Thời gian gần đây, các tựa sách kinh điển thế giới liên tiếp được giới thiệu lại với bạn đọc trong nước như Cuốn theo chiều gió, Truyện cổ Grimm, Những người khốn khổ, Frankenstein, David Copperfield…
Đây đều là những tác phẩm đã được đông đảo bạn đọc đón nhận suốt nhiều thế hệ, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng đọc với nhiều bài học triết lý sâu sắc về cuộc sống.
Các tác phẩm kinh điển được nhiều đơn vị xuất bản cùng phát hành. |
Hướng đi mới của đơn vị xuất bản
Việc khai thác các tác phẩm kinh điển trở thành hướng đi mới cho nhiều đơn vị xuất bản trong thời điểm khó khăn của đại dịch Covid-19. Với túi tiền eo hẹp, nhiều độc giả ngần ngại lựa chọn đọc các sách mới, và có sự tin tưởng nhất định đối với những tác phẩm kinh điển đã được thế giới đón nhận.
Hơn nữa, xuất bản sách kinh điển có thể giúp các đơn vị tiết kiệm được chi phí mua bản quyền cho bởi hầu hết sách kinh điển đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền và có thể khai thác tự do.
Chính vì ai cũng có thể khai thác nên mới có trường hợp bạn đọc trong nước có thể tìm đọc nhiều ấn bản khác nhau của cùng một tác phẩm do nhiều đơn vị phát hành.
Ví dụ Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell, có đến ba bản sách đang được phát hành tại thị trường Việt Nam, sử dụng bản dịch của Vũ Kim Thư. Một bản sách khác sắp được xuất bản, được dịch mới hoàn toàn do Dạ Thảo chuyển ngữ. Hay gần đây, Truyện cổ Grimm được các đơn vị sách liên tiếp cho ra mắt với nhiều bản dịch khác nhau.
Với nội dung không mới, các bản sách được chăm chút đầu tư về mặt hình thức tạo sự cạnh tranh. Từ bìa cứng, bụng sách phủ nhũ vàng, làm hộp đựng… cho đến phát hành bản sách bìa da đặc biệt với số lượng có hạn.
Sách kinh điển có giá trị sưu tầm lớn, nên khi có nhiều bản sách trên thị trường cùng một lúc, độc giả có cơ hội để lựa chọn ấn bản đẹp và phù hợp nhất.
Cũng có đơn vị phát hành không đi theo những cuốn sách kinh điển phổ biến, mà tập trung các sách dù nổi tiếng tại nước ngoài nhưng chưa từng được dịch và giới thiệu tại Việt Nam.
Một số cuốn sách kinh điển lần đầu được dịch như Chuyện ma ám ở Dinh thự Hill của Shirley Jackson, Olivia của Dorothy Strachey, Thể xác và tâm hồn của Maxence van der Meersch, Con gái của thời gian của Josephine Tey....
Lập các hội nhóm đọc sách kinh điển trên mạng xã hội
Song song việc sách kinh điển trở lại mạnh mẽ, những người yêu thích tác phẩm kinh điển cũng hội ngộ cùng nhau trong những cộng đồng, diễn đàn trên mạng xã hội.
Được thành lập từ tháng 4/2020, nhóm "Hội yêu thích tác phẩm văn học kinh điển" đến nay đã có hơn 37.000 thành viên. Một không gian khác cũng vừa được thành lập là "Hội văn học kinh điển" dành cho những người có chung sở thích đọc sách danh tác của Việt Nam và thế giới.
Cả hai nhóm trên, các thành viên đều rất tích cực đăng bài, giới thiệu nhiều sách kinh điển hay. Admin nhóm cũng thường xuyên tổ chức cuộc thi viết, giới thiệu để khuyến khích độc giả chia sẻ cảm nhận, với nhiều phần quà chính là những cuốn sách.
Ngoài ra, ở các không gian chia sẻ văn học khác, các bài viết liên quan sách kinh điển cũng được lan tỏa rộng khắp.
Vụ việc dị thường của bác sĩ Jekyll và ông Hyde được nhiều độc giả cho là khó đọc. Ảnh: Wings Books. |
Sách kinh điển có thực sự được lòng độc giả?
Dù sách kinh điển đang trở thành xu thế nhưng không phải tác phẩm nào cũng nhận được sự đón nhận của đông đảo bạn đọc. Trong một bài đăng thảo luận về việc tại sao lại có cuốn sách kinh điển không được phổ biến tại Việt Nam như những cuốn sách khác dù đều rất nổi tiếng tại nước ngoài, các thành viên đã tranh luận tích cực.
Nhiều bạn đọc cho rằng người Việt thích những câu chuyện có kết cấu đơn giản, nhân vật thiện ác rõ ràng, bài học đạo đức dễ hiểu, kết thúc có hậu… Đó là lý do mà những truyện như Không gia đình, Những người khốn khổ, Cuốn theo chiều gió... dễ nhận được sự đồng cảm và sách được in lại nhiều lần, nhiều nhà cùng bắt tay vào làm.
Còn những sách như Frankenstein hay Vụ việc dị thường của bác sĩ Jekyll và ông Hyde đậm tính triết lý về nhân sinh quan của con người, về con quỷ dữ ẩn nấp bên trong mỗi người khiến người đọc khó theo dõi hơn.
Cũng có những tác phẩm của cùng tác giả, nhưng nhận được sự quan tâm khác nhau. Nếu như Trên sa mạc và trong rừng thẳm của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz được nhiều thế hệ tìm đọc, thì Quo Vadis cũng của ông lại được đánh giá là khó tiếp cận vì độ dày của sách, cũng như câu chuyện lấy bối cảnh thành Rome cổ đại xa lạ.
Điều này có thể làm hạn chế phần nào việc khai thác những tựa sách kinh điển thế giới tại Việt Nam, khi phần lớn sách đều được viết trong thế kỷ 18, 19 thể hiện rõ tư tưởng thời đại đó với nhiều tầng ý nghĩa triết lý và tôn giáo.
Để sách kinh điển có thể phát triển hơn nữa tại Việt Nam, trước hết độc giả nên cởi mở hơn với những tác phẩm có thông điệp đa dạng, sẵn sàng khám phá những câu chuyện nổi tiếng khác để làm đa dạng thêm vốn hiểu biết và việc đọc sách.