Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiên nga bông, quà Trung thu 'độc' của nghệ nhân Hà thành

Mỗi độ Trung thu là dịp để cả gia đình bà Vũ Thị Thanh Tâm (86 tuổi) đoàn tụ, hoàn thiện những giỏ thiên nga bông xinh xắn mà không thể tìm ở nơi nào khác trên đất Hà thành.

“Độc nhất” thiên nga bông Hà thành

Cứ đến phố Hàng Lược hỏi thăm gia đình bà Tâm làm thiên nga bông thì không ai là không biết, bởi lẽ, cụ bà 86 tuổi này đã gắn bó với nghề truyền thống mỗi dịp Trung thu gần như bằng ngần ấy năm cuộc đời.

Nhìn cụ bà đã ở tuổi gần đất xa trời, mái đầu nghiêng nghiêng, đôi mắt nheo nheo đang tỉ mỉ hoàn thiện từng chi tiết bên giỏ thiên nga bông mới cảm nhận thấu cái tâm, cái “lửa” với nghề.

Bà Tâm bảo, làm thiên nga bông từ khi nào bà cũng không nhớ nữa, chỉ biết là từ lúc lẫm chẫm biết đi, đến giờ đã gần đi hết cả đời người, cái nghề truyền thống ấy đã theo bà đến ngấm vào máu thịt. Cũng có lúc vì chiến tranh bà phải xa thủ đô và tạm gác lại niềm yêu thích ấy, nhưng khi trở lại là bà lại như được “tiếp lửa” và lại bắt tay vào làm thiên nga.

Theo bà Tâm, xưa kia cả phố Hàng Lược đều làm thiên nga bông, nhưng nay chỉ còn “sót” lại gia đình bà với nghề truyền thống. Bà chia sẻ: “Giờ làm thiên nga bông vừa tỉ mỉ, vừa vất vả, thu nhập lại chẳng là bao nên mọi nhà họ bỏ hết. Còn mình vì yêu thích nên đến mùa Trung thu vẫn làm chỉ để cải thiện bánh nướng, bánh dẻo thôi, chứ không phải buôn bán quanh năm”.

Bà Tâm miệt mài bên giỏ thiên nga bông, chuẩn bị mang đến món quà truyền thống trong ngày Tết Trung thu.

Bà Tâm miệt mài bên giỏ thiên nga bông, chuẩn bị mang đến món quà truyền thống trong ngày Tết Trung thu.

Ai đã một lần mua thiên nga bông của bà Tâm đều cảm nhận được sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng chi tiết và cả tâm huyết của người làm ra sản phẩm chứa đựng trong đó. Theo bà Tâm, thiên nga bông của nhà bà làm toàn bộ bằng tay và có nhiều chi tiết nhỏ, nên năm nào gia đình cũng phải chuẩn bị nguyên liệu từ trước Trung thu hàng tháng để kịp hoàn thiện sản phẩm bán trước và trong rằm.

Mỗi một con thiên nga có dáng đứng và dáng cổ khác nhau, cách đính vào lẵng cũng khác nhau, tùy theo tay người uốn mà dáng thiên nga cũng rất đa dạng. Cụ bà 86 tuổi cho biết, thiên nga tượng trưng cho tình yêu nên bà thường đặt một đôi trong lẵng hoặc làm thành lẵng tương trưng cho cả gia đình.

Gần một đời người làm thiên nga bông, bà Tâm đã tìm cho sản phẩm thiên nga bông của mình một chỗ đứng riêng nhờ những “bí kíp” do chính bà sáng tạo, trong đó có việc dùng nước cơm để vuốt lên thân thiên nga làm mượt.

