Theo tổng kết của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, ngành xuất bản đối mặt nhiều khó khăn nhưng đã có hướng đi đúng đắn, giúp doanh thu tăng. Phát huy kết quả đó, các đơn vị ngành sách tiếp tục chuyển đổi số, lấy xuất bản điện tử, phát hành trực tuyến, hội nhập quốc tế là hướng phát triển trong năm 2022.
Chuyển đổi từ xuất bản truyền thống sang xuất bản gắn với công nghệ là bước đi hợp với xu thế. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Hội nhập thị trường thế giới, đẩy mạnh xuất bản điện tử
Ngay từ năm 2021, một số nhà xuất bản đã chuẩn bị cho khai mở thị trường, tìm kiếm cơ hội, sẵn sàng đưa sách Việt ra thế giới.
Nhà xuất bản Trẻ là đơn vị đại diện để quảng bá, bán bản quyền một số tác phẩm văn học Việt ra nước ngoài. Trong đó, sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Bảo Ninh đã được xuất bản tại Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Ở lĩnh vực sách thiếu nhi, Nhà xuất bản Kim Đồng có một số đầu sách bán bản quyền ra thế giới. “Triển vọng bán sách Việt Nam ra quốc tế là có”, bà Phan Thanh Lan - phụ trách bản quyền Nhà xuất bản Kim Đồng - nhận định.
Theo bà Lan, lượng người Việt sống ở nước ngoài không nhỏ. Họ có nhu cầu về sách văn hóa, lịch sử đất nước cho con em tìm hiểu. Bởi vậy, năm vừa qua, Nhà xuất bản Kim Đồng đã bán được bản quyền một số đầu sách có chủ đề lịch sử, văn hóa, phong tục truyền thống đất nước. Tiêu biểu, cuốn Đúng là Tết được bán cho Đức, Thụy Điển và được độc giả hai nước đón chào.
Ngoài ra, các nhà xuất bản thế giới cũng có nhu cầu mua bản quyền, dịch và xuất bản phục vụ người bản địa. Hiện nay, các nhà xuất bản nước ngoài có xu hướng quan tâm những vấn đề như bảo vệ môi trường, thiên nhiên… Năm qua, Nhà xuất bản Kim Đồng bán được bản quyền Chang hoang dã - Gấu ra nhiều nước trên thế giới.
Bà Phan Thanh Lan nhận định hiện nay họa sĩ, tác giả trẻ trong nước năng động, tham gia các cuộc thi và được giải thưởng quốc tế, tạo tiền đề cho việc bán bản quyền sách.
“Chỉ cần có bản thảo tốt, tổ chức được theo chủ đề mang tính thời sự, tôi tin vào khả năng bán sách Việt ra nước ngoài trong tương lai”, bà Lan nói.
Cùng hội nhập quốc tế, một số nhà xuất bản xác định 2022 cũng là năm có nhiều thuận lợi để triển khai hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ vào xuất bản, đẩy mạnh xuất bản điện tử và từng bước thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực xuất bản.
Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai dự án Trung tâm tri thức số dành cho phụ nữ, gia đình và trẻ em. Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ - nói đó là cơ hội lớn cho nhà xuất bản trong quá trình hiện đại hóa nói chung và thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ quản nói riêng.
Với trung tâm tri thức số này, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam kỳ vọng hiện đại hóa công tác của mình trên cả ba khâu: Xuất bản, in và phát hành.
“Hiện nay, chúng tôi chuyển đổi từ phương thức xuất bản truyền thống sang hiện đại với trung tâm tri thức số, chúng tôi sẽ chuyển đổi mạnh mẽ sang xuất bản gắn với công nghệ”, bà Phượng nói.
Theo đó, nhà xuất bản không chỉ hiện đại hóa được mô hình tổ chức, bộ máy mà còn có cơ hội đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, chất lượng nguồn nhân lực, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng đáp ứng nhu cầu công nghệ hiện nay.
Cuốn Chang hoang dã - Gấu phát hành tiếng Anh với tên Chang and the Sun Bear. Ảnh: Lê Mỹ Ái. |
Để xuất bản lấy lại đà tăng trưởng
Về triển vọng của ngành xuất bản năm 2022, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nhận định sau 2 năm Covid-19, các nhà xuất bản như chiếc lò xo bị nén hết cỡ. Năm 2022, nếu tạo điều kiện thuận lợi thì chiếc lò xo ấy sẽ bung lên, lấy lại đà tăng trưởng 5-6%.
Để vượt qua những thách thức, đạt tăng trưởng, các nhà xuất bản cần thực thi nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, đơn vị xuất bản cần tập trung khai thác bản thảo để xuất bản sách có giá trị, đặc biệt chú trọng đến đề tài về chuyển đổi số.
Xây dựng chiến lược phát triển nhà xuất bản theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nhằm đạt được kết quả khả quan hơn trong các năm tiếp theo.
Quy trình xuất bản, liên kết xuất bản và quy định pháp luật về bản quyền cần được thực thi nghiêm túc.
Các nhà xuất bản đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực kỹ thuật phục vụ việc phát triển xuất bản điện tử, phát triển hình thức bán sách online, đưa ứng dụng công nghệ vào quy trình quản lý, biên tập, phát hành để phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.
Phát triển văn hóa đọc không chỉ giúp nâng cao dân trí, mà còn đi liền với phát triển kinh tế ngành sách. Vì vậy, các nhà xuất bản cũng cần triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động phát triển văn hóa đọc, gắn kết giữa sách với cộng đồng, hình thành chuỗi hoạt động từ trung ương đến địa phương có sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp.
Thực hiện hiệu quả công tác tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc, hội sách, hội chợ - triển lãm theo từng chủ đề phục vụ nhiệm vụ chính trị và quảng bá xuất bản phẩm đến bạn đọc trong nước và quốc tế.