Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xung đột Syria 'len lỏi' vào hội nghị G20

Trong lúc khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 hôm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị các nhà lãnh đạo thảo luận về tình hình Syria vào bữa tối, dù chủ đề đó không tồn tại trong chương trình nghị sự.

Hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) bắt đầu từ hôm nay tại thành phố St. Petersburgh của Nga. Khi đọc bài phát biểu để khai mạc hội nghị, Tổng thống Nga Putin nói rằng một số người đã đề nghị các nhà lãnh đạo thảo luận về tình hình Syria.

"Vì thế tôi cho rằng chúng ta thảo luận về Syria vào bữa tối. Ngoài ra chúng ta cũng sẽ thảo luận các vấn đề kinh tế", ông Putin nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tại thành phố St. Petersburg hôm 5/9. Ảnh: AFP.

Bên lề hội nghị, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Putin tiếp tục bác bỏ chứng cứ mà Mỹ công bố để chứng minh chính phủ Syria đã thảm sát dân thường bằng vũ khí hóa học. 

"Chúng tôi không thể chấp nhận bằng chứng không đáng tin cậy", Peskov phát biểu.

Peskov nói thêm rằng nhóm BRIC - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc - nhất trí với nhau rằng sự can thiệp từ bên ngoài vào Syria có thể gây nên tác động tiêu cực nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đang cố tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với việc trừng phạt chính phủ Syria bằng vũ lực, đã hội đàm không chính thức với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về tình hình Syria bên lề hội nghị.

"Nhật Bản và Mỹ đều thừa nhận sử dụng vũ khí hóa học tại Syria là một thảm kịch và vi phạm luật pháp quốc tế", ông Obama thông báo.

Tuy nhiên, Abe không tuyên bố ông ủng hộ tấn công Syria hay không.

Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố St. Petersburg hôm 5/9. Ảnh: AFP.

Chỉ vài giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc, Ủy ban Đối ngoại thượng viện Mỹ đã thông qua đề xuất cho phép Tổng thống Obama tấn công Syria trong 60 ngày và có thể gia hạn thêm 30 ngày. Toàn thể thượng viện sẽ bỏ phiếu đề xuất vào tuần sau. Ngoài ra Obama cũng cần sự tán thành của hạ viện.

Trong bối cảnh dư luận kỳ vọng các nước trong nhóm G20 sẽ đạt được tiến triển cụ thể trong nỗ lực chấm dứt xung đột tại Syria, ông Lakhdar Brahimi, đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả rập về Syria, đã bay tới Nga. Nhiệm vụ của ông là thúc đẩy các cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo nhằm phục hồi hòa bình cho Syria.

Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm