Trước đây, cô Hoàng Thị Dung, chủ cửa hàng bán tranh thêu trên đường Phạm Ngọc Thạch thường phải đầu tư liền lúc mấy trăm triệu để nhập tranh về bán. Đau đầu chuyện vốn nên hơn nửa năm nay, cô Dung nhận ký gửi tranh thêu chữ thập của những người thêu tự do về bày ở cửa hàng để bán cho khách. “Thời buổi kinh tế khó khăn, nhận ký gửi không phải bỏ vốn lớn mà hàng lại phong phú, chỉ mất 10 triệu đồng thuê mặt bằng hàng tháng”, cô nói.
Giá ký gửi phụ thuộc vào chất lượng và mức độ kỹ thuật của mỗi bức tranh. Tranh thêu loại đơn giản, khổ nhỏ có giá 300.000 - 500.000 đồng một bức. Loại khổ to có kỹ thuật phức tạp, cầu kỳ có giá từ một triệu đồng đến 7 triệu đồng, thậm chí một số bức tranh giá ký gửi lên đến hơn chục triệu đồng.
Bán hàng ký gửi giúp hàng hóa phong phú, chủ kinh doanh không cần đầu tư vốn lớn. Ảnh minh họa. |
Trung bình mỗi ngày cô Dung nhận ký gửi 3-4 bức tranh thêu, khi nào bán được mới thanh toán tiền. Những bức tranh này được bày tại showroom, đăng tải trên website của cửa hàng để khách biết đến và mua. “Giá ký gửi mỗi bức tranh sẽ do khách tự quyết định và dựa trên tư vấn của mình. Còn giá bán ra do cửa hàng tự quyết định”, cô Dung cho biết.
Theo cô Dung, bán hàng ký gửi phụ thuộc vào sự may rủi và duyên bán hàng. Cô cho biết, nhiều khách chấp nhận trả giá cao, tính ra gấp 2-3 lần mức giá mình nhận ký gửi, để sở hữu một bức tranh ưng ý. Tuy nhiên, cũng không ít lần tranh để hàng tháng mà không bán được. Theo đó, những tháng may mắn, cô thu lãi không dưới vài chục triệu đồng, nhưng nếu ế ẩm thì phải chịu không tiền mặt bằng.
“Khó khăn lớn nhất trong kinh doanh ký gửi tranh thêu chữ thập là khâu giữ gìn, bảo quản”, cô Dung nói. Những bức tranh ký gửi thường không có khung, giá trị lại khá lớn. Do đó, cô phải đầu tư một khoản chi phí không nhỏ để đóng khung và bảo quản.
Cũng vì vốn khó khăn nên anh Trần Văn Dũng, chủ hàng đồ da Việt (Xuân Thuỷ, Cầu Giấy) chỉ nhập hàng với số lượng ít, còn chủ yếu nhận ký gửi của hộ sản xuất lẻ ở Phú Xuyên. “Vốn lớn không có, tiền thuê cửa hàng thì vẫn trả hàng tháng, đóng cửa hàng thì không được. Mỗi lần nhận ký gửi mình chỉ mất 5-10% tiền đặt cọc tính theo giá buôn”, anh Dũng chia sẻ.
Anh cho biết, mỗi lần anh nhận ký gửi 20-30 sản phẩm và trả cho chủ sản xuất khoảng 5 triệu đồng tiền đặt cọc. Hai bên thương lượng giá cả và làm hợp đồng, khi nào bán được hàng, anh sẽ thanh toán nốt số còn lại.
Song anh Dũng cho biết, tìm được mối kí gửi và nguồn hàng tốt không phải dễ. Đa số khách tìm đến ký gửi là hàng cũ, hàng tồn. Muốn tìm được hàng ký gửi chất lượng thì cửa hàng phải có uy tín và tốc độ đẩy hàng nhanh. “Vì không một chủ sản xuất nào lại muốn ký gửi hàng đến một năm trời mà không bán hết”, anh Dũng nói.
Từng kinh doanh mỹ phẩm một thời gian nhưng thất bại, chị Bùi Thương Hiền, sinh năm 1984 chuyển hướng sang bán hàng tạp hoá và nhận ký gửi tất cả các sản phẩm. “Tất cả các vật dụng trong gia đình thậm chí là bó đũa mua thừa còn nguyên không dùng đến mình cũng nhận ký gửi”, chị Hiền cho biết.
Nhận ký gửi đa dạng mặt hàng nhưng chị Hiền yêu cầu hàng phải còn mới, còn hạn sử dụng, nguyên túi. Đa số khách ký gửi là những người mua về không dùng nữa hoặc có thừa nên có nhu cầu bán lại. Mặt hàng chị Hiền nhận thường nhỏ lẻ nên không mất tiền đặt cọc. Chị Hiền cho biết, thường mỗi sản phẩm, chị thu được 4.000 - 5.000 đồng, nhưng cũng có một số mặt hàng chị lãi được gần 100.000 đồng. Nhưng công việc này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro vì chỉ nhận hàng nguyên đai nguyên kiện nên chị Hiền rất khó kiểm soát chất lượng của sản phẩm bên trọng. Nếu không may là hàng giả, hàng vỡ, hỏng, chị khó có thể quy trách nhiệm cho khách hàng vì bản thân chị là người bảo quản.