bài rồi. Có thể tôi sẽ in một tập thơ phây Y Ban.

- Những bài thơ “phây” nào của chị được chia sẻ nhiều?

- Tôi không nhớ cụ thể. Khi tôi đưa I am Đàn bà lên thì không quá nhiều lượt tương tác chia sẻ, có thể do nó đã được sáng tác và công bố lâu rồi. Nhưng có lần tôi đọc thơ theo trường phái cải cách ngôn ngữ của ông Bùi Hiền lên, thì có khoảng 30.000 người vào để xem, và không biết bao nhiêu like, comment, cười và chia sẻ. Và bỗng dưng tôi được gọi là “nghệ sĩ”.

Thơ “phây” là cuộc chơi, tôi chơi hết mình. Nhưng khi hết đi, nó còn lại được gì, đọng lại gì, thì nó sẽ là những câu thơ, như những câu thơ được chọn ở Thi quán thơ phây hôm nay.

- Chị vừa nói nhà thơ truyền thống thường đưa tính kỹ thuật vào, còn thơ mạng xã hội thì nó tức thì. Vậy chất lượng thơ mạng xã hội thế nào?

- Tất nhiên đây là một cuộc chơi. Không ai khi chơi lại nghĩ là sẽ xuất bản nó. Nhưng như tôi đã nói, những giá trị đích thực sẽ là cái còn lại của cuộc chơi.

Minh Chechen (Phạm Ngọc Minh) - người tham gia Thi quán: tôi không phải nhà thơ, mà là người thích thơ. Mỗi lúc vui bạn bè, tôi thường viết vài câu lục bát hoặc thất ngôn tứ tuyệt, đăng tải trên mạng xã hội.

Việc đưa thơ lên giúp tôi xả stress. Cuộc sống vốn nhiều điều nhức đầu rồi. Tôi hãnh diện, tự hào, và nghĩ sang năm sân thơ nên duy trì quán thơ "phây" này. Vì nó là mạng xã hội - phần tất yếu của cuộc sống. 

Loa Đểu (Toàn Thắng) - người tham gia Thi quán: Trên Facebook tôi cũng hay viết, hay nghịch, chơi là chính. Nghề của tôi là viết văn chứ không phải viết thơ. Tôi cứ rảnh lại có status về thơ, từ nhớ quê cũng viết thơ, đau bụng cũng thành thơ.

Với tôi, làm thơ trên phây chỉ có ý nghĩa là có thêm những người bạn. Tôi không có ý định làm thơ chuyên nghiệp, chỉ làm thơ “lung tung” để có thêm những người bạn từ trên mạng, một kênh giao tiếp, để bước ra ngoài đời làm bạn cùng nhau.

Trang Hà - người tham gia Thi quán: Tôi là giáo viên tiếng Anh trường Cao đẳng y tế Sơn La, viết thơ từ 2015 đưa lên mạng, được nhiều bạn bè ủng hộ. Việc đưa thơ lên mạng xã hội là cầu nối gần nhất để người viết tới công chúng.

Việc xuất bản thành sách thì mất thời gian, mà chưa chắc đã nhiều người đọc. Sinh viên của tôi cũng đọc thơ trên mạng xã hội, các em ủng hộ và chia sẻ các bài thơ tình của tôi.



Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm