“Không màu, không mùi, không ấn tượng”… Đấy là cách mà tờ báo Chosun đánh giá Xuân Trường. Tác giả bài viết còn nhấn đi nhấn lại rằng sở dĩ Trường được đá chỉ là vì có một cộng đồng người Việt khá đông đến sân ngày hôm đó.
Một số báo khác thì nhìn nhận tiền vệ của lò HA.GL tích cực hơn, có cố gắng, bước đầu hoà nhập… Dĩ nhiên, mỗi tờ báo có quan điểm riêng, nhưng đáp số chung là Xuân Trường chưa để lại dấu ấn đậm đà.
Sau 10 trận, Xuân Trường mới được Incheon cho ra sân. Màn ra mắt không tệ nhưng anh vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thích nghi. |
Nói cho cùng, việc Trường được ra sân sau chấn thương và chuỗi ngày ngồi dự bị cũng đã là nỗ lực rất đáng ghi nhận. Chưa kể, lần đầu xuất hiện với biết bao nhiêu áp lực mà đá được tròn vai, không mắc sai lầm như vậy là rất đáng động viên.
Tuy nhiên, chỉ số đo đạc về một cầu thủ, đặc biệt cầu thủ ngoại, cuối cùng vẫn phải quy về hiệu quả và sự khác biệt. Ở khía cạnh này, hoặc Trường phải bứt phá so với chính mình, hoặc phải chấp nhận vai trò du học sinh cho đến hết thời hạn hợp đồng.
Có mặt trên sân một tiếng đồng hồ, quãng thời gian tương đối đủ cho một quy trình làm quen, điều chỉnh và phát huy năng lực, nhưng Xuân Trường vẫn chìm giữa các cầu thủ “nội” của Incheon. Đơn giản là vì anh quá giống họ, từ đôi mắt một mí đến cách chơi bóng một chạm, và đang bị hoà tan vào họ.
Xuân Trường tham gia vào một số pha đánh chặn, tung ra được vài đường chuyền và phối hợp an toàn với đồng đội ở đoạn ngắn. Nhưng thế là chưa đủ, bởi vì tất cả những tiền vệ Incheon đều đang làm việc đó và làm không tốt, dẫn đến việc CLB đang đội sổ.
Bị "hoà tan" vào các cầu thủ Hàn Quốc là khó khăn lớn của Xuân Trường, khi anh thua thiệt so với họ về xuất phát điểm của nền bóng đá. Ảnh: Quốc Bảo |
Ở ĐTVN và HAGL, Xuân Trường được tự do sáng tạo hơn, kiểm soát bóng nhiều hơn, khi nhiệm vụ phòng ngự nghiêng về Tuấn Anh là chính. “Đặc sản” của Trường là những đường chọc khe, chuyền trung bình vào khoảng trống hay sút xa đầy bất ngờ, khi đối phương bị cuốn vào “tổ ma” do anh và đồng đội bày ra.
Nhưng ở Incheon, Xuân Trường không, hoặc chưa đủ tạo ra sự tin cậy để có được vị trí “tác nghiệp” như vậy. Anh buộc phải đá lùi hơn và khi có điều kiện để kiến tạo thì dường như tiền đạo Incheon cũng chưa sẵn sàng nhận bóng.
Cầu thủ người Tuyên Quang cần thêm thời gian và cơ hội nữa để chứng minh khả năng của mình. Nhưng éo le ở chỗ, Incheon liệu có đủ kiên nhẫn và dũng cảm thử sức Trường tiếp hay không, trong bối cảnh đang vật lộn trốn khu vực “cầm đèn đỏ”.
Đấy là những nghịch lý, khó khăn mà cầu thủ Đông Nam Á luôn phải chịu khi ra nước ngoài thi đấu. Họ có thể đá rất tốt ở nơi thân thuộc của mình, nhưng không phát huy được năng lực khi thay đổi môi trường.
Ekaphan Inthasen, tuyển thủ Thái Lan, sau kỳ SEA Games 2005 rực sáng được mời về Nam Định chơi V.League, nhưng thể hình và lối chơi quá tương đồng với cầu thủ Việt đã khiến anh “lụi” rất nhanh. Đấy không phải vấn đề đẳng cấp, chỉ là bởi CLB Nam Định chợt hối hận vì mang về một ngoại binh mang tầm vóc nội binh.
Với Xuân Trường, mọi thứ trên đất Hàn bây giờ còn khắc nghiệt gấp bội phần so với Ekaphan trên đất Việt năm nào. Hy vọng đợt tập trung sắp tới với ĐTVN sẽ giúp Trường có thêm cơ hội khi trở lại Incheon.
Lương Xuân Trường (sinh ngày 28/4/1995 tại Tuyên Quang), đang thi đấu cho câu lạc bộ bóng đá Incheon (Hàn Quốc) theo dạng cho mượn từ Hoàng Anh Gia Lai. Tiền vệ cao 1,78 m này khoác áo CLB đang chơi ở K.League Classic (giải vô địch Hàn Quốc) từ 28/12/2015, trong thời gian 2 năm, với mức phí chuyển nhượng được cho là khoảng 300.000 USD/năm.