Theo BBC, Tổ chức hợp tác chống cướp biển và cướp tàu thuyền có vũ trang châu Á (ReCAAP) vừa công bố báo cáo về tình hình cướp biển trong 6 tháng đầu năm 2020, cho thấy 50 vụ cướp biển đã xảy ra tại các vùng biển trong khu vực. Con số này nhiều hơn gấp đôi so với 25 vụ trong cùng kỳ năm 2019.
Các vụ cướp biển và tấn công vũ trang nhắm vào tàu thuyền xảy ra ở nhiều vùng biển, từ Bangladesh, Ấn Độ cho tới Philippines và Indonesia. Chỉ riêng tại eo biển ngoài khơi Singapore, ít nhất 16 vụ tấn công đã xảy ra trong nửa đầu năm 2020.
Một nhóm cướp biển hoạt động ngoài khơi Malaysia. Ảnh: Inquirer. |
"Đôi khi cướp biển là ngư dân địa phương, họ tấn công tàu bè để tăng thu nhập. Ở một số khu vực khác, họ là những thanh niên trẻ không có việc làm", Brandon Prins, chuyên gia về cướp biển tại Đại học Tennessee-Knoxville, cho biết.
Cướp biển thường hoạt động theo nhóm từ 3 tới 8 người, tiếp cận mục tiêu bằng tàu cỡ nhỏ tốc độ cao, sử dụng dao và vũ khí khác tiến hành cướp bóc chớp nhoáng. Những tài sản bị cướp chủ yếu là kim loại phế liệu, động cơ, thiết bị liên lạc, hoặc tài sản cá nhân có giá trị.
Bên cạnh cướp bóc, một số vụ bắt giữ con tin trên biển cũng xảy ra. Mới đây nhất, 5 người đã bị bắt cóc từ một tàu đánh cá ở ngoài khơi Lahad Datu của Malaysia. Những người này tới nay vẫn đang bị giữ làm con tin.
Các chuyên gia nhận định đại dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến các vụ cướp biển, cùng nhiều loại tội phạm khác, gia tăng về số lượng trong năm 2020.
"Covid-19 làm suy giảm thương mại toàn cầu, làm giảm thu nhập của người dân, gia tăng nghèo đói và thất nghiệp, dẫn đến các vụ cướp biển xảy ra nhiều hơn", ông Prins nói.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành ReCAAP Masafumi Kuroki cho rằng hiện tượng cướp biển gia tăng ở châu Á trong những tháng qua là dấu hiệu đáng lo ngại
"Các hành vi tội phạm quy mô nhỏ, nếu không được xử lý, có thể khuyến khích tội phạm tiến hành các hành vi nghiêm trọng hơn, ông Kuroki nói.