Màu sắc đã mất từ nhiều mùa Trung thu trước, nay bất chợt quay về báo hiệu cho làng nghề truyền thống một thời nổi tiếng nhất miền Nam đang có dấu hiệu hồi sinh.
Một thời vàng son
Theo một số tài liệu, nghề làm lồng đèn cổ truyền ở Việt Nam xuất phát từ làng Bác Cổ và Báo Đáp ở Nam Định, sau đó lan đến một số địa phương như Hội An, Huế và TP HCM. Xóm lồng đèn Phú Bình ở TP HCM được hình thành vào khoảng giữa thập niên 50 thế kỷ trước. Người dân từ Nam Định vào Sài Gòn mang theo nghề làm lồng đèn của quê hương mình, đến nay đã hơn nửa thế kỷ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Quyền ở Phú Bình, đã có 3 đời làm lồng đèn, cho biết, lồng đèn Phú Bình còn có tên là lồng đèn Báo Đáp. Theo ông kể lại, do ngày xưa cả làng di cư vào đây, trong hành trang mang theo có nghề làm lồng đèn. Báo Đáp là tên làng, cũng có nghĩa là chúng tôi duy trì nghề của cha ông, nhằm báo đáp công ơn tổ tiên dày công gầy dựng. Đời trước truyền cho đời sau và lưu giữ cho đến ngày nay. Trở thành nơi sản xuất lồng đèn lớn nhất của miền Nam, sản phẩm cung cấp cho cả khu vực Nam Bộ và miền Trung.
Từ những chiếc lồng đèn đơn giản như đèn ông sao, con gà, con bướm, đến những chiếc lồng đèn cầu kỳ như thuyền buồm, thiên nga hay phượng hoàng… đều do nghệ nhân nơi đây sáng tạo. Ông Nguyễn Văn Đoàn, nghệ nhân bước vào nghề làm lồng đèn giấy kiếng từ khi còn là một cậu học trò cấp 1, nay ở tuổi xế chiều, nhớ lại thời vàng son của xóm lồng đèn chỉ gói gọn trong 3 thập niên 70 - 90 của thế kỷ trước.
Trong khoảng thời gian đó, xóm nghề có đến cả trăm hộ sống bằng nghề làm lồng đèn. Vào mùa Trung thu, bất kể ngày hay đêm lúc nào xóm lồng đèn cũng tấp nập thương lái. Hàng làm ra bao nhiêu giao hết bấy nhiêu. Khi ấy hộ nào sản xuất ít cũng vài chục nghìn chiếc, lồng đèn đơn giản có con gà, con bướm, ông sao… lồng đèn cầu kỳ, phức tạp có thiên nga, phượng hoàng, tàu thủy. Những chiếc lồng đèn căng bóng, đường nét hoa văn sắc sảo, mềm mại từ đó vang danh khắp nơi.
Danh tiếng của lồng đèn trung thu Phú Bình khiến cho các nhà thờ trong khu vực đến ngày Giáng sinh cũng về đây đặt làm lồng đèn. Số lồng đèn làm trong dịp này tuy không nhiều nhưng giá lại cao, tạo thêm thu nhập ngoài vụ cho cả xóm. Nhờ đó mà họ nên cửa nên nhà, con cái học hành giỏi giang, thành đạt.
Để làm một chiếc lồng đèn giấy kiếng truyền thống dù to hay nhỏ, đơn giản hay cầu kỳ phải chuẩn bị cả năm. Bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán, nhiều người phải lên tận miền Đông Nam Bộ, hoặc xuống tận miền Tây chọn mua những cây lồ ô, tre ưng ý đem về chẻ nan, làm khung. Loại vật liệu có độ dẻo, lóng thưa dễ uốn cong, tạo dáng theo ý muốn.
Có thể nói chưa có nghề thủ công nào tỉ mỉ, tốn công như nghề này. Nếu tính từ khi chọn nguyên liệu cho đến hoàn tất sản phẩm, có cả chục công đoạn: chẻ nan, tạo hình, kết kẽm, dán giấy, sơn phết, vẽ trang trí… Công đoạn nào cũng phải bỏ công sức và tình cảm vào. Ví như một chiếc đèn con bướm cũng phải cần 5 loại nan khác nhau để tạo dáng, khi uốn nan hay chẻ nan phải thật đều tay thì chiếc nan mới đều, mới tạo được dáng đẹp cho chiếc lồng đèn.
