Bên lề Hội nghị Quan chức cấp cao APEC lần 1 (SOM 1) diễn ra tại Nha Trang, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC quốc tế, tiến sĩ Alan Bollard, đã trao đổi với Zing.vn về những tác động của xu hướng chống toàn cầu hóa đến tiến trình hội nhập APEC.
Chờ đợi chính quyền Mỹ
- Tại hội nghị APEC diễn ra năm ngoái, Phó tổng thống Peru Mercedes Araoz từng đặt vấn đề về sự cần thiết của việc tiếp tục hội nhập kinh tế trong bối cảnh xu hướng chống toàn cầu hóa trỗi dậy. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Năm ngoái khi gặp nhau tại Peru, chúng tôi đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về xu hướng chống toàn cầu hóa. Đó là vấn đề mà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC quan ngại vì chúng tôi vẫn nhìn thấy nhiều lợi ích từ hội nhập kinh tế khu vực và mong muốn thúc đẩy điều này.
Chúng tôi biết rất rõ về một số phản ứng mang tinh thần dân túy chống toàn cầu hóa. Chúng tôi đã nhìn thấy những câu chuyện như "Brexit" (Anh rời Liên minh Châu Âu) tại châu Âu hay quan điểm bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi những quan điểm rõ ràng từ chính quyền Mỹ vốn vẫn chưa bổ nhiệm xong các vị trí liên quan trực tiếp đến vấn đề.
Tiến sĩ Alan Bollard cho rằng tiến trình hội nhập APEC là một ván cờ lâu dài. Ảnh: Hải An. |
- Việc chờ đợi này có thể kéo dài trong bao lâu, thưa ông?
- Chúng tôi thực sự chưa rõ. Chúng ta phải đợi đến khi chính quyền Trump bổ nhiệm người đứng đầu Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR). Chúng ta phải đợi người này và đội ngũ của mình đề ra các chính sách cụ thể.
Vì vậy mọi chuyện giờ còn rất mơ hồ. Thực tế tôi nghĩ ít nhất phải mất 6 tháng nữa chúng ta mới thực sự biết được.
- Một số chuyên gia cho rằng APEC chỉ "nói giỏi chứ không làm giỏi". Liệu đây có phải là một trở ngại lớn với quá trình hội nhập khi APEC trước thách thức từ xu hướng chống toàn cầu hóa?
- Đúng là chúng tôi tiến hành rất nhiều cuộc thảo luận và một số kế hoạch chưa bao giờ thực sự diễn ra. Các thành viên APEC gặp nhau để nói về những việc cần làm, chẳng hạn như trong hội nghị lần này.
Chúng tôi trình bày ý tưởng của mình đến tất cả thành viên, từ những nền kinh tế lớn đến nhỏ, phát triển hay đang phát triển. Chúng tôi cần phải làm điều đó để đưa mọi thứ về cùng một chỗ. Đó là lý do chúng tôi phải thảo luận rất nhiều cũng như tốn khá nhiều thời gian để đạt được mục tiêu. Đây là một ván cờ lâu dài.
Song chúng tôi cũng đã có được những thành tựu lớn lao. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện theo cách này. Năm nay Việt Nam là chủ nhà APEC nên Việt Nam giữ vai trò định hướng trong các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, không phải mọi đề xuất mà Việt Nam đưa ra đều có thể thực hiện trong năm nay.
APEC là 'vườn ươm những giống cây mới'
- Liệu xu hướng chống toàn cầu hóa sẽ làm sâu sắc thêm những khác biệt và chênh lệch giữa các thành viên APEC?
- Nói chung, những nền kinh tế đang phát triển nhìn thấy những lợi ích của hội nhập nhưng họ vẫn còn một đoạn đường dài để đi. Và chúng tôi không xem những khác biệt đó như chuyện hiển nhiên phải chịu. Chúng tôi đang nỗ lực để giảm thiểu sự chênh lệch.
Tôi nghĩ chúng tôi cần tiếp tục những việc mà APEC đã làm. APEC là nơi để thử nghiệm những điều mới mẻ, giống như một vườn ươm những giống cây mới hay một gian bếp với những nguyên liệu xa lạ. Chúng tôi thử nghiệm những "công thức" mới và cùng xem "món ăn" này có phù hợp hay không.
Chúng tôi có thể làm điều đó vì chúng tôi gắn kết với nhau trên tinh thần tự nguyện, không phải ràng buộc pháp lý. Vì vậy Việt Nam có thể thử làm điều này, Mỹ có thể thử làm điều kia, Trung Quốc cũng tương tự. Điều này đã cho thấy hiệu quả trong quá khứ nên chúng tôi sẽ tiếp tục như vậy trương tương lai.
Tiến sĩ Alan Bollard (trái) mô tả APEC là một "vườn ươm những giống cây mới". Ảnh: Hải An. |
- Nói về "Mục tiêu Bogor", nhiều ý kiến lo ngại rằng việc thiếu một định nghĩa rõ ràng, thái độ không thống nhất về mục tiêu khiến việc hoàn thành kế hoạch vào năm 2020 là bất khả thi. Liệu APEC cần có một cách tiếp cận khác?
- Mục tiêu Bogor hướng đến việc tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Chúng tôi đo lường mức độ hoàn thành Mục tiêu Bogor rất cụ thể.
Tuy nhiên, Mục tiêu Bogor không phải là một mục tiêu đơn nhất mà là tập hợp của các biện pháp mở cửa tại biên giới và nới lỏng "sau biên giới". Vì vậy, có thể hoàn thành Mục tiêu Bogor đúng thời hạn là vấn đề ý chí của toàn thể.
Tuy nhiên, chúng tôi đã đạt được những tiến bộ nhất định. Tôi nghĩ hiện những tiến bộ về Bogor đã di chuyển từ khu vực biên giới truyền thống đến những địa hạt "sau biên giới", như quy định chính sách, sự thay đổi cấu trúc, doanh nghiệp nhà nước,..., rất nhiều thứ. Giai đoạn phát triển tiếp theo không tập trung vào thương mại sản xuất mà là thương mại dịch vụ.
- Ông đánh giá như thế nào về việc Việt Nam lần thứ hai đảm nhận vai trò chủ nhà APEC?
- Việt Nam từng đảm nhiệm vai trò này nhưng năm nay là một năm vô cùng quan trọng khi APEC đang đứng trước những ảnh hưởng từ xu hướng chống toàn cầu hóa cũng như những sự bất định về tự do thương mại như câu chuyện TPP.
Việt Nam giành được vị trí quan trọng khi đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC bởi vì Việt Nam hay TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN là những "người chơi" lớn trong sân chơi thương mại và vẫn muốn được hưởng thêm nhiều lợi ích từ tự do hóa thương mại. Việt Nam đã có được điều đó trong quá khứ song vẫn là nền kinh tế thu nhập thấp trong APEC.
Vì vậy, Việt Nam có được lợi thế khi dẫn dắt APEC trong giai đoạn này, dù mọi chuyện không hề dễ dàng. Việt Nam đã đưa ra những đề xuất phù hợp với ưu tiên của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Chúng ta có ưu tiên về thúc đẩy hội nhập khu vực, về tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về việc làm sao biến tăng trưởng nhanh thành tăng trưởng bền vững. Chúng tôi muốn những ưu tiên này phải thực sự vừa vặn với mỗi thành viên, đem lại lợi ích cho tất cả. Chúng ta không thể làm theo kiểu "cá mè một lứa" như từng có xu hướng trong quá khứ.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!