Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xuất khẩu trực tuyến giúp doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới

Thông qua các giải pháp kỹ thuật số của nền tảng thương mại điện tử, doanh nghiệp Việt dễ dàng quảng bá, phân phối sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Theo báo cáo "Toàn cảnh chuyển đổi số Việt Nam B2B 2022" của nền tảng thương mại điện tử B2B Alibaba.com, xuất khẩu trực tuyến đang mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới.

Báo cáo chỉ ra trong trạng thái bình thường mới, cả người mua và bán B2B đều ưa chuộng phương thức giao tiếp kỹ thuật số. Hầu hết tương tác của người bán B2B đã chuyển sang điều khiển từ xa hoặc kỹ thuật số. Họ cũng chuyển đổi mô hình tiếp thị từ truyền thống sang kỹ thuật số, sử dụng nhiều video và trò chuyện trực tuyến.

Còn với người mua, theo một cuộc khảo sát do công ty tư vấn McKinsey công bố, 40% người được hỏi bắt đầu chọn các thương hiệu hoặc nhà cung cấp mới thông qua các công cụ kỹ thuật số.

Doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội xuất khẩu trực tuyến

Theo đại diện Alibaba.com, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có được thành công đáng kể trong bối cảnh mới này khi tham gia TMĐT. Đơn cử, Công ty Nước giải khát Tân Đô chỉ mới tham gia nền tảng này trong 3 năm nhưng đã mở rộng được thị trường xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia trên thế giới.

“Chúng tôi tự hào về dấu ấn toàn cầu của mình, vì tầm ảnh hưởng của chúng tôi đã được mở rộng với tốc độ phi thường đến khắp nơi trên thế giới”, bà Diệu Phạm, CEO Tân Đô, chia sẻ.

Alibaba,  ky thuat so anh 1

Thực phẩm và đồ uống là một trong những ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của doanh nghiệp Việt trên Alibaba.com. Ảnh chụp từ website Alibaba.com.

Hai doanh nghiệp khác cũng để lại nhiều dấu ấn khi xuất khẩu trực tuyến trên Alibaba là Công ty sản xuất tóc giả Phạm Bá Tiến và Veritas Việt Nam. Sau 6 năm thành lập, doanh số vào năm 2020 của Phạm Bá Tiến tăng 200% so với năm 2015. Doanh nghiệp này cũng đã thành lập được đại lý ở Mỹ và Nigeria.

Trong khi đó, chuyên sản xuất nguyên liệu mới từ cà phê và có nguồn gốc sinh học, Veritas Việt Nam xem Alibaba.com là “trung gian” đáng tin cậy để đảm bảo quyền lợi của người bán và người mua khi tiếp cận thị trường quốc tế.

“Mặc dù dịch Covid-19 mang đến nhiều khó khăn, nhưng nhờ có Alibaba.com, chúng tôi luôn nhận được lượng yêu cầu và đơn đặt hàng từ nhiều quốc gia trên toàn cầu”, ông Lê Thanh, CEO Veritas Việt Nam, cho hay.

Các câu chuyện thành công trên đây phần nào cho thấy doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng thế mạnh, nguồn lực để xuất khẩu trực tuyến. Theo báo cáo của Alibaba, với hơn 600.000 sản phẩm, hơn 50.000 lượt hỏi hàng tháng, doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh trên Alibaba.com ở các ngành hàng thực phẩm và đồ uống, hóa mỹ phẩm, nông sản, nhà cửa và vườn tược…

Alibaba,  ky thuat so anh 2

Các ngành hàng nổi bật của Việt Nam trên Alibaba.com.

Thêm vào đó, với việc gỡ bỏ dần các gián đoạn trong chuỗi cung ứng diễn ra trong suốt năm 2021, và hàng loạt hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, hoạt động xuất khẩu trực tuyến đã trở nên thuận lợi hơn. Alibaba.com dự báo trong 3-5 năm tới, đại dịch sẽ tiếp tục được bình ổn, TMĐT và cụ thể là xuất khẩu trực tuyến sẽ trở thành hình thức tất yếu của thương mại toàn cầu.

Thúc đẩy xuất khẩu bằng giải pháp kỹ thuật số

Trước những thời cơ thuận lợi như vậy về xuất khẩu trực tuyến, trong năm qua, Alibaba.com Việt Nam đã hợp tác với Cục Xúc tiến Thương mại (Vietrade) - Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm trực tiếp và trực tuyến. Tọa đàm có sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ khắp cả nước.

Alibaba,  ky thuat so anh 3

Alibaba.com ký kết hợp tác với Vietrade.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, cho biết: “Trong hai năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, đầu tư và kinh doanh trên toàn thế giới, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế. Trong bối cảnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số đã được cục phối hợp với các nền tảng TMĐT. Trong đó, hoạt động đào tạo phối hợp với Alibaba.com được các đối tác doanh nghiệp vừa và nhỏ đón nhận và đánh giá cao”.

Năm 2021, Alibaba.com Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng cấp tỉnh để thu thập phản hồi tại chỗ từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, sàn TMĐT này đã phối hợp với các Sở Công Thương, các trung tâm xúc tiến thương mại thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng.

Nền tảng cũng hợp tác với các hiệp hội ngành dọc như Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam... Điển hình trong thời kỳ cao điểm của làn sóng Covid thứ 4 vừa qua, vải thiều - mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhiều tỉnh - được đưa lên giao dịch trên Alibaba.com.

Ông Roger Lou, Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam, cho biết kế hoạch tương lai của sàn TMĐT này tại Việt Nam là tiếp tục cung cấp các giải pháp kỹ thuật số cho hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp việc xuất khẩu trực tuyến diễn ra thuận lợi.

Theo ông Lou, nền tảng này sẵn sàng tăng cường nguồn lực đào tạo, nỗ lực cải thiện dịch vụ khách hàng để doanh nghiệp có thể tận dụng hết tiềm năng của nền tảng, góp phần nâng cao tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, Alibaba.com cũng quảng bá, nâng tầm thương hiệu Việt Nam trên thế giới bằng các giải pháp kỹ thuật số của mình như triển lãm thương mại trực tuyến, livestream...

Thái Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm