Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

9 giống gạo của Việt Nam xuất sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan

EVFTA có hiệu lực từ 1/8 mở ra cơ hội cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, trong đó có gạo. Hiện có 9 giống gạo thơm được hưởng hạn ngạch về thuế quan khi xuất sang châu Âu.

Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm).

Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Trong khi đó, 2 nhà xuất khẩu lớn gạo vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021, cụ thể 175 EUR/tấn (năm 2019); 150 EUR/tấn (năm 2020) và 125 EUR/tấn (năm 2021).

9 giong lua cua Viet Nam xuat sang EU duoc huong uu dai thue quan anh 1

Theo EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngày 7/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành quyết định hướng dẫn các doanh nghiệp làm chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU, tạo nền tảng cho doanh nghiệp sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu theo đúng quy định.

“Để bảo đảm độ thuần, tính đúng giống của gạo thơm xuất khẩu, cần thiết phải kiểm tra ruộng lúa thơm trước khi thu hoạch 20 ngày. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo thơm phải chịu trách nhiệm về độ thuần, tính đúng giống trong quá trình thu hoạch, phơi, sấy, sơ chế, bảo quản, xay, xát, chế biến, đóng gói”, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nói.

Hiện có 9 giống lúa thơm sau xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch về thuế quan gồm Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào.

Đại diện Cục Trồng trọt cho biết thêm diện tích gieo cấy lúa thơm tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm đạt khoảng 1 triệu ha, sản lượng lúa thơm ước đạt 5,5 triệu tấn, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm. Trong khi đó, lượng gạo thơm xuất sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30.000 tấn, vì vậy tiềm năng xuất khẩu gạo thơm còn rất lớn.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, Việt Nam mỗi năm xuất khẩu 6-6,5 triệu tấn gạo, trong đó lượng gạo xuất khẩu tập trung chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá gạo của Việt Nam có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch. Năm 2019, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu vào EU là 50.000 tấn, trị giá 28,5 triệu EUR.

Tổng nhập khẩu gạo của EU là 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch 1,4 tỷ EUR. So với các nước ASEAN khác, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 của Thái Lan, 1/10 của Myamnar và 1/4 của Campuchia.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương, tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo rà soát lại danh mục giống lúa thơm đang trồng phổ biến. Qua đó, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung danh mục chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU đáp ứng yêu cầu thực tế, phù hợp với nhu cầu tiêu thu của EU.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt Thái Lan

Theo chuyên gia, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam vượt Thái Lan do nhu cầu thế giới tăng cao và chất lượng gạo của Việt Nam đang tốt lên.

Tuấn Hùng

Bạn có thể quan tâm