Lần đầu tiên đèn ông sao 'thắng' lồng đèn Trung Quốc
7 hộ dân còn làm lồng đèn tại làng lồng đèn Phú Bình (phường 5, quận 11, TP.HCM) năm nay bất ngờ nhận tin vui khi người tiêu dùng ráo riết tìm mua lồng đèn do họ sản xuất.
Bà Bùi Thị Xuân (đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, người từng có hơn 30 năm làm lồng đèn và là một trong bảy hộ dân còn làm lồng đèn của cả làng nghề) tâm sự: Gần chục năm qua kể từ khi lồng đèn Trung Quốc ồ ạt vào VN, tôi mới thấy lồng đèn của mình bán chạy và được ưa chuộng đến vậy.
Tôi còn nhớ khoảng năm 2000-2001 lồng đèn Trung Quốc tiến vào như cơn bão khiến những người làm lồng đèn số lượng lớn trở tay không kịp. Hết mùa, hàng trăm ngàn lồng đèn chất đống không bán được, thậm chí vứt đi phải trả tiền chở... rác. Từ đó, có hộ bỏ đi nơi khác làm ăn, có hộ chuyển nghề. Gần 200 hộ gia đình làm lồng đèn đến nay cả làng nghề chỉ còn vẻn vẹn bảy hộ bám trụ.
"Nhờ" thông tin lồng đèn Trung Quốc có chất gây ung thư, đèn lồng truyền thống Việt Nam trở nên đắt khách. |
Lồng đèn Trung Quốc là loại đồ chơi trẻ em với đủ kiểu, dùng pin, phát sáng nhấp nháy, phát nhạc khiến trẻ con mê mẩn. Còn lồng đèn của VN giản đơn bằng tre, dán giấy kiếng, trang trí họa tiết dân gian đã gắn sâu với ký ức tuổi thơ của bao thế hệ... Khi đốt nến, lồng đèn tuy giản đơn ấy trở nên lung linh, ấm áp lắm! Thế nhưng, “chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu...” vẫn không thể chống chọi với lồng đèn Trung Quốc.
Người dân trong làng nghề xoay xở đủ mọi cách với việc hạ giá thành, sáng tạo hàng loạt mẫu mã mới như hoa sen, thuyền, bươm bướm... thậm chí cả hình Tiểu Yến Tử, Tôn Ngộ Không... nhưng ế vẫn ế. Trước đây, hộ nào làm ít cũng khoảng 10.000 lồng đèn to nhỏ các loại. Hàng làm đến đâu thương lái gom hết đến đó.
Tuy nhiên, hiện nay người làm lồng đèn của làng nghề sống được nhờ đơn hàng của một số trường học, cơ quan nhà nước tổ chức trung thu cho con em cán bộ công nhân viên. Đơn đặt hàng bán lẻ của tiểu thương hầu như không có. Hiện mỗi mùa trung thu hộ nào làm được 3.000-5.000 lồng đèn là đã thành công lắm rồi.
Năm ngoái có nhiều hộ “khóc ròng” khi hơn 1.000 lồng đèn làm mà không bán được đành bỏ thùng rác. Trong khi đó, lồng đèn nhựa Trung Quốc năm nay bán không hết thì sang năm bán tiếp. Năm nay lồng đèn bán được, nhiều gia đình cũng nhen nhóm muốn làm lại nhưng tôi thấy vẫn mạo hiểm quá. Tôi cũng không hiểu sao nhiều loại lồng đèn Trung Quốc độc hại vậy mà vẫn được nhập ồ ạt, giá rẻ quá chừng. Đành rằng người lớn thích rẻ, con nít thích màu mè, sôi động nhưng không lẽ cứ để con em mình vô tư dùng hàng độc hại ấy sao?
Theo Tuổi Trẻ