Bên cạnh những tác phẩm kinh điển luôn được tái bản, các đơn vị xuất bản đang tìm về kho sách xưa, in lại các tác phẩm giàu giá trị mà thế hệ hôm nay chưa hoặc ít biết đến.
Nhiều cuốn sách được in lại, dịch mới để giới thiệu tới bạn đọc hôm nay. Ảnh: Omega Plus. |
Những tác phẩm trường tồn với thời gian
Là đơn vị có thế mạnh về dòng sách văn chương, bên cạnh khai thác những tác phẩm mới, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam gần đây đã cho in lại nhiều đầu sách cũ.
Theo bà Ngô Thị Thu Ngần - Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - các tác phẩm kinh điển, nổi tiếng luôn có đời sống lâu bền với nhiều thế hệ độc giả và việc in lại chúng đang là “xu thế tất yếu” của một số đơn vị xuất bản.
Trong thời gian qua, bên cạnh việc tìm kiếm những bản thảo mới, “hot” của những tác giả best-seller hoặc được công nhận qua các giải thưởng uy tín đương đại, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã in lại một số cuốn kinh điển như Truyện cổ Grimm, Truyện cổ Andersen, Thần thoại Hy Lạp, Liêu Trai chí dị, Hoàng tử bé…
Đứng trước xu thế này, ông Vũ Trọng Đại - Chủ tịch HĐQT Công ty sách Omega Plus - nói việc khai thác lại sách cũ không phải là hướng đi mới mẻ, nhưng nó đặc biệt nở rộ trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây.
Ông Đại cho hay trước đây, giới xuất bản có phong trào khai thác lại những cuốn sách đã có mặt trên thị trường trước năm 1945 (tập trung vào sách của các học giả miền Bắc như GS Đào Duy Anh, nhà văn Ngô Tất Tố, các cây bút trong nhóm Tự lực văn đoàn…) hay trước năm 1975.
Một ấn phẩm trong Tủ sách Pháp ngữ của Omega Plus. Ảnh: Vũ Trọng Đại. |
Theo người đứng đầu Omega Plus, những tác phẩm xưa của một số tên tuổi nổi bật (Phan Kế Bính, Vũ Ngọc Phan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Sơn Nam…) hiện nay không còn nhiều. Nhưng khi in lại sách của họ, tức là đơn vị xuất bản đang “bán hoài niệm” cho một lượng độc giả có mong muốn níu kéo và tìm về quá khứ.
Với mong muốn tái phát hiện và làm sống lại giá trị của đời sống Việt Nam trong quá khứ, từ năm 2018, Omega Plus xây dựng Tủ sách Pháp ngữ, gồm những cuốn sách xưa được làm mới lại một cách có hệ thống. Đến nay, tủ sách này có khoảng 30 cuốn.
Một số công trình như bộ Vua triều Nguyễn (gồm 2 cuốn Vua Minh Mạng và Vua Gia Long của Marcel Gaultier), Nam kỳ và cư dân các tỉnh miền Đông của J. C. Baurac hay Một chiến dịch ở Bắc Kỳ… của Omega Plus còn được dịch mới hoàn toàn cho lần in này.
Không nằm ngoài xu thế đó, Công ty sách Nhã Nam cũng thực hiện một số đầu sách từng được xuất bản nhiều năm trước, thậm chí là từ đầu thế kỷ 20 và hiện nay không còn hoặc rất khó tìm kiếm trên thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc bản quyền công ty sách Nhã Nam - nói tiêu biểu nhất trong nhóm sách này phải kể đến bộ Việt Nam danh tác với gần 50 đầu sách được thực hiện cho đến hiện tại.
Đây là dự án in lại các tác phẩm có giá trị của những tên tuổi nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính, Thạch Lam, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… với bìa và cách trình bày mới mẻ, cùng lời giới thiệu của các chuyên gia.
Song song việc dịch mới, dịch lại các tác phẩm kinh điển, đơn vị này cũng in lại những bản dịch cũ. Có thể kể đến một số cuốn như Zarathustra đã nói như thế (bản dịch của Trần Xuân Kiêm), Anna Karenina (bản dịch của Cao Nhị, Dương Tường), Carmen (bản dịch của Tô Chương), Những vinh nhục của César Birotteau (bản dịch của Mặc Đỗ), Trăm năm cô đơn (bản dịch của Trung Đức)...
Một số tác phẩm được in lại trong bộ Việt Nam danh tác. Ảnh: N.N. |
Thế hệ độc giả nối tiếp nhau
Ông Trần Đoàn Lâm - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế Giới - cho rằng những tác phẩm được lựa chọn, thậm chí là phải “khai quật”, để in lại luôn có giá trị nội dung nhất định và chỗ đứng lâu bền trong lòng bạn đọc mọi thế hệ.
“Trong khái niệm ‘in lại những đầu sách cũ’, từ ‘cũ’ ở đây chỉ mang tính tương đối. Bản in đầu của cuốn sách đó có thể đã xuất hiện cách đây 10-20 năm, cũng có thể là 50-70 năm. Nhưng xét cho cùng, mọi cuốn sách đều nằm trong dòng chảy của thời gian và văn hóa dân tộc”, ông Lâm nêu quan điểm.
Theo ông, thế hệ độc giả sau này luôn mong muốn tìm hiểu về quá khứ nên phải đọc sách của những tác giả thời bấy giờ. Bởi sống trong thời đại đó, ngòi bút của họ sẽ có sự khả tín hơn so với những nghiên cứu hiện tại.
Ở thế hệ của ông Lâm, nhiều người say mê đọc Xứ Đông Dương (hồi ký của cựu Toàn quyền Pháp Paul Doumer). Nhưng khoảng 5-10 năm sau, thậm chí là lâu hơn nữa, ông tin rằng một thế hệ độc giả khác vẫn sẽ có mong muốn tìm đọc nó để hiểu về lịch sử, cội nguồn.
“Thế hệ bạn đọc nối tiếp nhau chứ không bao giờ dứt. Khoảng cách thời gian càng xa, bạn đọc sẽ càng tò mò và dành mối quan tâm nhiều tới quá khứ”, ông Lâm nhận định.
Một trong những mục đích khi xây dựng Tủ sách Pháp ngữ của Omega Plus là tái phát hiện những công trình có giá trị mà trước đó chưa được chú ý nhiều. Với những ấn phẩm này, Omega Plus tổ chức xuất bản lại với bản dịch mới, bổ sung chú thích, dẫn nhập của các nhà nghiên cứu hiện đại.
“Chúng tôi giới thiệu nội dung cũ nhưng có cách tiếp cận mới để độc giả ngày nay có thể hiểu được những giá trị đã bị mai một và hình dung toàn cảnh về quá khứ của đất nước, nhân loại”, ông Vũ Trọng Đại nói.
Ngoài việc chọn lựa bản thảo hoặc bản dịch có nội dung tốt, việc làm mới hình thức cũng là vấn đề quan trọng đối với các đơn vị khi đứng trước xu thế in lại sách cũ.
“Trong kế hoạch lâu dài, chúng tôi sẽ chọn lọc in lại một số tác phẩm kinh điển, nổi tiếng khác nữa. Khi càng có nhiều đơn vị xuất bản tham gia vào công cuộc làm mới sách cũ thì độc giả càng có nhiều lựa chọn và cuộc cạnh tranh trong giới xuất bản sẽ ngày càng khốc liệt hơn”, bà Ngô Thu Ngần - Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - cho hay.
Theo bà Ngần, hiện nay công nghệ thiết kế, in ấn rất hiện đại. Nếu cuốn sách không được trình bày bắt mắt, hấp dẫn thì sẽ nhanh chóng “bị chìm nghỉm giữa rừng sách trăm hoa đua nở”.