Theo AFP, chính quyền Sri Lanka hôm 22/4 đã ban bố tình trạng khẩn cấp, sau khi nước này hứng chịu hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu một ngày trước đó, khiến ít nhất 290 người thiệt mạng và 500 người bị thương.
"Tình trạng khẩn cấp được ban áp dụng nhằm tạo điều kiện cho phép cảnh sát và lực lượng vũ trang đảm bảo an ninh công cộng", nhà chức trách Sri Lanka tuyên bố.
Lệnh giới nghiêm đầu tiên được áp dụng ngay sau khi các vụ nổ diễn ra, với việc hạn chế truy cập các mạng xã hội, gồm Facebook, Whatsapp và Twitter, nhằm ngăn thông tin giả lan truyền. Lệnh giới nghiêm tiếp theo được ban bố vào sáng 22/4 và dự kiến kéo dài sang ngày 23/4.
Nhà thờ St. Sebastian ở thị trấn Negombo, một trong những nơi bị tấn công. Ảnh: AP. |
Rajitna Senaratne, một bộ trưởng trong chính phủ Sri Lanka, cho biết nhà chức trách đang điều tra mối liên hệ giữa tổ chức cực đoan National Thowheeth Jamaath và chuỗi các vụ tấn công vừa qua. Chính quyền tình nghi tổ chức này nhận được sự trợ giúp từ nước ngoài.
"Chúng tôi đang điều tra các nguồn hỗ trợ quốc tế và mối liên hệ của chúng, làm cách nào chúng chế tạo và đặt bom", ông Senaratne nói.
Các lực lượng an ninh Sri Lanka đang truy lùng khắp hòn đảo để xác định những thành phần chủ mưu các vụ đánh bom nhằm vào nhà thờ và khách sạn trong ngày lễ Phục sinh. Trong hơn 24 tiếng qua, cơ quan điều tra Sri Lanka đã bắt giữ ít nhất 24 nghi phạm.
Cảnh sát đã xác định được nghi phạm đánh bom khách sạn Shangri-La, tại Colombo, là một chủ xí nghiệp tên Insan Seelavan. Có chín nhân viên của Seelavan đã bị tạm giữ để phục vụ điều tra đến ngày 6/5.
Cảnh sát cũng thông báo có thể có mối liên hệ giữa Seelavan và những phần tử đánh bom tự sát khác, theo Sputnik.
Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đã chỉ định thành lập ủy ban đặc biệt điều tra vụ khủng bố ngày 21/4. Người đứng đầu ủy ban này sẽ là thẩm phán tòa án cao nhất Sri Lanka.
.