Hội nghị có sự tham gia của các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương), diễn ra trong hai ngày 2-3/3.
Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực tăng trưởng chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro và tính bất định ngày càng tăng. Các đầu tàu kinh tế như Trung Quốc đang giảm tốc còn chính quyền mới tại Mỹ thể hiện quan điểm không rõ ràng về định hướng hội nhập kinh tế khu vực.
Do đó, vấn đề được quan tâm tại hội nghị lần này là hội nhập kinh tế khu vực sẽ đi về đâu, xu hướng bảo hộ thương mại của Mỹ có tác động đến tiến trình APEC và việc thực hiện Mục tiêu Bogor hay không.
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Quan chức cấp cao APEC lần 1 tại Nha Trang. Ảnh: Hải An. |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ tịch SOM, ông Bùi Thanh Sơn, khẳng định APEC "đang ở điểm khởi đầu của một năm được dự báo đầy khó khăn".
"Tại một vài nơi, chúng ta nghe nói rằng những lợi ích của toàn cầu hóa không được phân phát công bằng. Những công nghệ đột phá, nếu không được khai thác một cách đúng đắn, tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng sự chênh lệch giữa các nền kinh tế", ông Bùi Thành Sơn nói.
Tuy nhiên, thứ trưởng Ngoại giao cho biết ông tin tưởng APEC "có đầy đủ nguồn lực, tiềm năng và khả năng để vượt qua những thách thức này, biến chúng thành động lực cho tăng trưởng và phát triển".
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì hội nghị. Ảnh: Hải An. |
Hội nghị SOM 1 là SOM đầu tiên và lớn nhất trong năm với nhiều cuộc họp liên quan đã diễn ra từ 18/2 nhằm thống nhất chủ đề và các ưu tiên cho Năm APEC 2017. Trên cơ sở đó, các ủy ban của APEC xây dựng kế hoạch hành động cả năm và thảo luận một số sáng kiến để thúc đẩy chương trình hành động của APEC.
Qua 27 năm hình thành và phát triển kể từ 1989, APEC tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tập trung vào 3 trụ cột hợp tác chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư; Thuận lợi hoá kinh doanh; và Hợp tác kinh tế - kỹ thuật.
APEC là diễn đàn mở, hoạt động theo nguyên tắc cùng lợi, đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. Kể từ khi thành lập, APEC đã trải qua 4 đợt mở rộng và hiện có 21 nền kinh tế thành viên, hội tụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 11/2016, APEC đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu.