Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Xuất hiện những dấu hiệu của 'bóng ma' 2016 trong kỳ bầu cử 2020

Phần lớn thăm dò dư luận đến nay cho thấy chiến thắng có thể thuộc về cựu Phó tổng thống Joe Biden, nhưng xét tổng thể, Tổng thống Trump đang có những lợi thế không nhỏ.

bau cu my 2020 anh 1

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một người làm nghiên cứu chính sách ở Hà Nội.

Tính đến ngày 28/10, tức là đúng một tuần trước ngày tổng tuyển cử (3/11), hai hãng tổng hợp dư luận có lượng người truy cập cao nhất tại Mỹ là RealClearPolitics và FiveThirtyEight vẫn ghi nhận lợi thế trung bình 7-8 điểm % cho cựu Phó tổng thống Biden trong thăm dò toàn quốc, và 3-4 điểm % trong thăm dò tại các bang chiến trường.

Nếu không có “cú sốc” năm 2016, có lẽ những người ủng hộ ông Biden sẽ cực kỳ yên tâm với lợi thế này.

Thế nhưng ngay cả ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris trong cuộc vận động tranh cử gần đây cũng phải thừa nhận, bộ phận không nhỏ cử tri Dân chủ vẫn đang trong trạng thái hậu chấn tâm lý (PTSD) sau khi chứng kiến lợi thế gần như tuyệt đối của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong các thăm dò dư luận không được chuyển hóa thành chiến thắng trong năm 2016.

Bốn năm sau, lịch sử dường như đang có dấu hiệu lặp lại.

bau cu my 2020 anh 2

Tổng thống Trump đang bị bỏ lại trên các thăm dò dư luận, dù có nhiều cách có thể lý giải cho khoảng cách này. Ảnh: Reuters.

Tình hình bỏ phiếu sớm tại các bang

Nhìn chung, trong các dự báo bầu cử tổng thống Mỹ, giới nghiên cứu chủ yếu tiếp cận từ góc độ khoa học xã hội, sử dụng các lập luận, lý lẽ để củng cố cho luận điểm của mình về khả năng chiến thắng của một ứng viên, với sự trợ giúp nhất định của các thăm dò dư luận.

Tuy nhiên, bầu cử tổng thống Mỹ 2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt lại đang bổ sung cho giới phân tích một công cụ dự báo đắc lực mà những năm trước không hề có.

Với đặc thù dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát tại Mỹ, lượng cử tri Mỹ bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu sớm năm nay đang ở mức kỷ lục. Đến ngày 28/10, đã có xấp xỉ 70 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu qua thư hoặc bỏ phiếu sớm, tăng 30 triệu cử tri so với cùng kỳ năm 2016 và đã tương đương 1/2 lượng cử tri bỏ phiếu trong toàn bộ tổng tuyển cử 2016.

Tuy cơ quan quản lý bầu cử tại các bang chưa công bố kết quả chính thức, song các hãng theo dõi bầu cử Mỹ (TargetSmart, USElectionsProject…) vẫn có thể cập nhật lượng phiếu bầu theo đảng phái dựa trên hồ sơ đăng ký tư cách cử tri và các thông tin liên quan.

Nhờ đó, cùng với số lượng lớn cử tri bỏ phiếu sớm như đã nêu ở trên, đến nay có thể rút ra một số đánh giá sơ bộ về chiều hướng như sau.

Đảng Dân chủ tạm thời dẫn trước đảng Cộng hòa về tổng số phiếu trên toàn quốc (29 triệu so với 24 triệu, cùng 5,8 triệu cử tri độc lập), phần nào phản ánh mức độ nhiệt thành hơn cho đến nay của cử tri Dân chủ so với năm 2016, khi hơn 30% cử tri đảng Dân chủ đã đăng ký tư cách cử tri nhưng không đi bỏ phiếu.

Tuy nhiên, tại các bang cạnh tranh có tính chất quyết định kết quả bầu cử (Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, Florida, Arizona và North Carolina), số liệu hiện nay cho thấy tuy đảng Dân chủ đang tạm dẫn trước về tổng số phiếu, dường như chiều hướng đang thuận lợi hơn cho đảng Cộng hòa.

Tại sao lại nói vậy?

Lý do là bởi, trung bình các thăm dò cho thấy 50-60% cử tri Dân chủ tại các bang cạnh tranh lựa chọn hình thức bỏ phiếu qua thư, trong khi phần đông cử tri Cộng hòa muốn bỏ phiếu trực tiếp trong ngày bầu cử.

Nhìn chung, chiến lược của đảng Dân chủ là tạo khoảng cách lớn trong bỏ phiếu qua thư để cân bằng lại lượng cử tri Cộng hòa đi bỏ phiếu trực tiếp. Tuy nhiên, số liệu cho thấy khoảng cách mà đảng Dân chủ tạo ra tại các bang chiến trường cho đến nay là tương đối khiêm tốn (chỉ khoảng 5-10 điểm % so với dự tính 15-20 điểm %) và đang thu hẹp dần trong những ngày gần đây, nhất là tại bang Florida, khi lợi thế của đảng Dân chủ bị rút ngắn từ 580.000 phiếu vào ngày 12/10 xuống chỉ còn 240.000 phiếu (tương đương 3,5 điểm %) tính đến hết ngày 28/10.

bau cu my 2020 anh 3

Thị trưởng New York Bill de Blasio đứng xếp hàng chờ bỏ phiếu sớm ở Brooklyn. Ảnh: Reuters.

Một chỉ dấu đáng chú ý khác là, tuy một mặt vẫn muốn đảm bảo tâm lý tự tin cho cử tri, song chiến dịch tranh cử của ông Biden gần đây đã phát ra một số “tín hiệu báo động” về kết quả bỏ phiếu sớm.

Giám đốc phụ trách tranh cử Jen O’Malley trên Twitter công khai thừa nhận kết quả thăm dò dư luận đang bị thổi phồng, cho rằng thực tế tình hình tại các bang cạnh tranh đang sát nút, kêu gọi cử tri Dân chủ bỏ phiếu “như thể ông Joe Biden đang là người bám đuổi”.

Tương tự, cố vấn tranh cử chuyên trách bang Florida của đảng Dân chủ, ông Kevin Cate, cũng tỏ quan ngại về lượng cử tri Dân chủ da màu tại quận Miami-Dade (vốn là “thành trì” của đảng Dân chủ tại Florida) đang ở mức thấp báo động.

Việc đảng Dân chủ “điều động” cựu Tổng thống Obama tới vận động tại Florida cuối tuần qua cũng nhằm huy động thêm lượng phiếu của cử tri da màu tại bang này.

Vậy tại sao chiều hướng kết quả bỏ phiếu sớm hiện nay lại “lệch tông” so với những kết quả thăm dò dư luận đến vậy?

Những lỗ hổng mang tính hệ thống của thăm dò dư luận

Thăm dò dư luận tại Mỹ từ lâu vốn được coi là một công cụ dự báo hữu hiệu trong mỗi kỳ bầu cử, với những hãng thăm dò có tiếng ở phạm vi toàn cầu như Trung tâm Nghiên cứu Pew, hãng Gallup…

Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 với sự lên ngôi của smartphone và mạng xã hội bùng nổ tại Mỹ trong thập kỷ qua, hình thức thăm dò dư luận truyền thống thông qua điện thoại cố định đang bộc lộ nhiều lỗ hổng.

Theo nghiên cứu năm 2019 của Trung tâm Pew, trong toàn bộ các thăm dò dư luận năm 2016, chỉ có 9% người dân phản hồi khi được các hãng thăm dò tiếp cận qua điện thoại - mức giảm sâu so với tỷ lệ 25-28% trong giai đoạn 2000-2008.

Tỷ lệ phản hồi thấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến “nhiễu” dữ liệu, ảnh hưởng tới kết quả thăm dò. Năm 2018, hãng Gallup tuyên bố chấm dứt thực hiện thăm dò dư luận bầu cử tổng thống cũng một phần vì tỷ lệ phản hồi quá thấp.

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ cử tri đảng Dân chủ phản hồi thăm dò là 32%, so với chỉ 23% bên phía đảng Cộng hòa. Xét một cách khách quan, cơ cấu cử tri đảng Dân chủ tập trung tại các khu vực dễ tiếp cận hơn (thành thị, các khu đông dân cư) so với cử tri đảng Cộng hòa (nông thôn, vùng hẻo lánh), do đó tỷ trọng cử tri đảng Dân chủ được tiếp cận trong các thăm dò nhìn chung cao hơn so với cử tri đảng Cộng hòa.

Những yếu tố trên đã tạo nên thực trạng các mẫu khảo sát (sample) trong thăm dò dư luận không còn đủ tính đại diện (representation) cho cơ cấu cử tri Mỹ, nhất là bỏ qua những nhóm cử tri nông thôn, học thức thấp vốn là bộ phận nòng cốt ủng hộ Tổng thống Trump.

Điều này được thể hiện rõ trong thăm dò dư luận năm 2016 tại các bang cạnh tranh có lượng cử tri nông thôn ủng hộ Tổng thống Trump cao như Wisconsin (dự báo Clinton hơn 6,5 điểm, thực tế Trump thắng 0,7 điểm), Michigan (dự báo Clinton hơn 4 điểm, thực tế Trump thắng 0,3 điểm), hay Pennsylvania (dự báo Clinton hơn 3,7 điểm, thực tế Trump thắng 0,7 điểm).

bau cu my 2020 anh 4

Chiến dịch của ông Biden đang cẩn thận không quá tự tin và lặp lại sai lầm của bà Hillary Clinton năm 2016. Ảnh: Reuters.

Nhiều ý kiến cho rằng các hãng thăm dò dư luận nay đã “rút ra bài học” của năm 2016, và khoảng cách chênh lệch Biden - Trump hiện nay lớn hơn so với Clinton - Trump.

Đúng là các hãng thăm dò đã có những điều chỉnh nhất định để có được các mẫu khảo sát cử tri mang tính đại diện hơn về độ tuổi/giới tính/học thức, song nếu “soi” kỹ đại đa số các thăm dò dư luận thời gian qua, có thể thấy rõ tỷ lệ cử tri Dân chủ được hỏi vẫn cao hơn hẳn so với tỷ lệ cử tri Cộng hòa.

Nhìn rộng hơn, các kết quả thăm dò dư luận với biên độ sai số cao cũng phần nào phản ánh sự khác biệt trong đánh giá về thời cuộc giữa một bên là truyền thông dòng chính Mỹ - vốn đại diện cho quan điểm của giới tinh hoa sống tại các vùng đô thị, duyên hải, với bên kia tâm lý của cử tri thuộc tầng lớp lao động phổ thông sống tại các vùng nông thôn hay giới kinh doanh nhỏ lẻ ở ngoại ô - những người hiếm khi các hãng thăm dò tiếp cận được.

Họ là những “người Mỹ bị lãng quên”, những người chịu thiệt thòi nhất từ xu thế toàn cầu hóa trong hai thập kỷ qua khi liên tục chứng kiến thu nhập giảm dần, thậm chí mất việc làm.

Và cũng chính họ là những người đại diện cho phong trào bảo thủ, chống toàn cầu hóa, tạo nên nhóm cử tri nòng cốt nhiệt thành với Tổng thống Trump, góp công đầu cho chiến thắng gây sốc của tỷ phú bất động sản cách đây bốn năm.

Và rất có thể, trong năm 2020 này, những lá phiếu của họ, những lá phiếu không được thể hiện trong hầu hết thăm dò dư luận, sẽ lại một lần nữa mang tính quyết định.

'Bất ngờ tháng 10' của ông Trump đâu rồi?

Vài ngày nữa là tháng 10 kết thúc nhưng Tổng thống Trump và phe Cộng hòa chưa có cú phản đòn đáng kể với ứng viên Biden. Liệu "bất ngờ tháng 10" năm nay sẽ là không có bất ngờ nào?

GS Mỹ giải mã nhóm cử tri trung thành nòng cốt của ông Trump

Trả lời Zing, Giáo sư Peverill Squire (Đại học Missouri, Mỹ) nói ông Trump đang bị dẫn trước ở các thăm dò nhưng vị tổng thống vẫn sở hữu một lực lượng ủng hộ trung thành đáng kể.

Mỹ Châu

Bạn có thể quan tâm