Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xu hướng in lại tác phẩm văn chương kinh điển

Danh tác được in lại nhiều với hình thức trang trọng, nằm trong một tổng thể bài bản. Điều đó giúp bạn đọc hôm nay có quyền tự hào khi tiếp cận kho tàng văn chương Việt.

Năm 2020 chứng kiến sự trở lại hoặc dịch mới các công trình nghiên cứu, lịch sử xưa. Còn 2021 là năm của những tác phẩm văn chương kinh điển, các tác phẩm đã lâu không in lại, thậm chí phát hiện tác phẩm của tác giả nổi tiếng trước đây.

Khi nhìn lại văn chương một năm qua, PGS.TS Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - đặt vấn đề xuất bản lại tác phẩm văn chương cũ dường như là xu hướng.

Van hoc kinh dien anh 1

Một số danh tác được in với hình thức trang trọng. Ảnh: Nhã Nam.

Danh tác Việt được in lại sang trọng

Thực tế, việc in lại sách kinh điển vẫn tiếp nối trong nhiều năm qua. Sách văn học kinh điển có thể không bán chạy ồ ạt trong một thời điểm nhất định, nhưng luôn là mảng sách có độc giả.

Những tác phẩm văn chương, nhất là tác phẩm mà tác giả đã qua đời trên 50 năm, thường được các nhà xuất bản, công ty sách in ấn nhiều. Tuy vậy, 2021 là năm chứng kiến sách kinh điển, danh tác trở lại nhiều, thậm chí xuất hiện trong diện mạo trang trọng.

Không chỉ in lại tác phẩm kinh điển riêng lẻ, các nhà xuất bản, công ty liên kết còn đầu tư bài bản, có chiến lược riêng cho mảng sách này.

Sau nhiều năm thực hiện bộ sách "Văn mới", Công ty Đông A quay lại sách xưa, thực hiện nhiều tác phẩm nổi tiếng trong kho tàng văn học Việt Nam. Để cạnh tranh với các đơn vị cùng làm sách văn học kinh điển, Đông A đầu tư vào mảng mỹ thuật. Đơn vị này thường đặt các họa sĩ nổi tiếng minh họa cho tác phẩm văn chương.

Những tác phẩm quan trọng của nền văn học Việt như Truyện Kiều (Nguyễn Du), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu), hay các cuốn sách nổi tiếng Bỉ vỏ (Nguyên Hồng), Số đỏ (Vũ Trọng Phọng), Thương nhớ mười hai (Vũ Bằng), Người kép già (Kim Lân)… được Đông A in lại trong diện mạo mới.

Nhã Nam là công ty sớm in lại các danh tác xưa. Tủ sách “Việt Nam danh tác” được thực hiện từ năm 2014. Đơn vị này chủ trương in lại những tác phẩm đã đạt thành tựu lớn về nghệ thuật ngôn từ, những tác phẩm trở thành mẫu mực của thể loại văn chương. Qua năm tháng, số sách trong “Việt Nam danh tác” ngày một dày lên, hiện nay có gần 50 tác phẩm thơ, văn.

Năm 2021, Công ty Nhã Nam chọn nhiều cuốn trong tủ sách để in bản đặc biệt, bìa cứng, da. Bà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - biên tập viên của Công ty sách Nhã Nam - nói: “Tìm về tác phẩm kinh điển và in lại đã trở thành trend”.

“Chúng tôi nhìn thấy nhu cầu, thị hiếu của độc giả khi tìm kiếm lại tác phẩm hay. Đó không phải best-seller, nhưng là dòng sách vẫn bán bền bỉ. Ta thấy hiện tượng đặc biệt của xuất bản năm qua là in lại sách hay và in theo cách siêu sang. Dòng sách danh tác đã được in lại nhiều, nhưng in lại một cách sang trọng chính là xu hướng xuất bản”, bà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy nhận định.

Van hoc kinh dien anh 2

Sách Bỉ vỏThương nhớ mười hai được in lại với bộ tranh minh họa mới. Ảnh: Đông A.

Giúp độc giả tiếp cận giá trị văn chương đích thực

Ngoài xuất bản danh tác, các đơn vị cũng in lại những tác phẩm đã lâu không xuất hiện. Công ty Nhã Nam in lại bộ năm cuốn của tác giả Nguyễn Thị Hoàng, trong đó có đầu sách best-seller trước đây là Vòng tay học trò trong năm 2021.

Thông tin từ PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Xóm cầu mới của Nhất Linh cũng chuẩn bị được tái xuất. Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cũng cho biết nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã tập hợp khoảng 20 truyện ngắn chưa được biết tới của nhà văn Nam Cao, chuẩn bị xuất bản để giới thiệu với bạn đọc đương thời.

TS Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn học - thông tin tập truyện ngắn Nông dân với địa chủ của Nguyễn Công Hoan sắp tái xuất.

Ông Hải Đăng - biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ - tiết lộ đơn vị này có kế hoạch in lại tác phẩm văn học đương đại nổi bật. Đó là tác phẩm của những cây bút ghi dấu ấn trên văn đàn như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà.

Theo TS Nguyễn Anh Vũ, cách đây năm, ba năm, thể loại tản văn lên ngôi trong thị trường sách văn chương. Vài năm trở lại đây đã có sự cân bằng trở lại giữa các thể loại văn học. Tác phẩm hay sẽ được bạn đọc quan tâm, tác phẩm khó vẫn có đối tượng độc giả tiếp nhận. Điều đó cho thấy những sản phẩm chất lượng luôn luôn có chỗ đứng trong dòng chảy văn chương.

Biên tập viên Hải Đăng đánh giá việc in lại, đọc lại tác phẩm xưa là cách tiếp cận hay trong hệ thống xuất bản. “Ngoài việc đi tìm hạt giống văn chương, đãi cát tìm vàng, tiếp tục phát triển đội ngũ viết mới, chúng ta có chiến lược để đưa tới người đọc những tác phẩm giá trị. Việc làm này có ý nghĩa với xã hội”, ông Hải Đăng nói.

Theo biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, việc tuyển chọn chặt chẽ, in lại tác phẩm có hệ thống sẽ tạo định hướng để tất cả độc giả tiếp cận giá trị văn chương đích thực. Khi nhìn lại gia tài được in lại ấy, bạn đọc hôm nay hoàn toàn có quyền tự hào về văn chương Việt Nam.

Nuôi dưỡng tình yêu văn chương qua những tủ sách

“Việt Nam danh tác”, “Văn chương và Mỹ thuật”, “Văn học trong nhà trường” là những tủ sách quý giúp bạn đọc thêm yêu tác phẩm văn chương.

Đưa danh tác Việt đến gần hơn với độc giả hiện đại

Nhiều sách danh tác Việt được xuất bản giúp độc giả có cơ hội thưởng thức lại những tác phẩm từng là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ dưới hình thức mới mẻ và hấp dẫn.

Đỗ Thu

Bạn có thể quan tâm