Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: 'Chúng ta đang trong giai đoạn lịch sử đầy thử thách'

Chia sẻ về giai đoạn đầy thử thách hiện nay, Thủ tướng khẳng định trước mắt chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh, không để đứt gãy hoạt động kinh tế - xã hội.

Sáng 20/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các phó thủ tướng, nguyên lãnh đạo Chính phủ qua các thời kỳ và đại diện nhiều bộ, ngành đã đến dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (28/8/1945 - 28/8/2020) và Đại hội thi đua yêu nước Văn phòng Chính phủ giai đoạn 2020-2025.

“Trong bất cứ cục, vụ, đơn vị nào, kể cả các đơn vị sự nghiệp, ở bất kỳ vị trí công tác nào trong Văn phòng Chính phủ, tôi đều thấy có nhiều cán bộ làm việc với tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tận tụy hết mình và thầm lặng để hoàn thành công việc được giao”, Thủ tướng chia sẻ.

Truyền và giữ lửa tinh thần cải cách

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Văn phòng Chính phủ có nhiều đổi mới, sáng tạo để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

Theo ông, chúng ta đang ở trong một giai đoạn lịch sử đầy thử thách, khó khăn nên cần nhận diện sâu sắc, đánh giá đầy đủ về tình hình và có chiến lược và sách lược phù hợp.

Trên cơ sở đường lối, nguyên tắc đổi mới của Đảng, Chính phủ kiên định chính sách để cải cách mạnh mẽ và linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

doi moi cua Van phong Chinh phu anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ kiên định chính sách để cải cách mạnh mẽ và linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Ảnh: VGP.

Chính phủ quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, trước mắt là “mục tiêu kép” - đẩy lùi dịch bệnh và không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm tăng trưởng dương.

Tình hình và bối cảnh đó đòi hỏi Văn phòng Chính phủ phải ngày càng làm tốt hơn chức năng tham mưu tổng hợp, trực tiếp giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng.

Thủ tướng kỳ vọng đây là cơ quan giúp “truyền và giữ lửa” tinh thần cải cách, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Văn phòng Chính phủ cũng cần chủ động nghiên cứu, đề xuất kịp thời với Chính phủ, Thủ tướng xây dựng cơ chế, chính sách; thực hiện giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, đơn vị phải làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tài, có tầm; đặc biệt có đức, tận tâm, tận lực phục vụ Tổ quốc, nhân dân.

Nhiều điểm sáng

Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ôn lại lịch sử 75 năm từ khi có quyết định lập bộ máy văn phòng giúp việc của Chính phủ - tiền thân của Văn phòng Chính phủ ngày nay.

doi moi cua Van phong Chinh phu anh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ dự Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Văn phòng Chính phủ. Ảnh: VGP.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhiều năm qua, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, với tinh thần làm việc "trung thành - tận tụy - đoàn kết - trí tuệ - kỷ cương”, Văn phòng Chính phủ đã luôn coi trọng hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khơi dậy động lực, tạo niềm tin, khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Trong thẩm tra các đề án, dự án, Văn phòng Chính phủ luôn có ý kiến độc lập, chú trọng đánh giá tác động và bảo đảm tính hợp lý, khả thi, phù hợp của chính sách. Đặc biệt, kiên quyết loại bỏ cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, ngay từ khi dịch bệnh xảy ra ngoài lãnh thổ, cơ quan này đã chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu biện pháp phòng chống dịch từ sớm. Văn phòng Chính phủ đồng thời chủ động đề xuất nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, góp phần quan trọng trong thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.

Nhắc đến những thành quả đạt được, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh điểm sáng nổi bật thể hiện tinh thần hành động, nói đi đôi với làm là việc Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao.

“Việc này đã tạo sự chuyển động trong thực thi, phá bỏ sự trì trệ; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; tạo chuyển biến rõ rệt trong tổ chức thực hiện”, ông Dũng nói.

doi moi cua Van phong Chinh phu anh 3

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ôn lại truyền thống 75 năm qua của Văn phòng Chính phủ. Ảnh: VGP.

Trong xây dựng Chính phủ điện tử, Văn phòng Chính phủ đã đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và đưa vào vận hành thành công 3 hệ thống quan trọng phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, gồm: Trục liên thông văn bản quốc gia, giúp tiết kiệm cho ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng/năm.

Hệ thống Thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) - hướng tới Chính phủ không giấy tờ, đã thay thế việc in ấn, phát hành hơn 200.000 hồ sơ, tài liệu giấy, tiết kiệm khoảng 169 tỷ đồng/năm.

Cổng Dịch vụ công quốc gia - kênh" hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục hành chính, đang cung cấp 1.000 dịch vụ công, giúp tiết kiệm chi phí xã hội trên 6.700 tỷ đồng/năm.

“Đây là những bước tiến quan trọng, điểm nhấn trong phát triển Chính phủ điện tử, thể hiện vai trò gương mẫu tiên phong, dẫn dắt của Văn phòng Chính phủ trong điều phối, tổ chức triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành không cát cứ dữ liệu

Nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương phải chia sẻ, minh bạch và liên thông, Thủ tướng quán triệt không được cát cứ thông tin, không làm đẹp số liệu để lấy thành tích.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm