Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xung đột Nga - Ukraine đẩy các ngân hàng trung ương lớn vào thế khó

Các ngân hàng trung ương lớn rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu mạnh tay kiểm soát lạm phát, họ có thể vô tình tạo sức ép lên nền kinh tế, vốn lung lay vì xung đột ở Ukraine.

Theo CNBC, khi các nền kinh tế trên thế giới phục hồi sau đại dịch, nhiều ngân hàng trung ương đặt mục tiêu bình thường hóa chính sách tiền tệ. Nhưng cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy họ vào thế khó.

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần đầu nâng lãi suất trong hơn 3 năm. Cơ quan này cũng sẽ tiếp tục tăng lãi trong 6 cuộc họp chính sách khác trong năm nay nhằm kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng Trung ương Anh cũng nâng lãi suất lần thứ 3 nhưng với một giọng điệu tương đối ôn hòa. Cuộc chiến ở Ukraine và cuộc khủng hoảng giá năng lượng có thể khiến lạm phát tăng cao trong thời gian dài.

Rui ro dinh lam anh 1

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy các ngân hàng trung ương trên thế giới vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Ảnh: Reuters.

Thế tiến thoái lưỡng nan

Hồi đầu tháng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gây bất ngờ khi thông báo kết thúc chương trình mua tài sản vào quý III/2022. Như vậy, FED và ECB đều đưa ra những động thái mạnh tay nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa.

Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đều đau đầu vì lạm phát tăng cao do đại dịch, đẩy giá tiêu dùng leo thang lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, thậm chí cao kỷ lục.

Nhưng theo giới quan sát, với việc thắt chặt chính sách vào thời điểm tăng trưởng kinh tế bị đe dọa, điều kiện tài chính và thị trường lao động đi xuống, các ngân hàng trung ương có thể vô tình tạo ra hiện tượng đình lạm, tức lạm phát tăng cao, tăng trưởng kinh tế thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Nhưng hầu hết ngân hàng trung ương đều ưu tiên kiềm chế lạm phát, thay vì lo ngại về việc kinh tế giảm tốc do tác động của xung đột Nga - Ukraine.

Rui ro dinh lam anh 2

Xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt tạo ra những tác động tiềm tàng đối với kinh tế thế giới. Ảnh: Reuters.

"Các nhà hoạch định chính sách tỏ ra cứng rắn, nhưng trên thực tế, chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn hỗ trợ rất nhiều cho tăng trưởng bất chấp những đợt nâng lãi suất mới đây", ông Hugh Gimber - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management - bình luận.

"Giới chức đang nói về việc thắt chặt, nhưng có thể họ vẫn chưa sẵn sàng hành động", ông nói thêm. Vào thời điểm này năm ngoái, theo ông Gimberg, các nhà hoạch định chính sách đều đang "ngồi im và chờ đợi". Bởi việc hành động vội vàng có thể dễ dàng dẫn tới một chính sách sai lầm.

"Nhưng một năm trôi qua, lạm phát hiện ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, thị trường lao động cũng chứng kiến sự phục hồi đáng kể. Giới chức đã không còn kiên nhẫn, họ buộc phải đưa ra lựa chọn", ông nhận xét.

Ông cho rằng các ngân hàng trung ương có thể hành động mạnh tay hơn nữa nếu áp lực lạm phát không giảm bớt.

Tác động tiềm tàng

Nói với CNBC, ông Mario Centeno - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha, thành viên Hội đồng quản trị ECB - cho biết vẫn chưa đủ điều kiện để nâng lãi suất. Theo ông, quá trình bình thường hóa chính sách đang ở mức "trung lập" và "phụ thuộc vào dữ liệu".

Ông Centeno cho biết triển vọng của khu vực đồng EUR vẫn còn phụ thuộc vào việc xung đột ở Ukraine kéo dài bao lâu, và tác động của các lệnh trừng phạt từ phía phương Tây.

"Tỷ lệ thất nghiệp là chỉ báo tốt nhất của nền kinh tế châu Âu", ông Centeno nhận xét. Theo ông, thị trường lao động thường được hỗ trợ bởi các biện pháp chính sách tài khóa.

"Không thể loại trừ kịch bản tăng trưởng thấp và lạm phát cao, ngay cả khi đó không phải kịch bản dễ xảy ra nhất. Do đó, chúng ta cần hết sức thận trọng", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha nhấn mạnh.

Với những tác động tiêu cực của cuộc chiến ở Ukraine và các đợt bùng dịch Covid-19 ở Trung Quốc, đà phục hồi tại những nền kinh tế lớn có đủ mạnh để chống chịu với các đợt thắt chặt chính sách tiền tệ hay không

Ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan giữa hỗ trợ tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.

Ông Brunello Rosa - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Nghiên cứu tại Rosa & Roubini - đồng ý với hướng đi kiểm soát giá cả leo thang.

"Nếu tăng trưởng kinh tế mất khoảng 0,1, thậm chí 1 điểm phần trăm do các lệnh trừng phạt và tác động tiềm tàng của xung đột, tỷ lệ tăng trưởng có thể vẫn chấp nhận được", ông nhận định.

"Thay vào đó, mọi thứ sẽ tồi tệ hơn nếu lạm phát đạt 8% tại Mỹ, 6% ở châu Âu và 7% tại Anh. Điều đáng lo ngại hơn là đà tăng của giá cả kéo dài, rồi rơi vào vòng xoáy giá - tiền lương", ông Rosa đề cập tới tình trạng giá cả tăng cao, dẫn đến người lao động muốn tăng lương để trang trải chí phí, các ông chủ sau đó lại tăng giá hàng bán để bù đắp chi phí lao động tăng cao.

Tuy nhiên, theo ông Neil Shearing - nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, việc các quan chức FED ​​mạnh tay nâng lãi suất đang làm dấy lên lo ngại về việc nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái.

"Với những tác động tiêu cực của cuộc chiến ở Ukraine và các đợt bùng dịch Covid-19 tại Trung Quốc, đà phục hồi của những nền kinh tế lớn có đủ mạnh để chống chịu với các đợt thắt chặt chính sách tiền tệ hay không?", ông Shearing đặt câu hỏi.

Ông cũng nhắc đến những bài học từ quá khứ, nhất là 8 chu kỳ thắt chặt ở Mỹ từ cuối những năm 1970, 5 chu kỳ tại Anh và 3 chu kỳ ở khu vực đồng EUR.

"Tổng cộng là 16 chu kỳ thắt chặt. 13 trong số đó đã kết thúc bằng suy thoái kinh tế", ông cảnh báo.

Cuộc chiến ở Ukraine xóa mọi thành tựu kinh tế của Tổng thống Putin

Theo Phó chủ tịch S&P Global, ông Putin đã tính toán sai khi cho rằng việc phụ thuộc năng lượng Nga sẽ ngăn các chính phủ châu Âu đưa ra những lệnh trừng phạt mạnh tay.

Giá dầu tăng vọt trở lại vì khó thay thế nguồn cung dầu Nga

Giá dầu tăng cao sau khi các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine không có tiến triển. Cùng với đó là những lời kêu gọi cắt giảm nhu cầu dầu nhằm hạ nhiệt thị trường.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm