Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy từ giữa tháng 7 đến nay, giá gạo xuất khẩu Việt Nam có những thời điểm vượt lên cao hơn giá gạo Thái Lan.
Ngày 16/7, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam là 467 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan là 447 USD/tấn và duy trì giá chào bán cao hơn Thái Lan khoảng một tuần cuối tháng 7. Đến những ngày gần đây, giá gạo hai nước so kè từng ngày, chênh lệch không đáng kể.
Gạo 5% tấm của Thái Lan. Ảnh: AFP. |
Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường nông sản, cho biết đây là lần thứ hai trong lịch sử xuất khẩu gạo chúng ta vượt Thái Lan về giá chào bán. Trước đó vào tháng 9/2011, khi Chính phủ Thái Lan thay đổi chính sách xuất khẩu gạo.
Cuối tháng 3 vừa qua, Việt Nam điều chỉnh cơ chế xuất khẩu gạo khi dịch Covid-19 diễn biến khó lường, tạo cơ hội cho Thái Lan thống lĩnh thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Thái Lan đã đẩy giá xuất khẩu gạo lên cao, kéo giá gạo của Việt Nam tăng theo.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Bích, việc này gây ra kết quả ngược, đến tháng 6 thì tổng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan đã giảm 40% so với cùng kỳ 2019. Hiện nay, Thái Lan đã chủ động hạ giá xuất khẩu gạo nhưng vẫn cao hơn nhiều so với trước dịch.
Động thái của Thái Lan nhằm đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm, bù đắp cho sự sụt giảm trước đó, sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong việc tìm kiếm những hợp đồng mới. Ông Bích dẫn ra bài học với Maylaysia, một khách hàng truyền thống của Việt Nam đã chuyển sang nhập 100.000 tấn gạo của Ấn Độ với mức giá thấp hơn.
Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều thứ 2 thế giới. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong khi đó, ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex, cho biết doanh nghiệp đang xuất gạo với giá 485 USD/tấn. Đây cũng là mức giá gạo hiện tại của Thái Lan theo thông tin niêm yết mới nhất của VFA.
Theo ông Nam, giá gạo hiện nay có lợi cho người trồng lúa, cho doanh nghiệp xuất khẩu và vẫn có thể duy trì mức giá cao vì nhiều lý do, nhưng phần lớn là do cung-cầu thị trường. Tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang giảm so với cùng kỳ, trong khi nhu cầu của thế giới tăng và một số thị trường chính như Trung Quốc phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai nên giá gạo vẫn cao trong những tháng sắp tới.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNN), cho biết 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 3,69 triệu tấn gạo, đạt giá trị gần 1,9 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng nhưng tăng gần 11% về giá trị so với cùng kỳ. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn tập trung hàng để hoàn tất các hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài như Malaysia, Philippines và Cuba để hoàn thành kế hoạch xuất 6,7 triệu tấn trong năm nay.
Theo ông Tùng, hiện nay giá gạo Việt Nam ngang ngửa với Thái Lan là đáng mừng. Bên cạnh nhu cầu thị trường thế giới tăng cao thì ông Tùng cho rằng phải nhìn nhận chất lượng gạo của Việt Nam đang tốt lên, nhưng việc tăng giá và vượt lên Thái Lan chỉ là hiện tượng đột biến, không kỳ vọng duy trì hàng năm.
Về lâu dài để cạnh tranh được giá bán với Thái Lan, đòi hỏi chiến lược nâng cao chất lượng gạo của Việt Nam.
Lo ngại trước mắt của những doanh nghiệp xuất khẩu gạo là gạo nếp không có đầu ra. Trước đây thị trường chính xuất khẩu gạo nếp là Trung Quốc với hạn ngạch khoảng 400.000 tấn mỗi năm, còn lại khoảng 1 triệu tấn xuất đi qua nước thứ ba là Campuchia. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19, chính sách đóng cửa biên giới đã khiến gạo nếp không tìm được đường ra thế giới.