Nhiều cơ sở sản xuất lồng đèn Việt chỉ vừa tung các mẫu mã lồng đèn mới ra thị trường được vài ngày đã “méo mặt” khi phát hiện hàng nhái, hàng giả và hàng kém chất lượng của Trung Quốc cũng xuất hiện với số lượng lớn, giá cả rẻ hơn...
Mẫu cũ lẫn mẫu mới đều bị nhái
Ông Huỳnh Văn Khánh, Giám đốc Công ty Kỹ thuật mới, cho biết, chưa kịp vui mừng vì được người tiêu dùng đón nhận, năm nay lồng đèn của cơ sở sản xuất này có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh vì hàng nhái giá bèo.
“Năm nay tôi dự kiến đưa ra hơn 700.000 lồng đèn nhưng ngay đầu mùa đã đụng phải hàng giá rẻ, hàng nhái Trung Quốc tràn vào nhiều”, ông Khánh nói.
Các mẫu mã lồng đèn do cơ sở sản xuất lồng đèn của một công ty ở TP HCM thiết kế và lắp ráp. |
Đưa ra ba cán đèn khác nhau, ông Khánh cho biết, trên các cán đèn đều có in dòng chữ “sản xuất tại Việt Nam” nhưng chất lượng nhựa của cán đèn hoàn toàn khác nhau. Cây đầu tiên vỏ nhựa mỏng đến mức nhìn xuyên được bên trong là hàng nhái theo mẫu năm trước. Cán đèn thứ hai dày hơn nhưng công tắc trượt rất lỏng lẻo, là sản phẩm nhái theo mẫu đèn năm nay. Cán đèn thứ ba có lớp nhựa mịn, cán trơn, cầm chắc chắn là hàng của chính công ty.
Ngoài nơi sản xuất, cán đèn nhái còn in logo của công ty. Khi cho pin vào hoạt động, những cây đèn giả sử dụng đèn dỏm, ánh sáng yếu, âm thanh đục và chắc chắn không mua bản quyền âm nhạc. Nhìn bên trong cán đèn, các vết chì loang lổ, trầy trụa dễ chập mạch. Nhưng khi mua sử dụng, người tiêu dùng không có điều kiện đối chiếu nên không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.
“Để có cán đèn xoay vặn theo công nghệ Nhật Bản, tôi đầu tư khuôn đúc hơn 1 tỷ đồng, trong khi cán đèn của lồng đèn giả thường chế từ nhựa tái sinh, chất lượng thấp, loại cán nhựa này từng bị cảnh báo trẻ em dùng có nguy cơ bị phỏng do nhựa tan chảy”, ông Khánh nói.
Ngay cả ba bài hát gồm: Rước đèn tháng tám của tác giả Đức Quỳnh, Rước đèn ông sao của nhạc sĩ Phạm Tuyên và Bé chơi lồng đèn của nhạc sĩ Yên Lam, được nhà sản xuất mua bản quyền sử dụng để cài vào cán lồng đèn trung thu cũng bị lồng đèn giả sao chép, sử dụng tràn lan.
Trên đường Lương Nhữ Học (quận 5, TP HCM) cửa hàng nào đèn Trung Quốc cũng áp đảo đèn Việt Nam. |
In cả tem hợp quy lên lồng đèn
Không chỉ cán đèn, ngay cả chiếc lồng đèn cũng bị nhái. Bà Lâm Ngụy Nguyên Hồng, Giám đốc Công ty Gia Long, chuyên sản xuất đèn lồng thương hiệu Kibu, nói kỹ thuật lắp ráp chiếc đèn lồng giấy mà công ty tung ra thị trường là kết quả nghiên cứu rất lâu của cả đội ngũ, dù nhìn bên ngoài có vẻ đơn giản nhưng phải rà đi kiểm lại rất nhiều lần.
Thế nhưng khi vừa tung ra thị trường, những chiếc lồng đèn này ngay lập tức bị giả, vừa xấu, vừa kém chất lượng, chỉ có kỹ thuật lắp ráp là không khác bao nhiêu. Theo bà Hồng, năm nay giới thiệu ra thị trường hàng trăm mẫu nhưng rất nhiều mẫu đã bị “chôm” từ hình ảnh đến kỹ thuật!
“Có nhiều mẫu chỉ mới ra được vài hôm, chúng tôi khảo sát thị trường đã kịp thấy hàng nhái bày bán. Cứ như họ rình sẵn chúng tôi”, bà Hồng bức xúc.
