Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Banana Yoshimoto và nỗi buồn của những kẻ trưởng thành

​ Dịu ngọt và trong trẻo nhưng da diết đến nao lòng. Cuốn sách như một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ.

Câu chuyện trong Nắp biển bắt đầu vào một ngày mùa hè tại thị trấn nhỏ yên tĩnh. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô sinh viên mỹ thuật Mari quyết định rời xa quê hương, đến sinh sống ở phương Nam xa xôi. Nhưng ý định ấy bỗng chốc bị dập tắt khi cô gái nhìn ngắm vùng biển quê hương và ăn món đá bào quen thuộc mà Mari yêu thích từ khi còn nhỏ.

Cô gái trẻ quyết định ở lại nơi thân thương này và mở một cửa hàng giải khát chuyên phục vụ món đá báo mát lạnh. Mùa hè của Mari trở nên ý nghĩa hơn khi có sự hiện diện của Hajime. Đó là một thiên thần mang vẻ ngoài rất đặc biệt.

Một tai nạn từ khi còn nhỏ đã khiến Hajime có một vết sẹo lớn bao phủ nửa bên phải khuôn mặt và toàn bộ cơ thể. Thật lạ lùng là điều đó không trở thành rào cản giữa Mari và người bạn mới. Bởi Hajime có một ánh mắt lấp lánh diệu kì. Trong đôi mắt trong veo cùng giọng nói thánh thót tỏa ra một thứ hào quang của tình yêu và sự lương thiện.

Hàng ngày, hai cô gái phục vụ cho những vị khách đến nghỉ ngơi ở thị trấn ven biển này món đá bào mát lạnh. Vừa làm việc, Mari vừa ngắm nhìn mảnh đất thân yêu mà cô đã gắn bó từ thuở ấu thơ. Cô gái trẻ chợt giật mình vì nơi đây đã thay đổi quá nhiều. Sự phát triển của du lịch đã đánh mất vẻ thanh bình của vùng biển đáng yêu này.

Thị trấn mà cô lớn lên dường như như biến đi đâu mất. Mỗi lần nghĩ tới điều đó Mari lại thấy chông chênh. Hajime cũng có những nỗi niềm giống cô. Nỗi niềm của những kẻ trưởng thành bỗng hoang mang vì cuộc đời không còn là giấc mơ màu hồng tươi đẹp nữa.

Nap bien anh 1
Tiểu thuyết Nắp biển của Banana Yoshimoto.

Hajime lớn lên trong vòng tay bà. Khi bà mất, cuộc sống của cô gái thánh thiện ấy bỗng dưng bị đảo lộn. Cuộc chiến tranh giành gia sản nổi lên. Ngôi nhà cũ mà cô và các anh chị em họ đã từng nô đùa suốt thời thơ ấu có thể thuộc về tay người khác. Không ai để ý đến những thứ như kỉ niệm hay kí ức, vật chất tầm thường dường như đã che mờ mắt họ.

Một ngày nọ, một công ty lớn muốn hợp tác với hai cô gái nhỏ để mở một chuỗi cửa hàng đá bào lớn ở thị trấn biển này. Chẳng cần bàn bạc, họ cùng nhau lắc đầu. Đơn giản, Mari bán đá bào đâu chỉ để kiếm tiền. Cửa hàng nhỏ này là chút kỉ niệm cuối cùng về một thời xa xưa vẫn đang hiện hữu.

Một chuỗi cửa hàng đồ uống tiện nghi xuất hiện có thể mang đến nhiều lợi nhuận nhưng đồng nghĩa với việc cảnh quan môi trường nơi đây có thể bị phá hoại. Chút yên bình cuối cùng dường như sẽ tan biến trong nay mai. Nếu bắt tay với họ Mari có cảm giác như đang phản bội chính mình.

Trong câu chuyện của Mari và Hajime không chỉ có nỗi buồn và sự trống trải của những người trẻ đang loay hoay tìm hướng đi cho riêng mình. Ở đó còn có câu chuyện của một Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trong cơn bão toàn cầu hóa. Cuộc đấu tranh giữa lợi nhuận và bảo vệ môi trường cùng với việc giữ gìn những vốn văn hóa truyền thống. Những vấn đề xã hội tưởng chừng rất khô khan được truyền tải bằng giai điệu dịu dàng của ngôn từ.

Đọc Nắp biển, độc giả sẽ được thưởng thức một phong vị khác trong văn chương của Banana Yoshimoto. Đã có một thời gian dài những sáng tác của nữ nhà văn Nhật Bản là “khúc ca dị thường” của nỗi buồn và bản ngã cá nhân. Nhưng trong Nắp biển chúng ta sẽ thấy một Banana Yoshimoto hoàn toàn khác, dường như con người đã tạo ra làn sóng Bananamania đã khoác lên mình một màu áo khác.

Vẫn là nỗi buồn cùng nhiều suy ngẫm ngổn ngang trong trang viết, nhưng văn phong trong Nắp biển thanh nhẹ và lấp lánh niềm vui. Lật từng trang sách, ta có cảm giác như nghe một thiếu phụ kể về những kỉ niệm tươi đẹp của thời thanh xuân. Lấp lánh buồn mà thanh thản đến lạ lùng!


Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm