Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xuân Quỳnh: Trước tiên là viết cho mình

Trước khi đưa ra bài thơ để mọi người cùng đọc và hy vọng rằng nó cần thiết cho họ, Xuân Quỳnh đến với thơ để nói về mình.

Hồi trước 1954, ngôi nhà 96 phố Huế vốn là một khách sạn (đâu tên cụ thể là Hotel Lục quốc thì phải). Được cái tiện là ở đó có nhiều loại phòng to nhỏ khác nhau. Bởi vậy, khi trở thành khu tập thể của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, nơi đây có đủ cả những phòng khá to 25-30 m2 chia cho các cán bộ phụ trách hoặc những gia đình đông con, lại có những phòng toen hoẻn 9-10 m2 chia cho những hộ ít người hoặc các cán bộ lương thấp.

Không viết thì phí mất!

Vào khoảng đầu 1968, Xuân Quỳnh và gia đình bốn người (cả chồng con lẫn bà mẹ chồng) được chia hai căn phòng nhỏ như thế ở hai tầng khác nhau. Và một trong hai căn phòng ấy - cái ở tầng ba chứ không phải cái ở tầng tư - kiêm luôn mấy việc: Phòng ăn, phòng ngủ, phòng tiếp khách.

Thời chống Mỹ mọi người nghèo lắm, các gia đình làm gì có tivi với đủ loại phương tiện giải trí như bây giờ. Suốt ngày chạy vạy đong cho được cân mì hoặc mua cho được lạng thịt và lo hết việc cơ quan trở về đã đủ mệt rồi, cánh cán bộ nhà nước nhiều buổi tối không nghe đài cũng chỉ ngồi dông dài tán chuyện thời sự, cuộc sống uể oải cầm chừng lây ngay cả vào đám người làm nghề sáng tạo, thành thử thấy ai làm được cái gì cho ra tấm ra món cũng thấy quý. Một lần sau khi được tác giả đọc cho nghe một bài thơ đáng gọi là hay, mà chỉ vừa nghe nói là định viết vào tối hôm trước, tôi hỏi lại Xuân Quỳnh:

- Bà làm vào lúc nào thế này?

- Hôm qua tiễn các ông về, rồi buông màn cho thằng cu xong, tôi mới lấy giấy bút ra, lúc kê lên đầu gối lúc bò ra sàn mà viết. Gần sáng mới chợp mắt được một lúc.

- Sao tự nhiên lại hăng hái thế?

- Sống từ sáng đến chiều vớ vẩn rồi lúc bắt đầu quay về với thơ chỉ nghĩ “không viết thì phí mất!”. Thế là lại phải cố mà viết bằng được. Chỉ sợ bao nhiêu nỗ lực của mình chẳng đi đến đâu chỉ sản sinh ra được những bài thơ dở, khiến người đọc người ta dửng dưng thì cũng buồn lắm.

Trước tiên là viết cho mình

Hẳn ai cũng biết mối quan hệ giữa thơ và cuộc sống hàng ngày của người làm ra những bài thơ ấy là một trong những khâu thiết cốt đối với nghề thơ. Thế nhưng từ chỗ biết vậy đến chỗ có cách xử lý đúng mức là cả một chuyện rắc rối và nhiều người chỉ nhờ may mắn mà đến được với con đường đúng đắn. Xuân Quỳnh chính là một trong những người đó.

Chẳng hạn, chúng ta đều biết những địa danh được nói tới trong một sáng tác (tên một con sông, một dãy núi), vốn không phải là một cái gì quan trọng. Trong một bài thơ tình, xã Bảo Ninh hay xã Quang Phú, núi Cánh Diều hay núi Mây Bay thì cũng thế. Không thiếu gì người, không đến biên giới bao giờ vẫn sẵn sàng đề dưới bài thơ phục vụ kịp thời của mình mấy chữ: “Biên giới Tây Nam ngày...” cốt để đăng báo. Hoặc lịch sử thơ ca còn ghi lại không ít trường hợp những bài thơ xuất hiện vì cớ này song lại được tác giả lái sang một ý nghĩa đâu đâu mà bài thơ vẫn đọc được.

Nhưng Xuân Quỳnh sống theo một niềm tin khác, và một hành động mang tính tiểu xảo như vậy bị chị coi là gian manh, không thể chấp nhận được. Trước khi đưa ra bài thơ để mọi người cùng đọc và hy vọng rằng nó cần thiết cho họ, chị đến với thơ để nói về mình.

Nhìn vào con người và sự vật chung quanh, chị thấy có bản thân ở bên trong và đấy là cái hích đầu tiên buộc chị cầm bút. Những người có quen riêng tác giả Gió Lào cát trắng đều biết chị có thói quen diễn tả tâm trạng của mình qua thơ đúng đến từng khía cạnh tưởng là nhỏ nhặt.

