Theo CNBC, giá dầu hôm 21/3 tăng cao sau khi các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine không có tiến triển. Thị trường cũng lo ngại khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) kêu gọi cắt giảm nhu cầu dầu để hạ nhiệt thị trường.
Trong phiên giao dịch tại châu Á, giá dầu thô kỳ hạn đã tăng hơn 3%. Dầu thô Brent được giao dịch ở mức giá 111,46 USD/thùng. Còn giá dầu WTI là 108,25 USD/thùng.
Giá dầu biến động mạnh trong những tuần qua. Giá có thời điểm vọt lên mức cao kỷ lục trong tháng 3 rồi lao dốc hơn 20% vào tuần trước, đánh mất mốc 100 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu đã nhanh chóng trở lại đà tăng.
Biến động mạnh
Theo Ngân hàng Mizuho, những bất ổn liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá dầu lên cao. Cùng với đó, giới quan sát cho rằng các lệnh phong tỏa mới đây của Trung Quốc có thể không đè nặng lên nhu cầu dầu như dự báo trước đó.
Reuters đưa tin các hạn chế ở thành phố Thâm Quyến đã được nới lỏng phần nào. Tại 5 quận, người dân có thể trở lại văn phòng, những phương tiện giao thông công cộng cũng nối lại hoạt động.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ. Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy khẳng định đàm phán "là con đường duy nhất thoát khỏi xung đột" và tiếp tục kêu gọi đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
"Các cuộc thảo luận giữa Nga và Ukraine liên tục thất bại, thúc đẩy giá dầu tăng cao", các nhà phân tích Brian Martin và Daniel Hynes của ANZ Research bình luận.
Nguồn cung dầu lao dốc khiến thị trường lo ngại. Mới đây, IEA đã đưa ra "những biện pháp khẩn cấp" để giảm nhu cầu dầu.
Xung đột Nga - Ukraine đã dẫn đến những mối lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào dầu và khí đốt của Nga. Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng cho biết sẽ loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Theo thống kê của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, vào năm 2021, Nga cung cấp 11% lượng dầu tiêu thụ toàn cầu, 17% lượng tiêu thụ khí đốt trên thế giới và 40% lượng tiêu thụ khí đốt của Tây Âu.
Các chính phủ EU sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này nhằm thảo luận về lệnh cấm vận dầu mỏ của EU đối với Nga vì cuộc xâm lược vô cớ vào Ukraine.
Khó thay thế nguồn cung dầu Nga
"Việc ngành công nghiệp rõ ràng không có cách nào lấp đầy khoảng trống của nguồn cung dầu Nga đã làm dấy lên những lời kêu gọi cắt giảm nhu cầu dầu", các nhà phân tích của ANZ Research bình luận.
IEA đã cảnh báo các chính phủ trên khắp thế giới cần đưa ra những động thái quyết liệt nhằm cắt giảm nhu cầu dầu bởi cuộc chiến ở Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
IEA đã nêu chi tiết kế hoạch khẩn cấp gồm 10 khuyến nghị, bao gồm giảm tốc độ giới hạn trên đường cao tốc ít nhất 9,6 km/h, làm việc tại nhà tối đa 3 ngày/tuần nếu có thể và nói không với ôtô trong thành phố vào ngày Chủ nhật.
Theo IEA, nếu thực hiện các biện pháp kể trên, nhu cầu dầu thế giới có thể giảm 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tháng. Con số đó tương đương lượng dầu được tiêu thụ bởi tất cả ôtô tại Trung Quốc.
Việc ngành công nghiệp rõ ràng không có cách nào lấp đầy khoảng trống của nguồn cung dầu Nga đã làm dấy lên những lời kêu gọi cắt giảm nhu cầu dầu
Các nhà phân tích của ANZ Research
Việc IEA đưa ra kế hoạch khẩn cấp nhằm giảm nhu cầu dầu cho thấy thế giới có rất ít lựa chọn để thay thế nguồn cung dầu của Nga - nhà sản xuất dầu thứ hai thế giới.
Trong báo cáo mới nhất của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và liên minh), một số nhà sản xuất vẫn đang thiếu hạn ngạch nguồn cung như thỏa thuận.
Theo nguồn tin của Reuters, trong tháng 2 vừa qua, OPEC+ đã không đạt mục tiêu sản xuất hơn 1 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận để tăng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày.
Hai quốc gia trong khối OPEC có khả năng tăng sản lượng ngay lập tức là Saudi Arabia và UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) cho đến nay đã từ chối tăng sản lượng nhanh hơn để giúp giảm giá dầu.
Giá dầu tăng cao giúp các tập đoàn dầu khí lãi lớn. Hôm 20/3, Saudi Aramco - công ty dầu mỏ quốc doanh của Saudi Arabia - vừa công bố lợi nhuận ròng tăng gấp đôi sau một năm lên 110 tỷ USD.
Cụ thể, thu nhập ròng của Aramco đã tăng 124% từ 49 tỷ USD trong năm 2020 lên 110 tỷ USD vào năm 2021. Nguyên nhân là giá dầu thô tăng cao, hoạt động lọc dầu và hóa chất hiệu quả hơn và thương vụ mua lại 70% cổ phần của SABIC thành công.
Giá dầu tăng mạnh, đại gia dầu mỏ Saudi Arabia lãi gấp đôi
Năm 2020, Saudi Aramco kinh doanh ảm đạm vì nhu cầu dầu lao dốc. Nhưng lợi nhuận của tập đoàn đã tăng gấp đôi trong năm 2021 nhờ giá tăng cao.
Giá dầu tăng phi mã, các tỷ phú dầu khí Mỹ kiếm bộn tiền
Giá dầu tăng phi mã bởi xung đột giữa Nga và Ukraine. Những doanh nhân kiếm tiền từ việc sản xuất, bán hoặc vận chuyển nhiên liệu hóa thạch đều hưởng lợi lớn.
Gamuda Land sắp xây chung cư ở Hải Phòng
Dự án được phát triển trên khu đất hơn 1 ha ở TP Hải Phòng, vốn đầu tư khoảng 5.700 tỷ đồng.