Yếu tố quyết định làm nên nét đặc thù của từng chiếc lồng đèn còn ở cách tạo hình, kỹ thuật dán giấy và vẽ họa tiết trang trí cho lồng đèn. Tất cả những công đoạn này đòi hỏi người thợ phải sáng tạo trong từng nét vẽ, khéo léo trong cách bôi hồ, dán giấy thì mới có được những chiếc lồng đèn căng bóng, trông đẹp mắt.
Một người thợ lành nghề, mỗi ngày làm được chừng 20 chiếc lồng đèn loại nhỏ, giá bán hiện thời 20.000-50.000 đồng một chiếc, tùy loại. Còn những lồng đèn cỡ lớn, trang trí cầu kỳ phải mất cả ngày công mới hoàn thiện.
Nghề làm lồng đèn được phân công lao động khá rõ ràng. Các thợ có kinh nghiệm đảm trách khâu quan trọng như chẻ nan, tạo khung, vẽ trang trí. Những khâu đơn giản như kết kẽm, dán giấy, sơn phết… nhiều trẻ em ở đây đã có thể làm được.
Nỗ lực hồi sinh
Hơn 10 năm trở lại đây, cứ đến mùa Trung thu lồng đèn Phú Bình mất dần sắc đỏ. Ngày trước xóm có đến cả trăm hộ sống bằng nghề lồng đèn, nay hầu hết đã bỏ nghề. Người đi làm công nhân, người thì mở cơ sở may mặc, giày dép, nhà cửa cho thuê… Cả xóm lồng đèn giờ còn hơn chục hộ theo nghề. Ngoài kiểu dáng lồng đèn truyền thống như bướm, cá, tàu thủy, ông sao… các nghệ nhân làm lồng đèn cho biết, năm nay lồng đèn mang chủ đề biển đảo, ngư dân, cảnh sát biển đang áp đảo trên thị trường và được các mối hàng ưa chuộng.
Sự thay đổi chủ đề được cho là do khách quan và khá đột ngột, hầu hết các cơ sở không có sự chuẩn bị trước. Khiến cho những nghệ nhân ở đây dường như thức khuya hơn để tranh thủ chẻ thêm nan, uốn thêm khung cho những con tàu Hoàng Sa ra khơi - một sản phẩm được dự báo là "hút hàng" vào mùa Trung thu năm nay.
Cũng theo các nghệ nhân, sản xuất chiếc lồng đèn thủ công chi phí cao hơn chiếc lồng đèn xếp công nghiệp, khiến cho cuộc cạnh tranh về giá chiếc lồng đèn thủ công luôn tỏ ra yếu thế. Do vậy, các nghệ nhân không dám đầu tư kiểu dáng, mẫu mã vì bài học "đối đầu" với lồng đèn Trung Quốc, vốn đã tràn ngập thị trường trong nhiều năm trước vẫn còn đó, và nay là lồng đèn công nghiệp sản xuất trong nước cũng tỏ ra vượt trội lồng đèn truyền thống về mọi mặt. Vả lại, sau nhiều năm sản xuất không có lời, chán nản nên chẳng ai thiết tha sáng tạo càng khiến cho mẫu mã nghèo nàn, số lượng hạn chế, chỉ bằng một phần mười những năm trước.
Nghệ nhân Bùi Thị Xuân cho biết, những năm trước, đến mùa lồng đèn huy động cả gia đình bắt tay làm việc từ sáng sớm đến tận khuya. Chồng chẻ nan, uốn khung, dán giấy; vợ sơn phết, con thì vẽ trang trí. Nhưng mùa lồng đèn năm nay chỉ làm tượng trưng cho đỡ nhớ nghề, số lượng không đáng kể. Theo chị, một mùa lồng đèn chỉ có vài tháng nhưng lo lắng cả năm, đầu tư mấy chục triệu đồng, vậy chứ lời lãi chẳng bao nhiêu, đủ mua bánh Trung thu cho con trẻ.
Một số nghệ nhân ở đây cũng có tâm trạng bỏ nghề, vì cho rằng lồng đèn giấy kiếng đã hết thời. Song, các nghệ nhân còn cố gắng giữ nghề cho đến ngày nay là do tiếc cái nghề của cha ông gầy dựng để rồi đeo theo như cái nghiệp. Thực tế, từ nhiều năm qua, xu hướng chuyển sang sử dụng lồng đèn giấy xếp, đèn nhựa có nhạc là khá phổ biến. Sự đa dạng về mẫu mã, phong phú về màu sắc, giá cả cạnh tranh đã đẩy lồng đèn giấy kiếng lùi dần về quá khứ là điều hiển nhiên.
