Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu ấn của ngày hội văn hoá đọc tại Hà Nội

Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế Việt Nam lần thứ 5 đã khép lại nhưng dư âm sự kiện lớn nhất của ngành xuất bản vẫn còn khá đậm nét.

Sách tô màu lên ngôi

Nếu trong mấy lần Hội sách trước đây, tiểu thuyết văn học trong và ngoài nước được các độc giả đón đọc, tìm mua nhiều nhất thì ở lần này, sách tô màu lại lên ngôi. Không khó nhận thấy sự cạnh tranh quyết liệt của 2 đơn vị lớn trong ngành sách là Nhã Nam và Thái Hà đều dùng sách tô màu làm sản phẩm chủ lực trong lần bán hàng tại hội chợ này.

Sách tô màu lên ngôi ở hội chợ sách 2015.

Mỗi đơn vị trên sở hữu hơn 10 đầu sách tô màu với nhiều chủ đề khác nhau, tuy nhiên khách hàng sẽ chỉ quan tâm đến khoảng hai, ba cuốn được giới thiệu rộng rãi nhất, còn lại đều là những cuốn na ná nhau mà khách hàng chỉ cầm lên coi cho biết rồi bỏ xuống.

Ngoài giá trị nhân văn, sách còn có tính giải trí và sách tô màu đang cung cấp sự giải trí cũng như mở mang về tư duy màu sắc rất lớn cho người sử dụng. Tuy nhiên, về lâu dài, sách tô màu sẽ chỉ là một hiện tượng và sớm được thay thế bởi những trào lưu văn hoá đọc khác. Chưa kể, thu được lợi nhuận cao trong hội chợ sách lần này không chỉ là sách tô màu mà các nhãn hàng bút màu cũng hưởng lợi không nhỏ. 

Dịch chuyển văn hoá đọc

Chỉ cần quan sát đầu sách của hàng dài độc giả đứng chờ thanh toán tại các gian hàng sẽ biết cuốn nào đang "hot". Gần như mỗi độc giả ở hội chợ năm nay đều cầm trên tay một cuốn Cafe cùng Tony hay Trên đường băng hoặc Nhà giả kim, những tựa sách được viết hay giới thiệu bởi nhân vật chưa rõ tung tích với biệt danh "Dượng Tony".

Nhìn từ hội chợ sách có thể thấy sự dịch chuyển về văn hoá đọc.

Sau trào lưu tản văn của tác giả trẻ kéo dài được 2 năm và đang có dấu hiệu thoái trào khi không còn tạo được thu hút lớn như trước, đến nay, văn hoá đọc đã dịch chuyển sang thể loại mới là sách kỹ năng mềm, sách truyền lửa hay còn gọi là sách dạy làm người.

Trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất của một đơn vị tham dự hội chợ sách, trong top 10 đã có đến 6 - 7 cuốn thuộc thể loại này như Đắc nhân tâm, Ngày xưa có một con bò hay Đừng bao giờ đi ăn một mình, Quốc gia khởi nghiệp... Đây là bước thay đổi lớn vì chỉ mới khoảng 3, 4 tháng trước, dòng sách văn học trẻ, ngôn tình vẫn đang chiếm đa số.

Điều này có thể lý giải được từ góc độ của việc nâng cao nhu cầu đọc ở độc giả. Nếu tản văn nổi lên trong giai đoạn trước nhờ vào tính chất dễ viết, dễ đọc, dễ cảm nhận và thiên nhiều về cảm xúc, thì trải qua một quá trình dài bồi dưỡng cảm xúc, độc giả cần bồi đắp thêm kỹ năng sống, bồi dưỡng thêm phần lý trí để bắt đầu dịch chuyển qua những thể loại văn học khác như truyện ngắn hay truyện dài, tiểu thuyết.

Đây là yếu tố tất nhiên của văn hoá đọc đang định hình phát triển như hiện tại.

Khi tác giả trẻ là ngôi sao

Trong loạt sự kiện của hội sách, điểm nhấn là chương trình ra mắt các tác phẩm mới của nhiều nhà văn, cũng như những buổi toạ đàm về văn chương... Những sự kiện này phần nhiều có số lượng người tham dự không quá đông, chỉ vào khoảng vài ba chục người, trong đó hơn nửa đã là người nhà ban tổ chức hoặc bạn bè của tác giả, diễn giả được mời đến.

Tuy nhiên, vẫn có sự kiện ra mắt sách thu hút gần cả ngàn bạn trẻ tham dự. Đó là buổi giao lưu ra mắt sách mới của nữ tác giả Gào viết cùng nhà văn trẻ Minh Nhật.

Không cần là ca sĩ hay người mẫu, Gào và Minh Nhật vẫn trở thành những ngôi sao của giới trẻ nhờ các tác phẩm văn chương của mình.

Viết sách cách đây gần 10 năm và được đánh giá là tác giả văn học mạng đầu tiên ở Việt Nam, Gào có lực lượng người hâm mộ hùng hậu với fanpage lên đến 2 triệu lượt theo dõi nên số lượng độc giả và sách bán ra của Gào luôn nằm ở nhóm dẫn đầu. Trước buổi ra mắt chính thức, Gào còn có buổi ký tặng trước cho độc giả và gây ra cảnh ùn tắc một đoạn dài khi hơn phân nửa số khách hàng trẻ có mặt trong hội chợ kéo về đứng xếp hàng để gặp mặt và xin chữ ký của nhà văn thần tượng.

Không bàn về chất lượng văn học, chỉ riêng việc tạo ra được thương hiệu cá nhân và phát triển tốt thương hiệu đó đã là thành công của Gào hay nhiều tác giả trẻ khác. 

Trong cơ chế phát triển chung của thị trường, sách được nhìn nhận là một sản phẩm và sản phẩm bán chạy hay không còn phụ thuộc vào yếu tố marketing hay PR.

Sự đón nhận của độc giả, là minh chứng rõ ràng cho sự thành công của việc đưa các tác giả trở thành một ngôi sao truyền thông, điều trước đây chỉ thấy ở diễn viên, ca sĩ hay người mẫu. 

Văn hoá đọc đã kéo theo những hiệu ứng tích cực như văn hoá xếp hàng, trân trọng với cuốn sách... của cộng đồng.

Dường như sự kiện tôn vinh văn hoá đọc cũng đã kéo theo những hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Hình ảnh độc giả xếp hàng thanh toán tiền sách hay những hình ảnh ứng xử trân trọng với sách... đã để lại nét đẹp cho sự kiện dự kiến 2 năm tổ chức một lần.

Chắc chắn với một hội chợ có quy mô, khó tránh những điểm còn cần phải nâng cấp về tổ chức. Tuy nhiên, số lượng người tham gia tăng trội, số lượng gian hàng chất lượng cao hơn cho thấy văn hoá đọc của Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Điều này đúng với nhận định của ông Chu Văn Hoà, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành, cho rằng nâng cao văn hoá đọc cho thế hệ trẻ là việc làm vô cùng cần thiết hiện nay. 

Nhã Thư

Ảnh: Mạnh Thắng

Bạn có thể quan tâm