Sáng 14/6, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục điều hành phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Chủ tịch Quốc hội cho biết vẫn còn 40 đại biểu đăng ký chất vấn về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Trao đổi lại ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: "Cám ơn ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Chính phủ không để Đà Nẵng tự quyết bán đảo Sơn Trà. Nếu để Đà Nẵng quyết thì không có chuyện bàn lại quy hoạch".
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ Chính phủ không để Đà Nẵng tự quyết bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Quochoi.vn |
Ông Vũ Đức Đam cho hay Chính phủ muốn Đà Nẵng chủ động hợn trong việc tiếp thu ý kiến về Sơn Trà. Còn ý kiến của tất cả các bên, cuối cùng Thủ tướng sẽ quyết định.
"Kể cả trong trường hợp chúng ta không phát triển du lịch ở Sơn Trà nữa thì cuối cùng Thủ tướng cũng quyết định", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cho biết thêm việc để Đà Nẵng chủ động hơn có hai lý do. Thứ nhất phải có sự đồng thuận của chính quyền, đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng. "Chúng ta đều yêu mến Sơn Trà và nhân dân Đà Nẵng cũng yêu mến Sơn Trà, nhân dân Đà Nẵng cũng đầy đủ trí tuệ để đóng góp cho quy hoạch của Sơn Trà", ông nói.
Thứ hai, trước đây khi chưa có quy hoạch thì Đà Nẵng cấp phép. Bây giờ có kế hoạch khác thì Đà Nẵng phải làm việc với các nhà đầu tư. Chúng ta giữ quy mô ở mức nào, 300 phòng như đại biểu Nghĩa nói hay bao nhiêu thì Đà Nẵng vẫn phải làm việc với chủ đầu tư.
"Tôi tin rằng khi Đà Nẵng chủ động hơn vào cuộc chúng ta sẽ tìm được giải pháp tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Cuối cùng Chính phủ sẽ quyết định. Quan điểm của Chính phủ là phát triển phải trên cơ sở bền vững", ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
“Tôi cám ơn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có giải đáp tranh luận của tôi. Cử tri hết sức hoan nghênh cách làm việc sâu sát của Phó thủ tướng” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa trao đổi lại sau phản hồi của Phó thủ tướng. Ông cho rằng với cách làm sâu sát, với chủ trương phát triển bền vững Chính phủ sẽ gìn giữ được những di sản cho mai sau.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng không thể nói chỉ giao Sơn Trà cho Đà Nẵng. Ảnh:Quochoi.vn. |
Trước đó, chiều 13/6, trả lời chất vấn của các đại biểu, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Nếu kết quả làm việc đi đến thống nhất giảm quy mô đầu tư xuống bất cứ mức nào, miễn là dưới 1.600 phòng thì Chính phủ sẽ đồng ý. Nếu Đà Nẵng thống nhất thấy chưa cần phải làm du lịch ở bán đảo Sơn Trà thì Chính phủ cũng hoan nghênh”, ông Đam nói.
Ngay sau đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa có ý kiến tranh luận và cho rằng "bán đảo Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng do đó khi nó có vấn đề thì Chính phủ phải vào cuộc".
"Sơn Trà giống như Sơn Đoòng, Cát Bà, Hạ Long... bao nhiêu xương máu đã đổ để bảo vệ giao cho con cháu mai sau nên không thể nói chỉ giao Sơn Trà cho Đà Nẵng. Riêng tôi, vấn đề tại Sơn Trà nếu cần phải hỏi ý kiến rộng rãi hơn và Chính phủ phải vào cuộc. Cá nhân tôi cho rằng tại Sơn Trà xây dựng 300 phòng là nhiều vì số phòng tại Đà Nẵng đang dư, mà từ Đà Nẵng lên Sơn Trà chỉ hơn chục km thôi", đại biểu đoàn TP.HCM nói.