Mỗi bài thơ ra đời, đều có cái lý lịch của nó. Nó chỉ ra đời với những nguyên cớ cụ thể mà người viết muốn đặt vào nó, gửi gắm tâm sự của mình trong nó. Nếu chắp các bài thơ đó lại, người ta có thể có cả cuộc đời Quỳnh.

Đấy không phải là một sự khoe khoang hay láu cá nào hết. Xuân Quỳnh buộc phải viết vậy, hàng ngày, chị đã nghĩ bằng thơ, sống bằng thơ, dùng thơ để tự hiểu mình. Lúc làm xong bài thơ cũng là lúc nhà thơ thấy lòng vợi đi ít nhiều, vì những dòng chữ kia như biết chia sẻ với tác giả của nó, cả những vui sướng cực độ, lẫn những đau đớn đến xé ruột xé lòng. Một lần nào đó chị tự hào bảo riêng với tôi:

- Nói được niềm vui nỗi khổ của chính mình, tôi cảm thấy có cái sung sướng không mấy ai có! Như người khác không được yêu mà mình được yêu, như người khác chỉ biết im lặng mà mình biết nói, và nói lên được thành tiếng, hỏi không vui sao được?

Nhạy cảm: Ưu thế và tai vạ

Có một bài thơ Xuân Quỳnh viết mang tên Con yêu mẹ, ở đó khi kể lại cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con, tác giả ghi lại mấy câu vui vui của đứa trẻ, nào là "Con yêu mẹ bằng trời xanh / Rộng lắm không bao giờ hết", rồi vân vi đủ thứ, và kết lại bằng câu "Con yêu mẹ bằng con dế". Một ý tưởng đột ngột mà người ta chỉ bắt gặp ở trẻ con!

Cái cách đùa cợt của đứa trẻ mà nhà thơ ghi lại trong câu thơ ấy thực ra rất gần với cách nghĩ của chính Xuân Quỳnh hàng ngày. Trước mắt anh chị em cùng cơ quan hoặc là hàng xóm láng giềng, nhà thơ thường hiện ra như một con người hồn nhiên cởi mở.

Chị bắt chước cách nói của người nọ, nhại những ý nghĩ buồn cười của người kia. Nhiều khi cùng chứng kiến một khung cảnh, chưa ai cười được thì con người nhạy cảm ấy đã nghĩ ra cớ để cười. Đi đến đâu là chị mang theo đến đấy sự vui vẻ, chẳng cần dụng công chị cũng kéo được mọi người bỏ công bỏ việc ngồi nghe.

Đó là nhờ cái tài ăn nói bẩm sinh: Dù thuật chuyện mình hay chuyện người thì chị cũng biết làm bật lên cái khía cạnh hài hước của nó, và mang lại cho nó một vẻ sinh động. Thậm chí còn có thể nói có một con người văn xuôi trong cách nhìn đời của nhà thi sĩ.

Trong đời sống cũng như trong sáng tác, một sự nhạy cảm như thế là rất cần thiết. Nếu như nó lại được dắt dẫn bởi một lý trí sáng suốt thì sẽ có thể dẫn người ta đi rất xa. Song có một điều ngược lại mà ít ai biết: Nó cũng có thể là nguồn tai họa và khi đó da càng mỏng càng đau, kẻ nhạy cảm có nghĩa là kẻ chuốc lấy nhiều xót xa ê chề hơn người khác. Khốn thay đó lại là chỗ yếu không thể khắc phục của Xuân Quỳnh! Sắc sảo khi bàn tính hộ người song trong việc mưu cầu hạnh phúc riêng thì con người ấy thường vụng dại. Đọc thơ của chị, nhất là thơ tình một hồi, chúng ta thấy hiện lên hình ảnh của một người yêu rất nhiều mà nhận lại chả bao nhiêu, đơn độc đi trong cuộc đời, và lúc nào cũng cảm thấy phía trước là bất hạnh, là bão tố.

Ở trên tôi đã kể lúc cao hứng lên, Xuân Quỳnh từng tự hào vì nỗi được nói to lên giữa cuộc đời im lặng. Thế nhưng, những lúc vất vả quá - vất vả với nghĩa bế tắc, dằn vặt, vất vả về mặt tinh thần - Xuân Quỳnh lại quay ra mát mẻ:

- Thỉnh thoảng có người, thấy mình khổ quá, mà vẫn làm được thơ, tỏ ý an ủi: “Bà cứ ráng chịu, rồi chắc có thơ hay”, tôi đã trả lời thẳng thừng: “Tôi sẵn sàng từ bỏ hết những bài thơ kia đi, miễn là tôi khỏi khổ!”.

Vương Trí Nhàn / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY