Dịch vụ cầm đồ, ký gửi túi hàng hiệu
Dễ phân biệt chất lượng, sản phẩm có độ bền cao, được săn mua nhiều... là những lý do khiến dịch vụ cầm đồ, gửi bán túi hàng hiệu đắt khách tại Hà Nội.
Mở dịch vụ cầm đồ hiệu từ cuối năm 2010, chị Nhung, chủ một shop tại đường Hàng Bông, Hà Nội cho biết, hơn 1 năm gần đây, cửa hàng của chị chỉ còn nhận cầm đồ túi hiệu của các nhãn hàng nổi tiếng thay vì mọi mặt hàng như trước đây. Các loại túi nhãn hiệu Chanel, Hermes, Luis Vuitton, Burberry... luôn được ưu tiên trả giá cao, phí cầm đồ thấp và nhận ký gửi nếu khách hàng muốn thanh lý lại.
"Nhiều người có nhu cầu thanh lý túi nhưng không có thời gian để rao bán thì mang tới cửa hàng nhờ ký gửi. Tùy vào từng loại túi gửi bán, cửa hàng sẽ trả một phần hoặc toàn bộ giá trị tương ứng, hay chỉ gửi tiền sau khi đã thanh lý xong", chị Nhung cho hay.
Túi hàng hiệu đang trở thành mặt hàng kinh doanh chính của nhiều cửa hàng cầm đồ. |
Thông thường, với hàng ký gửi, sau khi bán được sản phẩm, chủ cửa hàng sẽ chuyển tiền cho khách và giữ lại từ 5 đến 10% giá trị hàng đã bán. Riêng với những chiếc túi cầm đồ, thời gian cầm dài nhất là 6 tháng, khách hàng trả tiền lãi theo tháng. Thanh toán chậm từ 3 ngày đến 1 tuần hoặc cầm đồ quá thời hạn mà không đến lấy, cửa hàng có quyền mang bán sản phẩm để thu hồi vốn.
Theo chị Nhung, túi xách hàng hiệu có thời hạn sử dụng lâu hơn, bền hơn nên số lượng khách tìm mua sản phẩm này tại các cửa hàng cầm đồ cao hơn so với nước hoa, quần áo, giày dép... Đặc điểm của nước hoa là dễ bay mùi, trong khi quần áo, giày dép đã qua sử dụng dù còn tốt nhưng không nhiều người sẵn sàng mặc lại đồ của người khác.
"Một chiếc túi hàng hiệu tương tự được nhập khẩu mới về Việt Nam thường có mức giá từ 40 triệu đồng đến gần 500 triệu đồng, khá 'chát' đối với khách hàng. Vì vậy, nhiều người muốn sở hữu một chiếc túi đẳng cấp với mức giá mềm hơn thường chọn cửa hàng cầm đồ để mua lại. Hơn nữa, những chiếc túi được 'mông má' lại rất dễ nhận diện, do đó, khách hàng không sợ mua phải hàng lỗi, hàng sửa", chị Thủy, giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội và là tín đồ hàng hiệu chia sẻ.
Một trong những cửa hàng cầm túi hiệu nổi tiếng nhất ở Hà Thành nằm trên đường Hàng Bạc. Chủ cửa hàng cho biết, những sản phẩm bày bán tại đây chủ yếu là túi cũ, được cầm đồ hoặc ký gửi. Hầu hết các loại túi ở đây đều được giới thiệu còn mới từ 90 đến 98% (thời gian đã sử dụng chỉ dưới 6 tháng), có mức giá dao động từ 10 triệu đến hơn 30 triệu đồng.
Ngoài dịch vụ cầm đồ, thanh lý, bán hộ, nhiều shop cầm đồ túi hiệu trên các diễn đàn mua sắm cũng kiêm luôn việc làm mới sản phẩm. Giá của dịch vụ này tùy vào từng mặt hàng và yêu cầu làm mới, nhưng thường không dưới tiền triệu.
"Hầu hết các loại túi này đều được làm bằng chất liệu da tốt, trong quá trình sử dụng bị sờn, rách hoặc mất màu, nên công đoạn làm mới yêu cầu tỉ mỉ. Ngay cả việc pha màu lại cho những chiếc túi đã mất màu cũng mất rất nhiều thời gian, chưa kể tới các bộ phận như xích đeo, măng sét rất khó tìm đồ thay thế nếu bị hỏng".
Tuy nhiên, không ít khách hàng có nhu cầu vẫn không dám mua hàng tại các cửa hiệu cầm đồ, ký gửi như trên. "Người bán cam đoan chiếc túi còn mới đến 98%, nhưng tiêu chuẩn mới này như thế nào thì chỉ có chủ cửa hàng biết. Hơn nữa, dù chất liệu túi rất tốt, nhưng giá của một sản phẩm hàng hiệu phụ thuộc khá nhiều vào nguồn gốc, trong khi kiểm tra nguồn gốc lại không phải là chuyện dễ dàng", chị Thủy chia sẻ.
Mới đây, trong công văn ban hành danh mục rủi ro hàng nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết túi xách Chanel nhập khẩu về Việt Nam không có đơn giá dưới 3.000 USD một chiếc. Túi Dior thì có giá dao động từ 2.000 - 7.000 USD, trong khi sản phẩm của Louis Vuitton có giá nhập dưới 2.300 USD. Thậm chí, một chiếc túi xách hiệu Hermes (xuất xứ từ Pháp) nhập khẩu có giá từ hơn 2.000 đến hơn 29.000 đôla. Túi Hermes da bê Birkin, khóa mạ vàng, kích thước 35x28x19cm phải có giá trị nhập khẩu không dưới 29.494 USD, túi Hermes Birkin da cá sấu rẻ hơn một chút, khoảng hơn 20.000 USD. |
Trần Anh
Theo Infonet