Ngày 19/8, Văn phòng Chính phủ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.
Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Cổng Dịch vụ công phục vụ công tác quản lý và điều hành của Chính phủ do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng, vận hành và phát triển.
Không làm đẹp số liệu để lấy thành tích
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương chuẩn hoá hệ thống, kết nối, tích hợp dữ liệu của các bộ, tỉnh, ngành mình với Chính phủ.
“Các bộ, ngành, địa phương không được để tình trạng cát cứ thông tin, không được làm đẹp số liệu để lấy thành tích”, Thủ tướng quán triệt.
Đề nghị thúc đẩy làm việc trên môi trường mạng, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, công chức, viên chức Nhà nước phải là những người tinh thông nghiệp vụ và giỏi về công nghệ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là con đường đúng đắn để phát triển đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Sau lễ khai trương, Thủ tướng cho biết ông sẽ trực tiếp kiểm tra xem hệ thống thông tin báo cáo hoạt động như thế nào để Thủ tướng và các thành viên Chính phủ biết, điều hành kịp thời hơn.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc và chỉ đạo trực tiếp với lãnh đạo một số địa phương, cơ quan tại các điểm cầu: Bình Phước, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế và Trung tâm quốc gia Điều hành tìm kiếm cứu nạn.
Được Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc thực hiện mục tiêu kép tại Bình Phước, lãnh đạo tỉnh cho biết trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến, xúc tiến đầu tư với nhiều địa bàn ở châu Âu, đơn giản tối đa thủ tục, lo chu đáo về mặt bằng để thu hút vốn đầu tư FDI...
Cũng nhờ hệ thống điều hành thành phố thông minh, tỉnh vận hành nhịp nhàng bộ máy kiểm soát khu vực biên giới tiếp giáp với Campuchia để phòng chống dịch Covid-19, tổ chức hiệu quả việc tiếp đón, cách ly các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài tới làm việc.
Thủ tướng trực tiếp nghe các điểm cầu báo cáo và đưa ra chỉ đạo thông qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Ảnh: VGP. |
Kết nối với điểm cầu Trung tâm điều hành tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng nghe Chủ tịch UBND Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng báo cáo, khẳng định tỉnh kiên định mục tiêu phát triển KTXH đã đề ra. Ngoài ra, tỉnh sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo về phòng chống Covid-19, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép.
Nhìn nhận Quảng Ninh là địa phương dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Với quy mô kinh tế lớn, tỉnh cần nỗ lực đóng góp cho quốc gia, nhất là thu ngân sách, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Giúp lãnh đạo kiểm soát hiệu quả công việc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đến nay, hệ thống thông tin báo cáo của 30 bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn đã kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Đồng thời, 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội đã được các bộ, cơ quan kết nối, cung cấp dữ liệu trên hệ thống.
Hệ thống sẽ kết nối với hệ thống thông tin báo cáo của bộ, địa phương, phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của cơ quan Nhà nước; tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng...; hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định trên cơ sở thông tin, dữ liệu số được hiển thị trực quan.
“Những con số biết nói sẽ cho phép truy xuất được nguồn gốc, kiểm tra chéo, tạo kênh đo lường, giúp lãnh đạo bộ, ngành, địa phương kiểm soát hiệu quả hoạt động của cơ quan mình; giúp lãnh đạo Chính phủ đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của các cơ quan trong hệ thống”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông, hệ thống này được khai trương sẽ góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành từ thủ công, giấy tờ sang dựa vào thông tin, dữ liệu số; bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác tạo thành nguồn thông tin, dữ liệu thống nhất, an toàn, bảo mật và hiệu quả.
Đặc biệt, việc này được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian, tăng sự kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo. Theo tính toán, chi phí tiết kiệm khi vận hành Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ khoảng 460 tỷ đồng mỗi năm.