Theo Bloomberg, giá dầu tăng vọt đã giúp các doanh nhân kinh doanh khí đốt và đá phiến của Mỹ bỏ túi bộn tiền. Một tỷ phú thậm chí còn lần đầu lọt vào danh sách 500 người giàu nhất thế giới.
Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, các đại gia trong ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ hiện nắm giữ tổng tài sản trị giá 239 tỷ USD, tăng gần 10% kể từ khi Tổng thống Nga Putin phát động cuộc chiến tại Ukraine hôm 24/2.
Các doanh nhân trong ngành dầu khí kiếm lời lớn khi giá tăng vọt bởi lo ngại về những lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga.
Ông Harold Hamm - đồng sáng lập gã khổng lồ đá phiến Continental Resources - hiện kiểm soát khối tài sản trị giá 18,6 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg. |
Giá dầu tăng 32%
Giá dầu Brent đã tăng vọt 32% kể từ khi bắt đầu xung đột Nga - Ukraine. Cuộc chiến khiến mọi thứ, từ cổ phiếu của các hãng hàng không đến cổ phiếu công nghệ, sụt giá. Nhưng ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp kiếm tiền từ việc sản xuất, bán hoặc vận chuyển nhiên liệu hóa thạch đều hưởng lợi.
Nga là một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới. Vào tháng 12 năm ngoái, Nga xuất khẩu gần 8 triệu thùng dầu và các sản phẩm khác ra toàn cầu, bao gồm 5 triệu thùng dầu thô được sử dụng để sản xuất xăng.
Ban đầu, các lệnh trừng phạt từ phương Tây - bao gồm Mỹ - không nhắm vào dầu và khí đốt Nga. Nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khởi xướng với lệnh cấm nhập khẩu dầu và các nhiên liệu khác của Nga.
Anh cũng cho biết sẽ lên kế hoạch loại bỏ dầu Nga vào cuối năm nay. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) bị đẩy vào thế khó. Bởi họ phụ thuộc vào dầu Nga hơn.
Cuộc chiến khiến mọi thứ, từ cổ phiếu của các hãng hàng không đến cổ phiếu công nghệ, sụt giá. Nhưng những doanh nghiệp kiếm tiền từ việc sản xuất, bán hoặc vận chuyển nhiên liệu hóa thạch đều hưởng lợi
Hãng tin Bloomberg
Hầu như mọi nhà giao dịch đều né tránh dầu Nga. Bởi có quá nhiều bất ổn xoay quanh loại hàng hóa này.
Những lệnh trừng phạt nhắm vào các ngân hàng Nga có thể cản trở giao dịch, việc tìm kiếm những tàu chở dầu đi tới các cảng biển của Nga cũng khó khăn.
Do đó, các nhà đầu tư định giá dầu như thể nguồn cung dầu của Nga bị loại bỏ. Nguồn cung thu hẹp dẫn đến giá tăng cao.
Ông Harold Hamm - 76 tuổi, đồng sáng lập gã khổng lồ đá phiến Continental Resources - hiện kiểm soát khối tài sản trị giá 18,6 tỷ USD và trở thành người giàu thứ 93 thế giới.
Nhờ vào cổ phần trong Kinder Morgan Inc, ông Richard Kinder cũng chứng kiến tài sản tăng lên 8,5 tỷ USD. Còn nhà sáng lập Freeport LNG Michael S. Smith lần đầu tiên lọt vào danh sách 500 tỷ phú giàu nhất thế giới.
Ngay cả trước cuộc chiến ở Ukraine, doanh thu của ngành dầu khí Mỹ đã tăng nhanh nhờ nhu cầu phục hồi từ mức đáy. Khi ngày càng nhiều quốc gia tìm cách "sống chung với virus" và gỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt, người tiêu dùng quay lại văn phòng và di chuyển nhiều hơn, dẫn đến nhu cầu dầu tăng vọt.
Các ông chủ Mỹ hưởng lợi
Các nhà khai thác tư nhân cũng kiếm lời lớn. Ông Jeffery Hildebrand - 63 tuổi, nhà sáng lập và là chủ sở hữu duy nhất của Hilcorp Energy (có trụ sở tại bang Louisiana) - hiện nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 12 tỷ USD.
Ông Autry Stephens - 84 tuổi, nhà sáng lập Endeavour Energy Resources - cũng nắm giữ khối tài sản trị giá 5,2 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu tăng mạnh.
Nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng Freeport LNG cũng nằm trong số các tập đoàn hưởng lợi lớn. Trong thương vụ bán 25% cổ phần cho một công ty năng lượng Nhật Bản hồi tháng 11/2021, Freeport được định giá ở mức 9,7 tỷ USD.
Điều này đã đưa ông Michael Smith - người sở hữu khoảng 63% cổ phần của công ty - lên vị trí thứ 409 trong danh sách tài sản của Bloomberg với khối tài sản trị giá 6,2 tỷ USD.
Công ty của ông Smith cũng sẽ hưởng lợi nếu châu Âu - hiện nhập khẩu khoảng 40% khí đốt tự nhiên từ Nga - chuyển sang nguồn cung Mỹ.
Ông Michael Smith lọt nhóm 500 tỷ phú giàu nhất thế giới trong danh sách tài sản của Bloomberg với khối tài sản trị giá 6,2 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg. |
Ngay cả khi điều đó không xảy ra, nhu cầu tăng cao sẽ thúc đẩy giá và giúp lợi nhuận của công ty tăng cao. Giá LNG - loại khí được làm lạnh thành dạng lỏng để lưu trữ hoặc vận chuyển dễ dàng và an toàn - đã tăng mạnh.
"Ván cược của ông Smith vào ngành công nghiệp khí đốt Mỹ đã được đền đáp. Họ có nhiều lựa chọn để tăng trưởng hơn nữa", nhà phân tích Talon Custer của Bloomberg Intelligence nhận định.
Kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng của Freeport LNG đã bị đình trệ trong những năm gần đây. Nguyên nhân là những khó khăn trong việc xin giấy phép của chính phủ Mỹ và giá khí đốt thấp.
Tuy nhiên, theo ông Smith, cuộc chiến ở Ukraine có thể đẩy nhanh các kế hoạch của công ty. Bởi giới chức Mỹ sẽ cân nhắc lại về việc tăng sản lượng. "Hy vọng tình hình sẽ thay đổi", ông bình luận.