Hai năm qua, nhiều doanh nghiệp tiến hành cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô, tối ưu chi phí, đóng cửa văn phòng, tuyển dụng trực tuyến... do ảnh hưởng của Covid-19. Quý IV năm nay là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp tập trung điều chỉnh nguồn lực, ổn định nội bộ và phục hồi trong giai đoạn bình thường mới.
4 “vật cản" trong hoạt động tuyển dụng
Theo báo cáo "Thị trường lao động trong làn sóng Covid-19 thứ 4 - năm 2021: Thực trạng và hướng đi" của Navigos Group, gần 57% doanh nghiệp cho biết sẽ tiến hành tuyển dụng ngay khi trở lại hoạt động bình thường.
Tại hội thảo trực tuyến “Ứng dụng AI trong tuyển dụng" do MVV Everlearn tổ chức, bà Nguyễn Diệu Cầm, Tổng giám đốc T&A Ogilvy, xác định 4 thách thức chính khiến doanh nghiệp gặp khó trong nỗ lực tiếp cận nhân tài.
Doanh nghiệp cần vượt qua 4 thách thức lớn để thu hút nhân tài. |
Đầu tiên, quy trình tuyển dụng thủ công tạo ra “13 không" bó buộc bộ máy nhân sự. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp không đủ thời gian tổng hợp nhu cầu, đăng tin, thu thập, quản lý tài khoản tuyển dụng, trao đổi trực tuyến với ứng viên.
Song song, nhân lực không đủ để kịp nhập liệu, lọc hồ sơ, xếp lịch phỏng vấn, phản hồi ứng viên. Tiếp đến, thực trạng không bảo đảm chất lượng khiến quá trình phỏng vấn online kém hiệu quả, quản lý bằng file excel chồng chéo, không rõ kênh tiếp cận, chưa quản lý tốt chi phí.
Thứ hai, bất cập ở quy trình tiếp cận thị trường phát sinh do thiếu hoặc yếu về truyền thông đối thoại giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Trong khi đó, nhiều ứng viên thảo luận sôi nổi về thị trường việc làm trên mạng xã hội với chủ đề phổ biến “tìm việc ở đâu”. Không ít doanh nghiệp dừng ở việc đăng tin tuyển dụng, thiếu nguồn lực lẫn giải pháp dài hạn để chủ động thu hút nhân tài.
Thứ ba, kênh tiếp cận nguồn nhân lực phù hợp còn hạn chế trong khi phần lớn hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu, ứng viên thiếu kỹ năng chuyên môn hay nền tảng kinh nghiệm. Công tác tuyển dụng cần song hành nhiệm vụ nâng cao chất lượng đầu vào, hỗ trợ quá trình phát triển con người trong tổ chức. Nếu không, gánh nặng tuyển dụng sẽ tăng khi ứng viên không đáp ứng yêu cầu và nghỉ việc sớm.
Thứ tư, hiệu quả xây dựng uy tín thương hiệu chưa cao khiến doanh nghiệp vụt mất nhiều ứng viên tiềm năng. Theo báo cáo thị trường tuyển dụng thường niên do TopCV công bố, gần 44% ứng viên khẳng định thương hiệu doanh nghiệp là điểm thu hút nhất trong nội dung đăng tuyển. Ngoài ra, 14,5% nhà quản trị cho rằng thương hiệu chưa đủ mạnh là nguyên nhân gây thiếu hụt nhân sự trong tuyển dụng.
“Trợ thủ” tìm lời giải cho bài toán tuyển dụng
Sau biến động, thị trường nhân sự vẫn có bước tiến với sự lên ngôi của HR tech. Trong đó, AI được kỳ vọng sớm trở thành trụ cột mới cho tuyển dụng. Khi ứng dụng AI, việc thu thập dữ liệu, sàng lọc hồ sơ, gửi email tự động diễn ra nhanh chóng với thao tác đơn giản. Khả năng xử lý dữ liệu lớn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trong quy trình sàng lọc, đánh giá ứng viên. Theo khảo sát toàn cầu năm 2018 của Korn Ferry, 69% chuyên gia tuyển dụng cho rằng các phần mềm AI hỗ trợ tìm nhiều nhân sự chất lượng cao.
Không chỉ giúp tinh gọn hóa quy trình, AI có thể đối thoại trực tiếp với ứng viên và nâng cao hình ảnh doanh nghiệp. “Cốt lõi của hoạt động nhân sự nằm ở đối thoại giữa nhà tuyển dụng với ứng viên, doanh nghiệp và người lao động. Nhu cầu tuyển dụng cao đòi hỏi khả năng đối thoại quy mô lớn, cá nhân hóa và tự động hóa khiến con người cần sự hỗ trợ của máy móc”, bà Cầm chia sẻ.
Theo đó, bà Cầm giải thích thêm chuyên viên HR muốn tập trung vào công tác quản lý, tư vấn kinh doanh thay vì việc hành chính hàng ngày có thể tìm đến AI. Công nghệ này giải quyết bài toán đối thoại tự nhiên với hàng nghìn ứng viên mỗi tháng, giúp xây dựng nền tảng nhân sự “khỏe mạnh”, kích hoạt năng lực phục hồi của doanh nghiệp trong giai đoạn bình thường mới.
Tổng giám đốc T&A Ogilvy đánh giá AI là trợ thủ đắc lực trong tìm kiếm nhân sự. |
Với kinh nghiệm gần 20 năm xây dựng và điều hành doanh nghiệp, đang phụ trách đội ngũ Creative Technologist tại T&A Ogilvy, bà Diệu Cầm dự đoán trong nửa năm tới, ngành nhân sự sẽ chào đón chuyên gia AI thông thạo nghiệp vụ, thấu cảm trong đối thoại và tạo ấn tượng về ngoại hình.
Nhờ “bộ não" được huấn luyện bởi công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing) và học máy (machine learning), AI góp phần gợi mở, trả lời bằng văn phong tự nhiên, duyên dáng. Nhờ đó, cuộc trò chuyện với ứng viên được cá nhân hóa, đảm bảo liên tục 24/7 ở quy mô lớn.
Trí tuệ nhân tạo cũng có thể tự động, chuẩn hóa quy trình tuyển dụng 5 bước. Khả năng xử lý dữ liệu, nhập liệu, tương tác, tự nâng cấp và sản xuất nội dung góp phần kết nối các bước tuyển dụng, tối ưu chi phí.
“Dấu ấn của AI với ngành nhân sự tại Việt Nam đang trong giai đoạn khởi tạo. Xây dựng chiến lược nhân sự toàn diện, tích hợp hiệu quả giải pháp công nghệ tân tiến để tăng trải nghiệm ứng viên là điều các doanh nghiệp Việt Nam không thể bỏ qua nếu muốn vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua tuyển dụng nhân tài”, bà Diệu Cầm khẳng định.
Bình luận