Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xuất bản sách văn học góp phần xây dựng nhân cách Việt

Ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - đã có bài tham luận nhiều tâm huyết tại Hội thảo Văn học nghệ thuật và xây dựng nhân cách.

Với tiêu đề Một vài suy nghĩ về xuất bản sách văn học góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam, bài tham luận của ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đã vạch ra những hướng đi mới cho ngành xuất bản tại Việt Nam trong tương lai. Zing.vn xin lược trích những ý chính trong bài tham luận:

Trong những năm qua, hoạt động xuất bản đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc, góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức thẩm mỹ và xây dựng nhân cách con người Việt Nam.

Tuy vậy, với số lượng trên 300 triệu bản sách xuất bản hàng năm, số lượng sách văn học chiếm một tỷ lệ thấp, sách có giá trị cao trong việc giáo dục và xây dựng nhân cách chưa có nhiều. Vẫn còn hiện tượng cho xuất bản những cuốn sách chất lượng văn hoá thấp, không hướng con người tới chân, thiện, mỹ; có cuốn sách sa đà vào những vấn đề giật gân, câu khách gây phản ứng trong xã hội.

Chủ tịch
Chủ tịch Hội xuất bản Đỗ Quý Doãn. Ảnh: Lê Hiếu

Nhân cách con người đang có biểu hiện xuống cấp 

Trong những năm gần đây, khi các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở nước ta có sự phát triển mạnh mẽ, được bạn bè quốc tế thừa nhận thì chúng ta không khỏi lo ngại về một số biểu hiện xuống cấp về đạo đức.

Biểu hiện rõ nét, đó là sự thờ ơ, vô cảm trước những nỗi đau, mất mát của đồng loại. Bên cạnh những tấm lòng nhân ái, bao dung, sẽ chia, thông cảm với đồng bào, biểu hiện thờ ơ, vô cảm có lúc đã làm cho xã hội bức xúc, lo âu. Một lái xe chở hàng không may bị lật xe, hàng hoá đổ tung toé trên đường, hàng trăm người không mảy may quan tâm đến tính mạng của người lái xe, sự lo âu vì hàng hoá thất thoát không đền bù được… họ lao vào tranh giành nhau để hôi của mặc cho người lái xe van lạy xin được giúp dỡ, sẻ chia…

Hiện tượng con cái ngược đãi bố mẹ,bố mẹ hành hạ con cái, vợ chồng đối xử tàn bạo với nhau, con người độc ác với con người vẫn diễn ra ở các vùng miền của đất nước.

Chúng ta chắc ai cũng phải giật mình khi đọc, nghe thông tin trên các phương tiện truyền thông rằng chỉ mấy ngày tết năm 2015, cả nước có gần 6000 người phải nhập viện do đánh nhau bị trọng thương, trong đó có hàng trăm người bị chết.

Nêu một số vụ việc như vậy để muốn nói rằng, nhân cách và xây dựng nhân cách con người trong xã hội hiện nay là vấn đề đáng quan tâm và là việc làm hết sức cấp thiết.

Chúng ta sẵn sàng dành thời gian, tiền của, trí tuệ để bàn bạc, tìm giải pháp xử lý những vấn đề đặt ra của nền kinh tế, của thị trường tài chính tiền tệ, của thị trường bất động sản.. v.v… vì thế vấn đề nhân cách và xây dựng nhân cách con người trong xã hội chúng ta là việc cần tập trung quan tâm hơn nữa để tìm ra những giải pháp hữu hiệu trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam hiện nay và sắp tới; trong đó văn học nghệ thuật nói chung, sách văn học nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc giáo dục và xây dựng nhân cách con người Việt Nam.

Xây dựng nhân cách con người Việt Nam qua sách văn học

Ở nước ta hiện nay có 63 Nhà xuất bản, hàng trăm công ty, nhà sách có tham gia vào hoạt động xuất bản. Hàng năm, bình quân ở nước ta xuất bản gần 300 nghìn đầu sách với khoảng trên 300 triệu bản sách. Sách văn học tuy chiếm tỷ lệ khoảng 18% nhưng là mảng sách góp phần quan trọng đối với nhiệm vụ giáo dục và xây dựng nhân cách con người trong xã hội của chúng ta.
                                      
Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã khẳng định: Xuất bản là một lĩnh vực tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiệm vụ tích luỹ và truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học xã hội; xây dựng đạo đức lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhân lực,bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập…

Để việc xuất bản sách văn học góp phần tích cực vào việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam, chúng ta cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:

- Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ phù hợp vối thực tiễn nước ta; quan tâm xây dựng chính sách cho các đơn vị xuất bản có nhiệm vụ kinh doanh đặc thù,những nhà xuất bản có các ấn phẩm làm phục vụ nhiệm vụ chính trị.

- Có chính sách ưu tiên cho việc xuất bản, phát hành, vận chuyển sách đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách giảm giá sách cho một số đối tượng hưởng chính sách xã hội.

- Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động xuất bản đi đôi với việc tăng cường công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản.

- Có chính sách tăng nguồn kinh phí mua sách cho các thư viện để thu hút người đọc, giúp họ nâng cao trình độ, nhận thức, xây dựng đạo đức và nhân cách của con người Việt Nam.

- Coi trọng việc xây dựng tủ sách gia đình, phong trào đọc sách trong nhân dân; huy động các phương tiện truyền thông tham gia tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học có giá trị, đặc biệt là những tác phẩm góp phần vào việc giáo dục, xây dựng nhân cách con người Việt Nam.

- Nâng cao chất lượng hoạt động giới thiệu phê bình sách, coi trọng và đẩy mạnh công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật.

- Quan tâm đào tạo bồi dưỡng đội ngũ làm công tác xuất bàn nói chung và xuất bản sách văn học nói riêng, bảo đảm để họ có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ,nhất là việc xuất bản những cuốn sách sai trái, làm ảnh hưởng xấu đến đạo đức, nhân cách con người Việt Nam.            

Ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam

Bạn có thể quan tâm