Phiên chất vấn trưởng ngành y tế ngày 14/6 xoay quanh trách nhiệm liên quan đến tai biến y khoa, y đức của bác sĩ, tình trạng giá thuốc nhảy múa và quá tải bệnh viện. Trả lời các câu hỏi liên quan đến tai biến y khoa, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định tai biến y khoa là sự cố gây đau lòng cho đội ngũ bác sĩ và cán bộ y tế.
Bà Tiến cho rằng nếu không tuân thủ quy trình, các sai sót trong y khoa sẽ xảy ra. "Chúng tôi cam kết sẽ xử lý nghiêm với các sai phạm dẫn đến sự cố y khoa", Bộ trưởng Tiến nói.
7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) nêu tình trạng cán bộ y tế có lời lẽ khiếm nhã thiếu tôn trọng, thậm chí xúc phạm người bệnh và chất vấn trách nhiệm của bộ trưởng nhằm nâng cao y đức đội ngũ y bác sĩ.
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng nhiều y, bác sĩ thiếu tôn trọng, thậm chí xúc phạm bệnh nhân. Ảnh: Quochoi.vn. |
Bộ trưởng Tiến cho rằng đây chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”. Trong thời gian qua, hơn 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật từ cảnh cáo đến rời khỏi ngành. Kèm theo đó là đổi mới tài chính tăng thu nhập của cán bộ y tế.
Trưởng ngành y tế cũng chia sẻ tình trạng lương, thu nhập của đội ngũ bác sĩ rất thấp. Bà Tiến nêu một trường hợp: “Lương của bác sĩ mổ ở tuyến huyện có thể được 12 triệu đồng, tuyến tỉnh có thể 15 triệu đồng mỗi tháng. Trước anh em nói tiền trực mỗi ca không đủ bát phở, nay đã lên mức 25.000 đồng, có ca lớn thì cũng đến 100.000 đồng", Bộ trưởng Y tế nói.
Về nhân lực, Bộ trưởng Y tế cho biết nhân lực y tế vừa thiếu lại vừa yếu ở tuyến dưới và có tình trạng tuyến dưới chuyển lên tuyến trên và các thành phố lớn. Ngoài ra còn có thực tế bác sĩ ra ngoài làm để có thu nhập cao hơn. Đó không chỉ tình trạng ở nước ta mà cả ở các nước khác.
"Bảo hiểm xã hội nên xem lại trách nhiệm của mình"
Trả lời một số đại biểu tại buổi chất vấn, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Thị Minh cho biết tình trạng trục lợi bảo hiểm xuất phát từ phía bệnh viện lẫn bệnh nhân. "Năm nay quỹ bảo hiểm y tế đã phải chi khoảng 80.000 tỷ đồng, tăng lên khoảng 7.000 tỷ đồng so với năm trước. Chúng tôi tính toán thấy số tăng này không bình thường", bà Nguyễn Thị Minh nói.
Ngay sau phát biểu này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) giơ biển đề nghị tranh luận. Bà Lan đặt câu hỏi: “Người dân mới chính là chủ của số tiền trong quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay. Tại sao, chỉ tập trung vào việc lạm dụng, trục lợi của bệnh viện và người dân. Tiêu cực có thể xảy ra bất cứ nơi đâu”.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm là do cái nghèo mà ra. Ảnh: Quochoi.vn. |
Đại biểu TP.HCM cho rằng Bảo hiểm xã hội nên xem lại trách nhiệm của mình, không nên đổ hết lỗi cho người dân và ngành y tế, tất cả do cái nghèo mà ra. Bảo hiểm không muốn vỡ quỹ thì phải đa dạng hoá loại hình chứ không phải siết chi.
“Có tình trạng là bảo hiểm cứ gọi điện, email xuống các bệnh viện về việc siết chi. Việc này tiềm ẩn tiêu cực không kém trục lợi bảo hiểm y tế”, bà Lan bày tỏ. Đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế với tư cách là cơ quan đầu ngành cũng phải xem xét lại các thông tư, quy định, mà dựa vào đó bảo hiểm từ chối chi.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng phản ánh các bác sĩ rất bức xúc về việc các giám định viên nhiều khi không có chuyên môn nhưng xuống "thích cắt gì thì cắt". Vì vậy cử tri đề nghị phải có bộ quy chuẩn, quy định về phương pháp cụ thể, chứ không để xảy ra chuyện xin - cho như vậy.
Theo đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa), đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng), Luật bảo hiểm xã hội quy định địa phương nào số chi vượt số thu thì sử dụng quỹ dự phòng của bảo hiểm nhưng Bảo hiểm Xã hội lại yêu cầu địa phương tự dùng ngân sách để bù vào.