Ngày 22/9, cơ quan chức năng tại Phú Quốc (Kiên Giang) tiếp tục truy vết những trường hợp tiếp xúc gần và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đối với người dân tại khu vực xuất hiện F0 ở phường An Thới và quán cơm chay Khánh Ly, khu phố 2, phường Dương Đông.
Nói với Zing, Phó chủ tịch UBND TP Phú Quốc Phạm Văn Nghiệp, cho biết đã có 20 F0 được phát hiện từ khi xuất hiện ổ dịch cộng đồng tại phường An Thới. Trong đó, có nhiều F1 dương tính nCoV.
Người dân đi chợ giảm 70%
Theo lãnh đạo Ban Quản lý chợ Dương Đông, ngày 21/9, rất nhiều người đổ xô đi mua thực phẩm. Lúc này, cơ quan chức năng cũng căng dây trong chợ để tạo giới hạn giữa tiểu thương và người mua hàng nhằm đảm bảo phòng, chống dịch.
Sau một ngày mua thực phẩm dự trữ, từ sáng 22/9, rất ít người vào chợ. Từ trưa đến xế chiều cùng ngày, chợ Dương Đông chỉ có vài người đi mua cá, tôm.
Chợ Dương Đông, TP Phú Quốc được căng dây từ ngày 21/9 để tạo giãn cách giữa tiểu thương và người mua hàng. Ảnh: Nhật Tân. |
Một người dân Phú Quốc đi chợ Dương Đông cho biết có rất nhiều ghẹ tươi sống được tiểu thương bày bán. Ghẹ loại một (4-5 con/kg) giá 180.000 đồng, giảm 40.000 đồng/kg so với 2 ngày trước. Ốc hương biển loại 50-70 con/kg giảm giá từ 250.000 xuống còn 220.000 đồng/kg.
Anh Trần Văn Sáng (ngụ xã Dương Tơ, TP Phú Quốc) cho biết tôm biển, mực và cá bớp tại chợ Dương Đông giá không đổi so với những ngày trước. Nguyên nhân các loại hải sản này không được bán nhiều vì mưa 2 ngày qua khiến ngư dân ít đi biển.
“Tôm biển loại 20 con một kg giá 340.000 đồng/kg. Cá bớp tại chợ Dương Đông giá 200.000 đồng/kg và mực 250.000 đồng/kg. Do biển động, trời mưa, ít người đi câu mực nên không có mực chớp. Người dân đi chợ hôm nay giảm khoảng 60-70% so với hôm qua”, anh Sáng dự tính.
Không chỉ chợ vắng người và một số tiểu thương tạm ngưng kinh doanh, nhiều hàng quán ở Phú Quốc đã đóng cửa. Theo các chủ quán, họ chưa được chính quyền địa phương yêu cầu ngưng kinh doanh nhưng đã tạm đóng để đảm bảo phòng, chống dịch khi đảo ngọc có nhiều F0.
Ghẹ tươi sống tại chợ ở Phú Quốc giảm 30.000-40.000 đồng/kg so với ngày trước. Ảnh: Nhật Tân. |
Do ý thức phòng, chống dịch nên người dân Phú Quốc cũng hạn chế ra đường vào ngày 22/9. Một vài quán ăn, uống còn mở cửa nhưng rất vắng khách.
Tôm càng xanh đã được "giải cứu"
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, các mặt hàng thủy sản nuôi, không qua chế biến như cá bớp, cá mú vẫn còn tồn đọng nhiều do chưa kết nối được với các nơi tiêu thụ. Hai loại cá này tại huyện Kiên Hải còn khoảng 200 tấn, Phú Quốc 70 tấn, Hà Tiên 30 tấn và An Biên 50 tấn (cá mú).
Không riêng Kiên Giang, một số tỉnh miền Tây đã nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15 và 19 của Thủ tướng nên hàng hóa lưu thông thuận lợi, chi phí vận chuyển thấp. Các vựa khô và thủy, hải sản mua mực khô từ 350.000-450.000 đồng/kg, mực nang lạnh 105.000 đồng/kg, mực nang loại nhì 70.000 đồng/kg; cá thu loại 1 giá 90.000 đồng/kg, loại 2 giá 70.000 đồng/kg.
Các loại cá thông thường như cá mối cũng tăng từ mức dưới 10.000 đồng lên 13.500 đồng/kg, cá đổng 19.500 đồng/kg và cá ngừ bò 24.000 đồng/kg.
Đường phố Phú Quốc vắng người ngày 22/9. Ảnh: Nhật Tân. |
Trao đổi với Zing, ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận, cho biết nếu như 3 tuần trước địa phương này tồn 2.400 tấn tôm càng xanh thì hiện nay chỉ còn 200 tấn. Nhờ các tỉnh miền Tây nới lỏng giãn cách, mỗi ngày nông dân Vĩnh Thuận bán được vài chục tấn tôm càng xanh đến An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng…
Theo ông Nguyên, tôm càng xanh còn tồn 200 tấn là loại kích cỡ nhỏ. Do đó, từ nay đến cuối tháng 9 hoặc hết vụ tôm càng xanh, tôm nhỏ sẽ lớn dần, đủ điều kiện cho nông dân bán từ từ, không cần tiêu thụ vội như những tháng còn áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16.
“Những người bán tôm càng xanh trễ thu lãi nhiều hơn một tháng trước vì giá từ 80.000 đồng đã tăng lên 107.000 đồng/kg”, ông Nguyên chia sẻ.