Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật), để khơi thông việc xuất khẩu hoa quả sang Mỹ, Bộ Nông nghiệp nước này đã đồng ý đặc cách cử chuyên gia kiểm dịch thực vật trở lại Việt Nam làm việc.
Tuy nhiên, do Mỹ có quy định chặt chẽ về đảm bảo an toàn cho cán bộ trong thời kỳ dịch bệnh nên đến ngày 11/8 mới chính thức cung cấp thông tin cán bộ kiểm dịch thực vật cho Cục Bảo vệ thực vật để làm thủ tục. Đồng thời phía Mỹ đưa ra yêu cầu điểm đến là sân bay quốc tế Nội Bài và khách sạn do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam bố trí.
Trong thời gian chờ đợi chuyên gia Mỹ sang Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật vẫn nỗ lực làm việc với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đề nghị họ cho phép cán bộ tiếp tục thực hiện giám sát xử lý để hoa quả tươi xuất khẩu sang thị trường Mỹ và đã được chấp thuận.
"Cán bộ của Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM sẽ bắt đầu trở lại làm việc tại cơ sở chiếu xạ kể từ tuần này, đồng nghĩa với việc hoa quả sẽ xuất khẩu bình thường trở lại", ông Hiếu nói.
Hiện tại, Việt Nam có 6 loại hoa quả được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ, bao gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài.
Thanh long là một trong số ít loại quả của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tước khi đưa hoa quả vào chiếu xạ, nhân viên kiểm dịch sẽ chọn ngẫu nhiên một vài thùng hàng để đưa vào phòng kiểm dịch kiểm tra. Tại đây, nhân viên kiểm dịch sẽ quan sát bằng mắt thường và kính lúp để xem có vi sinh vật trên hoa quả hay không.
Trường hợp sản phẩm không có vi sinh vật, nghĩa là đạt yêu cầu thì lô hàng mới được đưa vào chiếu xạ để xuất sang Mỹ. Ngược lại, nếu không đạt, lô hàng đó sẽ bị hủy, không chiếu xạ được.
Từ tháng 3, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Mỹ đã yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS).
APHIS là đơn vị trực tiếp kiểm dịch, giám sát quy trình chiếu xạ Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn tại TP.HCM. Đây cũng là nhà máy chiếu xạ duy nhất của Việt Nam được APHIS chứng nhận.
Sau khi nhân viên của APHIS về nước, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam được ủy quyền theo dõi việc chiếu xạ nhưng mỗi ngày chỉ làm việc 2 tiếng. Ngoài ra, do không phải chuyên môn nên từ ngày 7/8, các nhân viên này không tiếp nhận việc kiểm dịch. Kể từ đó việc chiếu xạ bị ngưng trệ và xuất khẩu hoa quả sang Mỹ bị chững lại.