Theo chuyên gia Ian Storey tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, nguyên nhân của tình trạng này là các vấn đề về kinh tế phát sinh sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát, South China Morning Post đưa tin ngày 11/8.
Số vụ cướp biển và cướp có vũ trang trên biển tại Đông Nam Á trong sáu tháng đầu năm 2022 là 36 vụ, tăng nhẹ so với con số 35 vụ năm 2021 nhưng giảm so với con số 47 vụ năm 2020, theo trung tâm thông tin về cướp biển ReCAAP-ISC.
Hải quân Malaysia diễn tập chống cướp biển và tội phạm trên biển. Ảnh: AFP. |
Eo biển Singapore - một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới với hơn 100.000 tàu chở hàng tỷ USD hàng hóa đi qua mỗi năm - vẫn là một trong những điểm nóng về cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, với số vụ tấn công đã gia tăng đáng kể từ cuối năm 2019.
Số vụ việc xảy ra trong nửa đầu năm 2022 tại đây là 27 vụ, tăng 7 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Tất cả đều xảy ra trong vùng biển của Indonesia. Thủ phạm thường sử dụng dao kiếm và hoạt động theo nhóm 3-5 người, nhằm vào các tàu chở hàng, chở dầu lớn hơn.
Theo tiến sĩ Storey, sự gia tăng trên đến từ nhiều nguyên nhân, bao gồm các tác động kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19.
“Trong nửa sau năm 2022, số vụ cướp biển và cướp có vũ trang trên biển tại Đông Nam Á có thể tăng nhẹ do các tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, gây tăng giá lương thực và sự khó khăn về kinh tế trên khắp khu vực”, ông viết.