Sáng 13/7, trong khuôn khổ phần chất vấn các vấn đề xây dựng tại TP.HCM, ngoài nhóm vấn đề liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề chung cư, đặc biệt là vấn đề nhiều dự án cư dân đã về ở nhưng không được cấp sổ hồng.
Xử lý hình sự chủ đầu tư cố tình cầm cố tài sản của người dân mà vẫn thu tiền
Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc nêu thực trạng tại TP.HCM, nhiều chủ đầu tư gặp vấn đề về tài chính, dẫn tới hệ lụy người dân mua chung cư nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, không được đảm bảo quyền lợi.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình thừa nhận đây là thực tế tồn tại ở nhiều chung cư trên địa bàn thành phố.
"Có chủ đầu tư khởi công dự án rồi lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cầm cố ngân hàng. Sở sẽ tiếp tục thống kê, tổ chức thanh tra, báo cáo UBND TP.HCM để có hướng giải quyết", ông Bình thông tin.
Sau đó, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Đức Hải cho rằng việc bỏ tiền mua căn hộ chung cư nhưng không được sở hữu nhà là vấn đề được cử tri thành phố rất quan tâm nên đề nghị một phó chủ tịch UBND TP nói thêm về những giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng này.
Lý giải về các dự án chung cư mà người dân chưa được cấp sổ hồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng có 3 nguyên nhân cơ bản.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu sáng 13/7. Ảnh: Lê Quân. |
Đầu tiên là vấn đề tài chính, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước hoặc đã thế chấp đất và quyền sử dụng đất. Thứ hai là pháp lý như trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư điều chỉnh thực hiện quy hoạch xây dựng không đúng với giấy phép. Cuối cùng là chưa nghiệm thu công trình nhưng đã đưa người dân vào ở.
"Với những chủ đầu tư cố tình cầm cố tài sản của người dân cho ngân hàng trong khi vẫn tiếp tục thu tiền, sẽ xử lý hình sự. Với những vấn đề tranh chấp, sẽ hướng dẫn để đưa ra tòa. Còn trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước có thể tháo gỡ được, Thành phố sẽ gỡ", ông Hoan đề xuất một số giải pháp.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh về lâu dài, khi xem xét chấp thuận nhà đầu tư, TP phải xem xét toàn diện doanh nghiệp đủ năng lực tài chính hay không. Với những nhà đầu tư làm ăn gian dối, Thành phố sẽ không cho doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án trong thời gian có hạn định.
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ trao đổi với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khuyến cáo các ngân hàng khi cho vay với dự án chung cư phải kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, một số việc cần làm khác gồm xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ, rà soát tổng thể các dự án, xem xét những chưng cư chưa cấp số được cho người dân gặp vấn đề cụ thể gì để báo cáo UBND TP.HCM.
110 biệt thự xây 'chui' ở quận 7 giờ ra sao?
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho biết cử tri quận 7 rất quan tâm đến dự án 110 căn biệt thự ở quận 7 của Hưng Lộc Phát bị yêu cầu dừng thi công trong 60 ngày do chưa hoàn thành thủ tục giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Bà Nhung đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng thông tin thêm về hiện trạng của dự án này.
Trả lời đại biểu Nhung, ông Bình cho biết đã báo cáo đầy đủ với Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND TP.HCM về dự án của Hưng Lộc Phát. Ông Bình thông tin thêm dự án này vẫn đang hoàn tất các thủ tục còn thiếu trong thời hạn 60 ngày và chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện huy động vốn.
Ông Bình cũng đánh giá vụ việc là bài học về sự phối hợp giữa Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Xây dựng trong hoạt động thanh, kiểm tra. “Về trách nhiệm của Sở, tôi xin nhận trách nhiệm và sẽ kiểm tra lại dự án, báo cáo theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP”, ông Bình nói.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình. Ảnh: Lê Quân. |
Thông tin thêm về hướng xử lý vi phạm trật tự xây dựng của các chủ đầu tư sáng 13/7, ông Hoan cho biết Công an và Sở Tư pháp TP.HCM vừa trình dự thảo để xử lý nghiêm các chủ đầu tư cố tình xây dựng không phép và sai phép.
"Quan điểm là sẽ xử lý nghiêm, áp dụng chế tài, không cho doanh nghiệp đầu tư dự án khác, cưỡng chế tài chính qua tài khoản ngân hàng và có thể xử lý hình sự", Phó chủ tịch TP.HCM phát biểu.