Nói với Zing, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), khẳng định việc kích cầu tiêu dùng nội địa là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.
Kích cầu tiêu dùng nội địa thế nào?
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, phân tích tiêu dùng nội địa gồm tiêu dùng Chính phủ và tiêu dùng tư nhân. Tiêu dùng Chính phủ gắn với chi tiêu thường xuyên, trong đó có lương của một bộ phận công chức Nhà nước.
Tiêu dùng tư nhân thì phụ thuộc vào 2 yếu tố chính là thu nhập và cách thức chi tiêu. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, thu nhập giảm khiến người dân hạn chế mua sắm, chuyển sang mua các mặt hàng thiết yếu hơn là xa xỉ phẩm.
Để kích cầu tiêu dùng nội địa, đối với tiêu dùng Chính phủ nên ưu tiên hàng tiêu dùng sản xuất trong nước. Đối với tiêu dùng tư nhân, điều quan trọng lúc này phải là khống chế được dịch. Khi triển vọng kinh tế phục hồi, thu nhập đảm bảo thì người dân sẵn sàng chi tiêu. Chính phủ cũng có thể thúc đẩy tiêu dùng bằng cách hỗ trợ du lịch, giảm thuế.
TS Võ Trí Thành chỉ ra một vấn đề nữa cần quan tâm là khả năng chi tiêu của tầng lớp trung lưu. “Trước kia rất nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu chọn đi du lịch nước ngoài, bây giờ nếu khống chế được dịch, lượng tiền rất lớn của tầng lớp này sẽ chi cho trong nước”, ông nói.
Khi triển vọng kinh tế phục hồi, thu nhập tương lai được đảm bảo thì người dân sẵn sàng bỏ tiền ra chi tiêu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đồng quan điểm, PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính tại Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng trên lý thuyết có thể thực hiện kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua một chính sách tiền tệ mở rộng hoặc bằng chính sách tài khóa nới lỏng.
Mở rộng tiền tệ sẽ khiến cho cung tiền tăng lên, mặt bằng lãi suất giảm xuống và điều kiện tài chính trở nên thông thoáng hơn, khiến hoạt động sản xuất và tiêu dùng sẽ trở nên nhộn nhịp hơn do mặt bằng giá cả đã được kéo giảm. Chính sách này cũng giúp cho doanh nghiệp, bộ phận sản xuất có điều kiện kinh tế thông thoáng hơn để đưa ra chương trình khuyến mại, giảm giá kích thích chi tiêu.
Cách thứ hai là kích thích tiêu dùng thông qua một chính sách tài khoá nới lỏng, cụ thể là giảm thuế, điều này khiến cho thu nhập khả dụng của người dân tăng lên trong khi chi phí giá thành của doanh nghiệp giảm xuống. Điều này cũng sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực lên các quyết định chi tiêu và mua sắm của công chúng.
“Ưu tiên số một lúc này là đừng để kinh tế rơi vào suy thoái”
Tuy nhiên, ông Bảo đánh giá những chính sách kích cầu truyền thống vừa nêu vốn dựa trên thu nhập, chi tiêu, giá cả sẽ không thực sự phát huy hiệu quả trong lúc này. Vấn đề chính đang nằm ở tâm lý bi quan của người dân, do đó muốn tạo đột phá về cầu nội địa, phải tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng.
Ông Bảo nhìn nhận hiện tại tâm lý chung của người dân là phòng ngừa rủi ro, sắp xếp lại chi tiêu của mình, tiết kiệm hơn, phòng thủ nhiều hơn nhằm đối phó với một tương lai bất định của nền kinh tế và công việc của cá nhân.
Do đó, mục đích chính của việc kích thích tiêu dùng nội địa lúc này là đảm bảo tổng cầu không bị giảm sút quá mạnh, khiến cho kinh tế tê liệt chứ không phải hướng tới các mục tiêu tăng trưởng.
PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng nên có những chính sách cho người dân thấy khả năng dập và khống chế dịch nằm trong tầm tay của Chính phủ. Khi dịch bệnh được khống chế và mọi thứ không diễn biến xấu hơn, sản xuất và tiêu dùng sẽ được phục hồi.
“Nếu từ giờ đến cuối năm, tình hình dịch bệnh không còn diễn biến xấu, Chính phủ đưa ra các chính sách đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập, ổn định kinh tế thì họ vẫn sẽ chi tiêu những khoản trước đây họ thường làm”, ông Bảo nói.
Theo PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, chính sách kích cầu tốt nhất lúc này là sự cam kết về an toàn y tế cho người dân. Ảnh: TN. |
Ông nhấn mạnh khi lòng tin xã hội được nâng lên, vừa tạo ra được tinh thần cả nước đoàn kết chống dịch, vừa tạo ra được tâm lý lạc quan cho người dân. Tâm lý lạc quan sẽ tạo ra sự hiệu quả tích cực trong chi tiêu, tạo ra triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Ngoài ra, vị chuyên gia đề xuất cân nhắc điều chuyển một phần vốn đầu tư công chưa giải ngân được sang chính sách hỗ trợ khác để đưa vào nền kinh tế. Bởi suy cho cùng, đầu tư công cũng là một công cụ của chính sách tài khóa, giảm thuế, giảm nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp, người dân.
“Kích thích tiêu dùng để duy trì tổng cầu ở mức độ càng vững càng tốt, đảm bảo đầu ra tối thiểu cho nền kinh tế, để đảm bảo các hoạt động kinh tế được duy trì ở một trạng thái nào đó và ngăn cho đổ vỡ đừng xảy ra”, ông Bảo nói.
TS Võ Trí Thành cho rằng nếu tích cực kích thích tiêu dùng, hỗ trợ xuất khẩu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do sẽ đóng góp quan trọng cho tăng trưởng năm nay. Ông mong muốn Chính phủ có gói hỗ trợ mới giúp doanh nghiệp vượt khó, giảm tác động tiêu cực đến người lao động và xã hội.