Sáng 22/3, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết ngành In năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 tại TP.HCM.
Báo cáo về kết quả ngành In trong năm 2021, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết 2021 tiếp tục là năm khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và ngành In Việt Nam nói riêng, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các đại biểu tham dự hội nghị ngày 22/3. Ảnh: T.V. |
Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm, tình hình dịch diễn biến phức tạp kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp. Nhiều đơn vị ngành In không đủ nguyên liệu cho sản xuất, nguồn cung vật tư chính như giấy tăng cao 40-60%, chi phí logistics và vận tải đường biển tăng 50-80%.
Các doanh nghiệp vừa chống dịch vừa sản xuất, khiến chi phí tăng. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và gián đoạn chuỗi tiêu thụ sản phẩm cũng xảy ra ở nhiều đơn vị, nhất là hoạt động của doanh nghiệp tại khu vực phía nam.
Dù vậy, trong năm 2021, ngành In cũng có nhiều điểm sáng, nhất là việc giữ vững hệ thống mạng lưới cơ sở in. Sản lượng in đạt gần 90% so với kế hoạch. Số lượng cơ sở in tiếp tục tăng, tập trung tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Nói về nhiệm vụ và phương hướng của ngành In trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết có 4 vấn đề cần quyết liệt cải thiện để phát triển mạnh mẽ hơn nữa bao gồm thể chế, thị trường, nhân lực và chuyển đổi số.
Trong đó, về thể chế, các quy định đang được bổ sung, sửa chữa (Nghị định 60, Nghị định 25 và Quyết định 18). Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các đơn vị trong ngành.
Liên quan vấn đề thị trường, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho rằng đơn vị trong nước còn nhiều hạn chế so với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất để xuất khẩu.
“Các doanh nghiệp của chúng ta vẫn còn ‘hụt hơi’ và phần nào ‘đứng ngoài cuộc chơi’ trong chính thị trường của mình, nhất là những đơn hàng lớn hầu như thuộc về các doanh nghiệp FDI”, ông Tuấn nói.
Về nhân lực, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng ngoài máy móc, cơ sở vật chất hiện đại, yếu tố con người cần được chú trọng. Việc chuyển đổi số phải được đẩy mạnh để bắt kịp các thị trường in lớn trong khu vực.
“Chúng ta cần phải cụ thể hơn nữa trong từng việc để đảm bảo thực hiện một cách triệt để. Nếu có thể thay đổi và khắc phục được những yếu tố này, sự phát triển của ngành In sẽ rộng mở hơn nữa”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.