Bà Tâm cho hay, mặt bông không mịn nên khi phủ lên thiên nga sẽ bị xù, do đó phải dùng nước cơm vuốt lên thân cho bông mượt mà. Để có đủ nước cơm dùng cho sản xuất hàng ngàn con thiên nga dịp Trung thu, ngày ngày, mọi người trong nhà phải tích cóp từng chút nước cơm mỗi khi nấu cơm, mỗi lần như vậy cũng không được bao nhiêu. Mặc dù vậy, công việc có tỉ mỉ đến đâu nhưng thiếu công đoạn nào là sản phẩm của bà sẽ thiếu mất cái riêng, cái vẻ đẹp độc đáo của nó.

“Giữ lửa” nghề truyền thống

Đến nay, trong gia đình bà Tâm không chỉ có mình bà mà cả cô con dâu ngoài 40 tuổi và cô cháu gái 22 tuổi vẫn ngày ngày cùng bà “giữ lửa” với nghề truyền thống của đất Hà thành.

Cô Quách Thị Bắc, con dâu bà Tâm là người được bà tin cậy truyền nghề, bởi lẽ không chỉ khéo tay mà cô Bắc còn thực sự yêu mến nghề truyền thống của gia đình. Cô chia sẻ: “Mẹ chồng cô yêu nghề như thế nào thì cô cũng yêu thích như thế”.

Cô cháu gái của bà Tâm là Trần Hương Giang đã sống với ông bà ngoại từ nhỏ nên niềm yêu thích với thiên nga bông cũng thấm nhuần trong tâm hồn cô gái trẻ từ lúc nào không hay.

Giang cho biết, từ lúc biết đi đã bắt đầu nghịch ngợm rồi học theo bà, theo bác làm thiên nga bông. Mỗi năm, cứ những ngày giáp Trung thu là Giang lại cùng cả gia đình quây quần giúp bà làm thiên nga bông rồi ra phố Hàng Mã bày bán. Những lúc như vậy, cô gái trẻ mới thực sự cảm nhận được không khí của lễ hội Trung thu truyền thống.

Dù năm nào gia đình bà Tâm cũng sản xuất hàng ngàn con thiên nga bông cho dịp Tết Trung thu, nhưng những người tâm huyết với nghề trong gia đình bà không khi nào hết trăn trở, lo lắng mất đi nghề truyền thống.

Cô Bắc tâm sự: “Giờ gia đình cũng không còn nhiều nhân lực, cô lại chỉ có mỗi đứa con trai nên mọi việc hầu như mình phải làm hết. Nếu mình không làm thì các con cháu cũng đâm ra chán nản, rồi nghề mai một dần, nên dù thế nào thì cũng phải cố gắng dạy cho con cháu để chúng nối tiếp nghề truyền thống này".

Cũng theo cô Bắc, khách hàng mua thiên nga bông của gia đình chủ yếu là những người từ 50 tuổi trở lên, “thanh niên, trẻ con đi qua là làm ngơ, họ chỉ rẽ vào cửa hàng bán đồ chơi Trung Quốc thôi”, cô Bắc rầu rầu nói.

Không nguôi lo lắng, trăn trở mất nghề, nhưng bà Tâm, cô Bắc đều chia sẻ, mỗi khi chuẩn bị đến rằm tháng Tám, cả gia đình cùng quây quần bên nhau làm những giỏ thiên nga bông xinh đẹp là những khoảnh khắc ai cũng nâng niu vì biết rằng, mỗi thành viên trong gia đình bà vẫn luôn yêu và trân trọng nghề truyền thống.

Doanh nghiệp lồng đèn Việt kể chuyện làm ăn với Trung Quốc

Trung thu 2013, công ty đặt phía Trung Quốc 1 triệu con chip tạo nhạc và đèn. Nhưng đến ngày giao hàng, phía đối tác chỉ giao 180.000 sản phẩm, còn lại lén lút bán sang Việt Nam.

http://laodong.com.vn/kinh-doanh/qua-doc-dip-trung-thu-cua-nghe-nhan-gan-tram-tuoi-o-ha-thanh-236687.bld

Theo Thảo Nguyên/ Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm