Thủ tướng mới đây ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Chỉ thị nêu rõ ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt, cần có hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường.
Mỗi năm có 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương. Ảnh: AFP. |
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi nylon, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc; chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi nylon.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất chính sách tài chính nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải và tái chế chất thải nhựa; ưu đãi, hỗ trợ đối với túi nylon thân thiện môi trường, các sản phẩm nhựa tái chế và các vật liệu thân thiện với môi trường. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí ưu tiên hoặc định mức áp dụng mua sắm công đối với các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.
Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện mục tiêu “tiếp tục đẩy mạnh và sớm triển khai kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.
Nghiên cứu, ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng, thiết kế sản phẩm nhựa bảo đảm phục vụ cho tái chế, tái sử dụng; quy định tỷ lệ tối thiểu về hàm lượng nhựa tái sinh trong sản phẩm nhựa, độ bền và công khai thông tin về độ bền của các sản phẩm nhựa; xây dựng hướng dẫn về sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa bền vững. Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nhựa tái chế và các loại phụ gia độc hại trong vật liệu nhựa.
Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện kế hoạch phân loại, giảm thiểu chất thải nhựa tại các bệnh viện, cơ sở y tế; chỉ đạo hướng dẫn việc phân loại rác tại bệnh viện, cơ sở y tế; đưa nội dung giảm thiểu chất thải nhựa là một tiêu chí đánh giá cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp. Ban hành tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu vệ sinh đối với các sản phẩm nhựa tái chế làm bao bì đựng thực phẩm, các loại nước đóng chai.