Chị Thanh Hương, thương lái lồng đèn ở Chợ Lớn, cho biết, mấy năm trước mối hàng ở tỉnh lên ít khi lấy lồng đèn giấy kiếng. Họ cho rằng vận chuyển cồng kềnh, tốn chi phí. Trong khi đó lồng đèn xếp, lồng đèn điện tử có nhạc nhỏ, gọn, dễ vận chuyển mà giá cả lại phải chăng. Hơn nữa, ưu thế của đèn nhựa khó bị cháy, rách, đáp ứng được số đông phụ huynh có tâm lý "ăn chắc mặc bền". Đây cũng là lý do khiến cho xóm lồng đèn Phú Bình tiến gần đến ngày tàn lụi…
Phải chớp thời cơ
Tuy nhiên, tình hình 2 năm trở lại đây lại có sự đổi khác. Người tiêu dùng Việt, đặc biệt là các bậc phụ huynh, đã bắt đầu có ý thức hướng con em mình tới các sản phẩm trong nước, đặc biệt là các sản phẩm có yếu tố khích lệ tinh thần dân tộc. Đây liệu có thể coi là một cơ hội cực kỳ lớn đối với các ngành nghề thủ công dân gian, đặc biệt là đồ chơi dân gian?
Các đầu mối ở chợ Bình Tây cho biết 2, năm nay không nhập lồng đèn Trung Quốc. Một vài sạp còn sót lại lồng đèn Trung Quốc từ những mùa Trung thu trước, nay cũng không dám chưng hàng, vì đầu mùa tới giờ chưa thấy khách hàng nào nhắc đến. Ngay cả một số công ty kinh doanh đồ chơi trẻ em hàng năm nhập khẩu cả triệu chiếc lồng đèn Trung Quốc, bỏ hàng cho mối chợ Bình Tây năm nay cũng không dám nhập hàng nữa.
Điều gì khiến cho các nhà buôn quay ngoắt 180 độ? Còn nhớ, mới năm ngoái đây thôi, lồng đèn Việt còn "than khóc" trên thị trường, nay lồng đèn Việt đẩy lồng đèn Trung Quốc gần như mất dạng. Theo một số nghệ nhân làm lồng đèn ở Phú Bình, việc "bất chiến tự nhiên thành" không có gì là kỳ diệu hay bất ngờ. Đây chính là kết quả tất yếu của sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vừa qua.
Không chỉ các nhà kinh doanh mà ngay cả nghệ nhân dân gian họ cũng khá nhạy bén với thời cuộc. Bằng chứng là tới giờ này chưa có DN nào dám nhập khẩu lồng đèn Trung Quốc, bởi họ biết khả năng "khách hàng nhí" sẽ tẩy chay hàng nhập khẩu là rất cao. Trong khi đó, các nghệ nhân ở xóm lồng đèn Phú Bình xem đây là cơ hội, song họ chưa đủ tự tin sản xuất hàng loạt chiếc lồng đèn giấy kiếng mang dáng dấp con tàu Hoàng Sa thẳng tiến ra biển, mà chính họ dự báo năm nay sẽ thắng lớn!
Ngày hội Trung thu đang đến rất gần, xóm lồng đèn vẫn còn đó, vẫn còn le lói những con người tâm huyết với nghề. "Còn người mua lồng đèn giấy kiếng thì chúng tôi còn làm", đó là thông điệp chung của các nghệ nhân hiện nay ở Phú Bình. Họ là những nghệ nhân luôn tâm quyết giữ nghề, lúc nào cũng đau đáu mong chính quyền có phương cách bảo tồn làng nghề, dẫu sao đây cũng là nét văn hóa truyền thống được cha ông giữ gìn qua bao thế hệ.
Một cuộc khảo sát, điều tra toàn diện thực trạng làng nghề lồng đèn Phú Bình trong lúc này là cần thiết, để từ đó có cái nhìn bao quát và toàn diện nhất. Thấy được điểm mạnh, yếu, đời sống của người lao động, nghệ nhân… để rồi có hướng đi đúng, chuẩn xác trong việc bảo tồn, phát triển làng nghề chứa đựng nhiều giá trị nhân văn và sự ổn định xã hội vốn có của nó.
Hiện tại có thể chưa nói trước được điều gì, nhưng những gì đã và đang diễn ra ở xóm lồng đèn được cho là nổi tiếng nhất miền Nam, cho phép những người lạc quan tin rằng một làng nghề truyền thống mang đậm chất văn hóa dân gian từ đây sẽ được hồi sinh.