Kênh Telegram trên cho biết ba người này lần lượt là Abul Barra, Abul Mukhtar và Abu Ubaida, theo Times of India.
Trong khi các cơ quan tình báo vẫn đang chờ đợi tuyên bố từ những kênh truyền thông của IS như Amaq, nguồn tin nói những bức ảnh này có thể đáng tin vì người được gọi là Abu Ubaida trong ảnh chính là Zahran Hashin, thành viên của nhóm National Tawheed Jamaat (NTJ).
Có sự hỗ trợ từ nước ngoài
Chính phủ Sri Lanka đang cáo buộc NTJ, nhóm Hồi giáo địa phương, đứng sau các vụ đánh bom tại nhiều địa điểm trên cả nước hôm 21/4 mà đến nay đã khiến ít nhất 310 người thiệt mạng. Các vụ tấn công chủ yếu nhắm vào các nhà thờ Công giáo và khách sạn hạng sang phổ biến với du khách quốc tế.
Ba nghi phạm đánh bom tự sát tại Sri Lanka với cờ IS ở phía sau. |
Ubaida là người duy nhất không đeo mặt nạ trong các bức ảnh và các cơ quan tình báo vẫn đang tìm cách xác định danh tính thực sự của hai người còn lại.
"Những cái tên này đều là điển hình, cho thấy cách IS xác định các chiến binh sau khi họ thề trung thành với Abu Bakr al Baghdadi (lãnh đạo tổ chức). Nhưng Ubaida xuất hiện trong những bức ảnh này, cùng hậu cảnh, thực sự là dấu hiệu cho thấy NTJ có liên hệ trực tiếp với IS. Cả ba người cũng chào kiểu một ngón tay vốn phổ biến với các đặc vụ IS", một sĩ quan tình báo nói với Times of India hôm 22/4.
Mạng lưới tình báo cũng tìm thấy mối liên kết với IS khả nghi khi các vụ đánh bom xảy ra chỉ một tháng sau khi người phát ngôn IS Abu Hassan al-Mujahir công bố đoạn ghi âm kêu gọi tín đồ Hồi giáo trả thù cho vụ xả súng tại các nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand khiến 50 người thiệt mạng.
Trong bài phát biểu dài 44 phút, Mujahir nói vụ thảm sát nên làm thức tỉnh những ai đang bị lừa dối và nên cổ vũ những người ủng hộ caliphate trả thù cho tôn giáo của họ.
Sau đó, các cơ quan tình báo chặn đoạn ghi âm này trong các nhóm và nền tảng chat trực tuyến, nơi những người bị kích động bởi IS thảo luận việc tiến hành các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở tôn giáo ở nước họ. Ấn Độ phát đi cảnh báo yêu cầu tăng cường an ninh tại các thành phố, đặc biệt là tại các nhà thờ.
Lực lượng an ninh trước nhà thờ St. Anthony ở Colombo sau vụ đánh bom. Ảnh: AP. |
Trả đũa vụ xả súng ở New Zealand?
Ngoài ra, cũng theo Times of India, quy mô lớn của các vụ đánh bom ở Sri Lanka (8 địa điểm trên khắp cả nước) cũng cho thấy có sự liên quan đến IS, vì một nhóm địa phương gần như không thể tiến hành các vụ tấn công đồng loạt như vậy.
"NTJ, nhóm mới chỉ phá hủy được các tượng Phật trong quá khứ, không thể tự tiến hành các vụ đánh bom này", một sĩ quan của đơn vị chống khủng bố nói. "Chất nổ, ngòi nổ và những vật liệu khác cần thiết để thực hiện các vụ đánh bom quy mô lớn như vậy chỉ có thể có xử lý với sự trợ giúp của tổ chức khủng bố nước ngoài".
Cơ quan chức năng Sri Lanka đến nay bắt giữ ít nhất 24 người tình nghi liên quan đến các vụ tấn công đẫm máu. Hiện vẫn chưa bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc trong khi chính phủ Sri Lanka đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Cảnh sát xác định được nghi phạm đánh bom khách sạn Shangri-La tại thủ đô Colombo là một chủ xí nghiệp tên Insan Seelavan. Chín nhân viên của Seelavan đã bị tạm giữ để phục vụ điều tra đến ngày 6/5.
Khung cảnh hỗn loạn sau vụ đánh bom tại nhà thờ St. Sebastian ở Negombo. Ảnh: Facebook. |
Một số thông tin khác về nghi phạm thực hiện các vụ tấn công cũng được hé lộ trên các báo.
Báo Daily Telegraph của Australia hôm 23/4 đăng tải các hình ảnh cho thấy một người đàn ông nghi là mang bom tự sát "bình tĩnh" bước vào nhà thờ St. Sebastian ở thành phố Negombo, địa điểm bị đánh bom, trước khi gây ra vụ thảm sát. Hình ảnh được trích xuất từ một đoạn video được phát trên kênh TV 9 của Ấn Độ.
Dilip Fernando, nhân chứng tại nhà thờ này, kể lại rằng một người "rất trẻ" và "trông vô hại" bước vào nhà thờ và xoa đầu cháu gái ông, theo The Sun.
"Cuối buổi lễ, họ (gia đình ông) nhìn thấy một thanh niên bước vào nhà thờ với túi xách nặng", ông nói. "Anh ta xoa đầu cháu gái tôi khi đi ngang qua. Đó chính là kẻ đánh bom".