Ngay khu vực chuyên bán lồng đèn trên phố Lương Như Học (quận 5, TP HCM), không khó để tìm mua được một chiếc lồng đèn mảnh ghép là hàng nhái. Do không đầu tư, sáng tạo nên những chiếc lồng đèn nhái chỉ biết bắt chước, copy hình ảnh của các nhân vật nổi tiếng như Hello Kitty, Doraemon, Mickey...
Mặc dù hàng nhái đều ghi “sản xuất tại Việt Nam” nhưng các nhà sản xuất đều khẳng định toàn bộ là hàng Trung Quốc, vì Việt Nam không thể nhái nhanh và số lượng lớn trong thời gian ngắn như vậy.
Lồng đèn Trung Quốc tràn ngập trên đường Lương Nhữ Học, quận 5, TP HCM. |
Thương hiệu, uy tín bị ảnh hưởng
Lồng đèn được xem là đồ chơi dành cho trẻ em, nên theo quy định phải tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn, kiểm định chất lượng sinh lý, hóa lý như đồ chơi thông thường. Sản phẩm sau khi hoàn thiện được đem đi kiểm định, nếu đủ điều kiện mới được dán tem hợp quy.
Tuy nhiên, những lồng đèn nhái, giả in luôn cả tem hợp quy. “Việc làm này là hoàn toàn sai nguyên tắc về công bố chất lượng”, ông Khánh nói.
Một số cơ sở sản xuất cho hay, những đối tượng làm giả tự in hình ảnh lồng đèn của công ty rồi gắn cán đèn xịn hoặc lấy lồng đèn thật gắn vào cán đèn Trung Quốc, để bán giá bèo. Nhìn bên ngoài, người tiêu dùng rất khó phân biệt.
Hình thức gian lận thương mại này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín thương hiệu, trong khi các doanh nghiệp chỉ có thể ngậm bồ hòn làm ngọt bởi chẳng biết kiện ai.
Không chỉ gặp khó vì hàng nhái, hàng giả, năm nay thị trường còn chứng kiến sự đổ bộ trở lại của lồng đèn Trung Quốc. Dù bị cảnh báo về chất lượng nhưng do giá rẻ, lợi nhuận cao nên hàng này vẫn còn đất sống.
Chủ cửa hàng trên phố lồng đèn Lương Nhữ Học (quận 5), cho biết, năm ngoái lồng đèn Việt thắng với các chủ đề biển đảo, yêu nước đánh bại dễ dàng hàng Trung Quốc. Năm nay các nhân vật hoạt hình lại lên ngôi.
Chị Hoa, chủ tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), cho biết, bán lồng đèn Trung Quốc lời nhiều hơn, giá nhập 15.000-18.000 đồng một cái nhưng bán có thể lên 35.000-55.000 đồng một cái tùy mẫu. Trong khi bán một chiếc lồng đèn Việt Nam chỉ lời 3.000-5.000 đồng.
Lồng đèn Việt được ưa thích
Nhiều siêu thị khẳng định không bán loại lồng đèn Trung Quốc, các loại lồng đèn được bày bán ở đây là hàng Việt Nam và giá cả không thay đổi so với năm trước.
Tại các siêu thị, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy hơn 100 mẫu lồng đèn Việt Nam các loại làm từ chất liệu nhựa, giấy và mút xốp. Cụ thể: đèn giấy giá 7.500-9.500 đồng với các hình ảnh cô Tiên, chú Cuội, chị Hằng, ông Lân, ông Địa, hình các con thú...
Trong đó, đèn nhựa 41.000-55.000 đồng một sản phẩm với các nhân vật Bạch Tuyết, Doraemon, Pokemon... Riêng loại lồng đèn lắp ráp thông minh với giá 85.000 đồng một chiếc hóa thân nhân vật công chúa, Minion, Nữ hoàng băng giá (các nhân vật hoạt hình như thật, rất nổi tiếng) là sản phẩm mới năm nay.
Đây là loại đèn được làm từ mút xốp, trước khi chơi phải qua khâu lắp ráp, giúp phát triển tư duy xâu chuỗi cho trẻ em. Với một chiếc đèn nhỏ bên trong giúp đèn phát ra ánh sáng dịu mắt. Sau khi chơi xong bé có thể tháo rời hoặc chưng trên bàn học như một vật lưu niệm tiện dụng.