Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết kể từ 1/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng 80-200 USD/tấn tùy loại so với trước đó. Ước tính trị giá xuất khẩu gạo tháng 8 của Việt Nam vào EU đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng 93,5% so với tháng 7 và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh gạo, rau quả tươi Việt Nam được đánh giá rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8 vừa qua. Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau quả Việt Nam.
Ông Tuấn cho rằng nền tảng sẵn có cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ.
Trị giá xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU trong tháng 8 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng 7 và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặt hàng cà phê cũng được nhận định có thể gia tăng trị giá xuất khẩu vào EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%. EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% giá trị (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua).
EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Để thúc đẩy xuất khẩu toàn ngành nông, lâm thủy sản thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Vũ Văn Việt nhìn nhận ở góc độ thị trường, Bộ xác định tập trung tận dụng từng nhóm thị trường xuất khẩu, kể cả những khe hẹp nhất từng thời điểm.
Về trị giá xuất khẩu trong cả năm, Bộ cho rằng nếu cố gắng cao và không có biến động lớn của tình hình thế giới, khả năng cao trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 40 tỷ USD (40- 41 tỷ USD). Toàn ngành phấn đấu tổng trị giá xuất khẩu cán đích khoảng 41 tỷ USD.
Đối với các nhóm hàng nông sản quan trọng trong đó có cả áp dụng hạn ngạch thuế quan, EU cam kết xóa bỏ thuế toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang, giảm từ 7-11% xuống 0%; các loại cà phê chế biến giảm từ 9-12% xuống còn 0% vào thời điểm 1/8.
Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm.
Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn; hạn ngạch gạo 80.000 tấn (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định.
Các sản phẩm củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực. Hầu hết gỗ và các sản phẩm gỗ cũng sẽ được xóa bỏ thuế quan.