Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến thị trường smartphone chứng kiến nhiều biến động. Không chỉ là thiết bị liên lạc thông thường, smartphone đã trở thành công cụ hiệu quả để học tập, làm việc và giải trí tại nhà.
Dù gặp nhiều khó khăn, các công nghệ như 5G, màn hình gập vẫn được cải tiến trong suốt năm 2020. Sang năm 2021, đây là những xu hướng đáng để chờ đợi.
Năm 2021, smartphone màn hình gập sẽ có giá rẻ hơn. Ảnh: The Verge. |
Smartphone màn hình gập giá rẻ
Những smartphone màn hình gập nổi bật trong năm 2020 có thể kể đến như Samsung Galaxy Z Flip, Galaxy Z Fold2 hay Motorola Razr 5G. Mỗi thiết bị có lợi thế riêng, song điểm chung là giá bán khá cao. Trong khi Galaxy Z Flip và Razr 5G có giá 1.400 USD, Galaxy Z Fold2 được bán với giá gần 2.000 USD. Điều đó khiến người dùng phổ thông khó mua được smartphone màn hình gập.
Sau 2 năm xuất hiện, 2021 là thời điểm thích hợp để smartphone màn hình gập tiếp cận đến người dùng phổ thông với các sản phẩm có giá từ 800-1.000 USD - ngang với những dòng như Galaxy S, Galaxy Note.
"Trong khi nhiều đối thủ đang phát triển smartphone màn hình gập, lật hoặc cuộn đầu tiên, Samsung đã sẵn sàng cho thế hệ smartphone gập thứ 3, hứa hẹn có giá rẻ hơn", Avi Greengart, Chủ tịch hãng phân tích Techsponential nhận định Microsoft sẽ rút kinh nghiệm từ Surface Duo đời đầu để cải tiến, và LG có khả năng thử nghiệm smartphone màn hình gập.
Các hãng bán dẫn lớn đã tung ra những con chip hỗ trợ 5G cho smartphone tầm trung. Ảnh: Qualcomm. |
5G trên smartphone giá rẻ
Samsung là cái tên lớn đầu tiên trang bị mạng 5G trên các dòng smartphone cao cấp lẫn tầm trung. Trong năm 2020, các dòng Galaxy S20 và Note20 đã hỗ trợ 5G, bên cạnh các mẫu giá rẻ hơn thuộc dòng Galaxy A hoặc S20 FE. Xiaomi, Google, Nokia hay Apple cũng đã trang bị 5G trên các dòng smartphone chủ lực.
Với việc 5G được thử nghiệm, triển khai tại nhiều quốc gia, 2021 được xem là năm bùng nổ của smartphone 5G. Sau khi phổ biến trên dòng cao cấp, 5G sẽ được các hãng mang xuống dòng tầm trung nhờ những con chip như Snapdragon 750G 5G, MediaTek Dimensity 720...
Ngoài việc mở rộng, 5G trên smartphone năm 2021 cũng sẽ nhanh hơn với những thiết bị hỗ trợ băng tần mmWave, tốc độ cao hơn băng tần Sub-6GHz.
Asus ROG Phone 3 trang bị màn hình tần số quét 144 Hz. Ảnh: GSMArena. |
Màn hình tần số quét cao
Đây là xu hướng đã được nhiều hãng smartphone áp dụng trong năm 2020. Thay vì tần số quét bình thường là 60 Hz, những chiếc smartphone trong năm qua đã trang bị màn hình 90 Hz, 120 Hz, thậm chí là 144 Hz cho hiệu ứng cuộn lướt, chơi game mượt mà hơn.
Sang năm 2021, sẽ có nhiều smartphone trang bị tần số quét cao được ra mắt, đặc biệt là các sản phẩm tầm trung giá rẻ. Đối với Apple, dòng iPhone 13 cũng có thể trang bị màn hình 120 Hz sau một năm lỡ hẹn.
ZTE Axon 20 5G là một trong những smartphone đầu tiên có camera dưới màn hình. Ảnh: Android Authority. |
Camera dưới màn hình
Những smartphone đầu tiên có camera dưới màn hình đã lên kệ trong năm 2020. Nhờ thiết kế điểm ảnh đặc biệt, công nghệ này cho phép ánh sáng xuyên qua đến cảm biến camera bên dưới. Smartphone sử dụng công nghệ này không cần chừa lỗ khuyết trên màn hình, mang đến thiết kế liền mạch và hiện đại hơn.
2021 sẽ là năm để camera dưới màn hình được hoàn thiện hơn. Samsung, Xiaomi là những cái tên đang phát triển công nghệ camera dưới màn hình với giải pháp khắc phục những vấn đề liên quan đến chất lượng.
Quay phim 8K
Năm 2020, một số smartphone như Samsung Galaxy Note20, Xiaomi Mi 10 Pro đã hỗ trợ khả năng quay phim 8K. Tương tự mạng 5G hay màn hình gập, quay phim 8K chỉ mới có mặt trên các sản phẩm cao cấp.
Với việc TV 8K ngày càng rẻ và nội dung 8K đa dạng, quay phim 8K được kỳ vọng sẽ xuất hiện nhiều hơn trên smartphone năm 2021.
Ứng dụng thực tế tăng cường (AR) sẽ xuất hiện nhiều hơn trong năm 2021. Ảnh: Apple. |
Thực tế tăng cường (AR)
Dù đã xuất hiện trong nhiều năm, Apple và Google đang là 2 cái tên thực sự quan tâm đến AR. Sang năm 2021, Greengart cho biết các hãng sẽ quan tâm đến AR nhiều hơn sau khi tập trung vào VR.
"Qualcomm đã đầu tư rất nhiều vào AR và VR (thực tế ảo), chip xử lý của họ được trang bị trên nhiều hệ thống VR độc lập. Nhờ những thiết bị như Oculus của Facebook, VR đã sẵn sàng để trở thành xu hướng phổ biến, nhưng chỉ dành cho việc chơi game", Greengart nhận định.
Tuy nhiên, chủ tịch hãng phân tích Techsponential nhận định AR có tiềm năng lớn hơn nhiều so với VR. "Sang năm 2021, những thiết bị AR với chip xử lý Snapdragon sẽ rời phòng thí nghiệm để được thương mại hóa. Apple đang phát triển kính AR, và sẽ dẫn đầu xu thế bằng việc trở thành công ty lớn đầu tiên ra mắt thiết bị loại này".